Việc phát triển yếu tố khoa học công nghệ trong lĩnh vực Thông tin & Truyền thông, hơn bao giờ hết, đang giữ vai trò then chốt trong việc xây dựng xã hội phát triển hài hòa, bền vững và hiện đại.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng nhấn mạnh thông điệp này khi phát biểu khai mạc tại Hội nghị Khoa học & Công nghệ ngành TT&TT năm 2016 sáng nay, 10/5. Sự kiện do Bộ TT&TT tổ chức nhằm hưởng ứng ngày Khoa học & Công nghệ Việt Nam (18/5) này có sự tham dự của đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, đại diện các đơn vị, doanh nghiệp thuộc ngành TT&TT.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: T.Hương |
Theo ông, trong những năm gần đây, KHCN trong lĩnh vực CNTT-TT có tốc độ phát triển vô cùng nhanh chóng, với những tiến bộ vượt bậc. Mới chỉ 5 năm trước, những khái niệm như SMAC (Social, Mobility, Analytics, Cloud), IoT (Internet of Things), thiết bị đeo số… vẫn còn tương đối xa lạ thì giờ đây đã trở nên quen thuộc và đang trở thành một xu hướng tất yếu. Bản thân Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 549 phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KHCN chủ yếu trong lĩnh vực thông tin và truyền thông giai đoạn 2016-2020.
Các mục tiêu nghiên cứu KHCN của ngành trong 5 năm tới được định lượng rất rõ ràng, sát thực tế, đồng thời có tính thách thức cao, đòi hỏi nỗ lực lớn của các tổ chức nghiên cứu KHCN và doanh nghiệp trong ngành. Tuy vậy, sự phát triển nhanh chóng của CNTT-TT diễn ra song hành với quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng cũng tạo ra những thách thức không nhỏ về đảm bảo an toàn thông tin, chủ quyền số quốc gia và bảo vệ thông tin cá nhân, ông chỉ rõ.
Báo cáo về các hoạt động khoa học và công nghệ trong lĩnh vực TT&TT giai đoạn 201-2015 và định hướng giai đoạn 2016-2020 được trình bày tại Hội nghị cho hay, trong giai đoạn 2011-2015, Bộ đã tích cực hoàn thiện hành lang pháp lý, cụ thể hóa các cơ chế chính sách phát triển KHCN trong lĩnh vực thông tin và truyền thông. Cụ thể hơn, Bộ đã ban hành nhiều thông tư quy định về quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ trong lĩnh vực TT&TT, về các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ như chế tạo, thử nghiệm các thiết bị/sản phẩm.
Một trong những kết quả nổi bật là Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất: nghiên cứu xây dựng các sở cứ khoa học cho việc lựa chọn công nghệ truyền hình số DVB-T2 sử dụng tại Việt Nam, xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn/quy chuẩn, xây dựng lộ trình triển khai số hóa truyền hình....
Trong giai đoạn 2016-2020, một số nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trọng tâm đã được nêu rõ, như Tăng cường hoạt động KHCN trong lĩnh vực TT&TT đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của Bộ TT&TT; Đẩy mạnh nghiên cứu KHCN cấp Nhà nước, cấp Bộ và cấp cơ sở nhằm nghiên cứu, ứng dụng, phát triển và làm chủ công nghệ trong lĩnh vực TT&TT; Hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động định hướng/lựa chọn áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ; Tập trung gắn kết nghiên cứu, đào tạo với sản xuất công nghiệp nhằm tiếp cận, phát triển và ứng dụng có hiệu quả các công nghệ mới, nhập khẩu từ bên ngoài, tiến tới cải tiến các sản phẩm và nâng cấp công nghệ sản xuất của Việt Nam; Tập trung nghiên cứu, hình thành được các sản phẩm được chuyển giao công nghiệp dựa trên kết quả nghiên cứu KHCN phục vụ triển khai dịch vụ bưu chính, viễn thông, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) ở Việt Nam. Các hoạt động nghiên cứu KHCN ở cơ sở, doanh nghiệp được đẩy mạnh; kết hợp với hoạt động KHCN của Bộ để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ có khả năng đưa vào áp dụng, triển khai trong thực tiễn ở Việt Nam.
Trong thời gian tới, Bộ TT&TT cũng sẽ nghiên cứu, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về KHCN phục vụ thống kê, quản lý về KHCN trong lĩnh vực TT&TT, đồng thời hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển KHCN chuyên ngành TT&TT..
Một số Đề án KHCN quốc gia tiêu biểu trong giai đoạn 2016-2020, liên quan đến lĩnh vực TT&TT bao gồm: Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020; Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao; Chương trình nghiên cứu, đào tạo và xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020; Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020…
T.C