- Trăm năm nhỏ bé và bộn bề, như lời ông đã viết, đang khép lại trong căn nhà nhỏ bình yên giữa Sài Gòn, nơi ông an hưởng tuổi già.


Khi đã đi gần hết trăm năm của đời người lắm thăng trầm, dâu bể, nhạc sĩ Phạm Duy – người ghi dấu ấn không thể phai mờ trong gia tài âm nhạc VN chọn ở lại TP.HCM. Ông sống những ngày cuối đời trong một căn nhà nhỏ nép trong lòng một con hẻm yên tĩnh giữa phố Lê Đại Hành hiện đại và náo nhiệt. Thế nên, ít nhất là với người viết, cuộc phỏng vấn ông là một trải nghiệm làm nghề đặc biệt khi mà mọi câu chuyện cần phải được nhìn theo suốt chiều dài thời gian và chiều rộng không gian.

Tôi là người sung sướng nhất đời

Nhạc sĩ Phạm Duy trong đêm sinh nhật mừng thọ 92 tuổi vào năm 2011

Thưa ông, lời đầu tiên xin cho cháu được hỏi ông có khỏe không ạ?

Lúc này thì yếu rồi. Bởi vì tôi 93 tuổi. Tôi không đi bộ được nữa, phải ngồi xe lăn.

Một ngày bình thường của ông trôi qua như thế nào?

Buổi sáng tôi dậy ăn sáng xong rồi ngủ, ăn cơm trưa xong rồi tôi lại ngủ, nhưng đêm thì tôi thức suốt đêm. Tôi không có việc gì cả, nên tôi là người sung sướng nhất đời.

Sung sướng hiểu theo nghĩa nào, thưa ông?

Hiểu theo nghĩa là an nhàn thôi, tôi không phải suy nghĩ gì. Trước kia một ngày 24 tiếng thì tôi suy nghĩ tới 25 giờ đồng hồ rồi. Giờ tất cả nhẹ tênh rồi. Thế là tôi sung sướng chứ còn gì.

Ông đã sống ở nhiều nơi từ Hà Nội tới Sài Gòn, từ Việt Nam tới Hoa Kỳ. Nơi nào khiến ông cảm thấy như đang ở nhà?


Phải công nhận là năm tôi bỏ nước ra đi, tôi không phải là người có lý tưởng sống để mà đi. Thành thử tôi rất đau đáu. Tôi là người Việt Nam thì tôi phải sống chết với nước Việt Nam chứ. Khi qua hải ngoại được vài năm, tôi đã viết bài “Rồi đây anh sẽ đưa em về nhà”. Nhưng lúc đó tôi không thể về nhà được ngay, đợi đến ba mươi mấy năm thì mới về được. Cả một đời người rồi còn gì.

Với đàn bà, tôi yêu đến tột độ


 Nhạc sĩ Phạm Duy đang diễn tả tâm trạng chương số 3 Đà Lạt trăng mờ (do Tuấn Ngọc trình bày) trong trường ca Hàn Mặc Tử.

Nhìn lại sự nghiệp của ông đồ sộ và trải dài từ ca khúc tới trường ca, từ tình ca, bé ca tới thiền ca, tâm ca, đạo ca…, phần âm nhạc nào làm ông hài lòng nhất?

Phải nói một vấn đề là tôi không có chọn lựa. Tôi làm cái nào xong là tôi quên ngay. Nếu tôi cứ ngồi ôm chặt “Con đường cái quan” thì chắc cuộc đời tôi chỉ có một bài đó thôi. Tôi vừa làm tâm ca xong thì lại nghĩ tiếp tới làm tục ca. Hai cái nó chống nhau như vậy. Tôi sống theo cảm tính của tôi, là một con người nghệ sĩ đa năng, tế nhị. Bất cứ cái gì xảy ra với tôi, phút trước tôi vui thì phút sau tôi buồn ngay.

Cháu cảm nhận có rất nhiều thái cực trong âm nhạc của ông, khi hạnh phúc lúc đau khổ, khi mê đắm lúc chán chường… Vì sao vậy thưa ông?

Có lẽ do tôi là người cực đoan trong nghệ thuật.

Vậy còn nhục cảm thể xác, chúng có vai trò gì trong những bản tình ca của ông?

Nhạc tình của tôi có vẻ có nhiều nhục tình hơn. Chẳng hạn như bài “Cỏ hồng”. Mà ngay bài “Mẹ Việt Nam” cũng nhắc nhiều đến nhục cảm. Rõ ràng mỗi người (nhạc sĩ) có một phong cách. Ví dụ anh Trịnh Công Sơn viết lời ca rất ảo, tôi lại rất thật. Cũng như mỗi người yêu một người đàn bà theo nhiều cách khác nhau, riêng tôi thì yêu đến tột độ.

Rất nhiều người đàn bà đã đi qua cuộc đời ông, vậy ai là người đã để lại ấn tượng nhiều nhất trong ông?

Có lẽ không ai ngoài vợ. Tất cả những người đi qua chỉ là những người đi qua. Riêng nhà tôi, tôi vẫn tưởng như bà ấy đang ở gần tôi.

Ở tuổi 93, ông còn mong muốn gì trong cuộc đời?

Nói thì có vẻ hơi tiểu thuyết. Nhưng tôi mong cuộc đời tôi kết thúc cho lẹ đi. Già về phương diện tinh thần thì sung sướng thật đấy. Nhưng về vật chất thì, ngủ thì tôi không ngủ được nữa. Có khi trắng đêm. Một ngày tôi chỉ ngủ được ba tiếng. Vật chất, sinh lão bệnh tử. Sinh tử thì dễ quá nhưng bệnh thì ngặt quá. Đó là tôi là người khỏe rồi đấy. Đến giờ còn ngồi để tiếp chuyện được anh. Tôi thấy tôi chưa chết nhưng hình như tôi đã tàn phế.

Ông suy nghĩ gì về cái chết và suy nghĩ này có ảnh hưởng gì đến ông?

Tôi đã nói về cái chết từ khi 40 tuổi. Tôi coi mục đích tối hậu của con người là cái chết. Tôi không có gì là hãi hùng và buồn phiền cả. Nếu được theo đúng thuyết nhà Phật, người ta ăn ở đức độ thì sẽ được tái sinh. Và nếu có sự tái sinh thì tôi sẽ không thích tái sinh nữa đâu. Bởi vì tôi đã mệt quá rồi. Các nhạc sĩ ở đây sướng lắm, không ai mệt như tôi cả, không ai đi nhiều, hát nhiều và sáng tác nhiều như tôi cả. Khổ tâm lắm.

Tôi hơi quá đà trong việc yêu nghệ thuật


 Nhạc sĩ Phạm Duy trong vòng vây người hâm mộ

Thưa ông, vậy bây giờ ông còn sáng tác?

Có chứ. Tôi vừa làm xong 10 bài hát phổ thơ của Bích Khê. Hay lắm, có dịp anh nghe thử.

Năng lượng nào giúp cuộc đời sáng tác của ông dài như vậy?

Hình như là tôi hơi quá đà trong việc yêu nghệ thuật. Cứ coi như tôi sống trên cái kiềng ba chân, vợ tôi là một, người tình tôi là hai và nghệ thuật là ba. Tôi không bỏ được vợ, không bỏ được người tình và cũng không bỏ được nghệ thuật.

Những “người từ trăm năm” như ông mà lại nắm bắt rất nhanh về công nghệ quả thật xưa nay hiếm. Điều gì khiến ông làm được điều này? Cháu nghe nói ông chỉ sáng tác nhạc trên máy tính?

Có cái may là khi còn trẻ, tôi vào trường học kỹ nghệ. Năm 1982, tôi đã bắt đầu học kỹ nghệ computer và sáng tác nhạc trên computer kể từ đó. Anh cứ tưởng tượng đi, lúc đó tiếng Việt còn chưa có dấu nữa cơ mà. Dĩ nhiên là tôi cũng học lỏm thôi, chứ không phải tử tế. Công nghệ giúp cho công việc của mọi người được tiến hành nhanh chóng hơn. Nhiều người cứ bảo nhạc sáng tác trên computer hơi giả tạo, âm thanh nó không thật. Nhưng cái nào là thật? Tiếng violon cũng có phải do con người tạo ra mà được đâu. Hơn nữa, ở bên Mỹ, nếu không dùng computer thì không thể soạn nhạc được vì tiền đâu mà thuê nhạc công?

Những tác phẩm của ông đang được diễn đạt lại trong thời đại mới và bởi các giọng ca thuộc thế hệ 8x và 9x. Ông có hài lòng khi nghe họ hát?

Về giọng ca thì có người hay hơn và có người kém đi so với thế hệ đàn chị Thái Thanh. Nhưng về phương diện hòa âm thì hay lắm. Trước kia không có hòa âm, bạ ai đánh bừa đi thôi. Những bản thu âm ngày xưa giờ rát tai lắm, không hợp và tôi không nghe được nữa.

Dịp này, bản “Tình ca” của ông được dựng lại và trình diễn vào đúng ngày Quốc khánh tại Hà Nội trong chương trình hòa nhạc Điều còn mãi do báo VietNamNet tổ chức. Ông có thể cho biết hoàn cảnh ra đời và ý nghĩa của ca khúc này không ạ?

Khoảng năm 1953, khi tôi vừa từ chiến khu vào miền Nam, chiến tranh Triều Tiên đang lên cao tột bậc, tôi nhìn rõ đất nước sắp chia đôi rồi. Thành ra tôi phải làm một bài tình tự dân tộc để kêu gọi mọi người đoàn tụ, hòa hợp và hòa giải. Thế nên tôi viết bài “Tình ca”. Tôi làm ca khúc này rất nhanh, khoảng 15 phút đồng hồ cho ca khúc 3 đoạn. Lời cứ thế mà tuôn ra.

"Điều còn mãi" là chương trình hòa nhạc thường niên do báo Vietnamnet tổ chức từ năm 2009. Năm nay, Điều còn mãi sẽ tiếp tục diễn ra tại Nhà hát Lớn vào14h ngày 2/9 và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 với sự tham gia của các ca sĩ Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Đăng Dương, Trọng Tấn... và nhiều nghệ sĩ tên tuổi như violist Xuân Huy, pianist Tuấn Nam... Nhạc trưởng Lê Phi Phi cũng sẽ chỉ huy Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam.

Minh Chánh thực hiện