Đó là tâm sự của nhiều Việt kiều khi được hỏi vì sao lại về Việt Nam vào dịp này.

Bước ra từ phía trong sân bay, người phụ nữ đưa đôi mắt nhìn về phía đám đông như đang tìm kiếm điều gì. Bất chợt một cụ bà từng bước một, tay run run đi về phía trước. Chị gọi thất thanh một tiếng “Mẹ”, rồi lao đến ôm chặt lấy bà.

Nhiều đêm khóc vì nhớ cháu

Ngày 3-2, chúng tôi có mặt tại khu vực ga đến quốc tế của sân bay Tân Sơn Nhất. Không khí nơi đây vô cùng náo nhiệt, rộn ràng khi hàng ngàn con người đứng chen chúc nhau trông ngóng những chuyến bay đến. Đa số họ đều đang đứng đợi người thân, bạn bè của mình trở về ăn tết từ nước ngoài. Những ánh mắt chờ đợi, háo hức đã nói thay cho bao nỗi nhớ, hoài trông của những người ở lại.

Ngồi trên băng ghế, một bà cụ đưa đôi mắt đã mờ nhìn xa xăm. Trò chuyện cùng chúng tôi, bà cho biết mình là Quỳnh Thị Đâu (75 tuổi, quê Thủ Thừa, Long An). Từ 3 giờ sáng, bà và con trai đã lên xe máy đi TP.HCM để đón vợ chồng cháu nội đang định cư ở Singapore. Bà đã ngồi suốt trên băng ghế này gần bốn tiếng để đợi cháu. Bà Đâu chia sẻ: “Kể từ ngày nó lấy chồng, tôi chưa được gặp lại. Tính ra cũng đã 7-8 năm rồi. Nó là đứa cháu nội mà tôi yêu quý nhất vì từ nhỏ nó đã sống cùng tôi. Nhiều đêm buồn, tôi khóc vì nhớ cháu mà không dám để cha nó thấy, sợ cha nó buồn. Đây là năm đầu tiên nó về nước. Nó đem theo cháu cố của tôi về nữa. Tôi mừng lắm”.

Chúng tôi chia sẻ nỗi vui của người bà ở tuổi đã thất thập cổ lai hy này. Bởi lẽ tại khu vực này vẫn còn rất nhiều người bà, người ông như vậy. Vì tuổi cao sức yếu, họ lặng lẽ ngồi một góc để chờ con cháu mình trở về.

{keywords}
Hai anh em nức nở sau gần 10 năm chưa gặp. Ảnh: HỒNG TRÂM

{keywords}
Hai mẹ con và nụ cười rạng rỡ ngày gặp lại. Ảnh: HỒNG TRÂM

“Tôi nhớ quê nhà lắm”

Tiếng òa khóc của một phụ nữ phía xa làm chúng tôi chú ý. Quan sát, chúng tôi nhìn thấy người này trạc 50 tuổi, dáng người nhỏ bé đang vòng tay ôm thật chặt một người đàn ông. Những giọt nước mắt lăn dài trên má chị. Trong tiếng nấc nghẹn ngào, chị nói: “Sao em đi lâu quá vậy? Đi gì mà gần 10 năm trời. Có biết chị nhớ em lắm không? Mẹ mất rồi, chỉ còn chị em mình mà em cũng bỏ chị đi…”.

Đợi chị mình bình tĩnh, người đàn ông mỉm cười: “Không đâu bằng quê mình, em đi rồi cũng đã về mà chị”.

Anh cho biết mình là Nguyễn Thành (quê Bến Tre), sang Đài Loan định cư đã hơn 10 năm. Cuộc sống mưu sinh khó khăn nơi đất khách buộc anh chưa lần nào được về thăm quê hương. Năm nay anh cố gắng thu xếp trở về vào đúng dịp tết để tìm chút tình quê. Anh Thành tâm sự: “Ở nơi xa, tôi nhớ quê lắm. Ngồi trên máy bay mà cứ náo nức không biết bao giờ được về nhà. Tôi tưởng tượng ra không biết nhà mình, chị mình, họ hàng mình sau ngần ấy năm họ đã thay đổi như thế nào. Nỗi nhớ quê hương cứ chực trào”.

* * *

Tết Nguyên đán là dịp để người Việt tìm về sum họp gia đình sau một năm bôn ba, vất vả làm ăn. Trong hành trình tha hương cầu thực ấy, có rất nhiều người con phải xa quê hương, đất nước. Những người con xa xứ ấy luôn tồn tại một nỗi nhớ quê hương, nhớ mẹ cha da diết ẩn sâu trong tâm khảm của mình. Được trở về nhà vào dịp tết, với họ là một điều thật ấm áp và thiêng liêng.

Một tiếng gọi “Mẹ” thiêng liêng vang lên góc sảnh. Hai người phụ nữ, một tóc đã bạc phơ, một điểm hoa râm đang ôm chầm lấy nhau. Họ là bà Nguyễn Thị Hoa (76 tuổi, quê Long An) và con gái là Trần Ánh Ngọc. Chị Ngọc cho biết: “Tôi sang lao động tại Mỹ đã được bốn năm. Cứ hai năm tôi lại ráng về Việt Nam một lần để thăm mẹ và gia đình. Được về Việt Nam vào đúng dịp tết, với tôi là một sự may mắn vô cùng. Ngày tết là ngày sum họp gia đình mà”.

(Theo Hồng Trâm/ Pháp Luật TP)

Xem thêm: