Người đàn ông 49 tuổi, sống tại Hà Nội được người nhà đưa vào cấp cứu trong tình trạng đau đớn, đi lại khó khăn, phải dìu hỗ trợ.
Trước đó, bệnh nhân đau nhẹ ở vùng tinh hoàn, diễn biến ngày càng nặng hơn, một bên tinh hoàn căng tức. Hôm sau, bệnh nhân lên mạng tìm kiếm thông tin, tự chẩn đoán bị viêm tinh hoàn và dùng thuốc kháng sinh, giảm đau, chống viêm. Đến chiều, tình trạng của người này nghiêm trọng hơn, tinh hoàn sưng to, đau dữ dội.
Sáng sớm 29/12/2024, bệnh nhân vào cấp cứu tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán ông bị xoắn tinh hoàn phải can thiệp ngay lập tức.
Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Hữu Việt, Trưởng khoa Nam học, cho biết người bệnh nhập viện trong tình trạng đau dữ dội. Siêu âm Doppler ghi nhận một bên tinh hoàn bị mất tín hiệu mạch. Thời điểm bệnh nhân vào viện đã quá "thời gian vàng".
Trong ca mổ, bác sĩ phát hiện tinh hoàn của người đàn ông bị hoại tử nên buộc phải tiến hành cắt bỏ một bên. Sau 4 ngày phẫu thuật, sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện.
Theo bác sĩ Việt, xoắn tinh hoàn là hiện tượng thừng tinh bị xoắn quanh trục, làm tắc nghẽn mạch máu nuôi tinh hoàn, dẫn đến phù nề, xung huyết. Nếu để tình trạng xoắn quá lâu, không được phát hiện và điều trị kịp thời thì tinh hoàn có thể bị teo vì thiếu máu nuôi dưỡng hoặc phải cắt bỏ.
Bệnh có thể xảy ra mọi lứa tuổi nhưng phần lớn thường gặp ở trước hoặc trong tuổi dậy thì. Trường hợp bị xoắn tinh hoàn khi 40-50 tuổi khá hiếm gặp.
Người mất một bên tinh hoàn có thể trải qua những tác động nhất định cả về sinh lý lẫn tâm lý. Sự suy giảm khả năng sản xuất testosterone có thể xảy ra, dẫn tới nguy cơ suy sinh dục sớm hơn.
Vị bác sĩ này khuyến cáo, nam giới có dấu hiệu bất thường như đau dữ dội, sưng tấy ở vùng tinh hoàn cần lập tức đến bệnh viện, tránh nguy cơ điều trị muộn hoặc sai phương pháp có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.