Theo ông Sơn, việc có một nhóm lợi ích trong hoạt động báo chí chuyên đi nhũng nhiễu người dân, tổ chức, doanh nghiệp với mục đích kiếm lợi bất chính hay không thì ông không dám kết luận.

Tuy nhiên, qua những vụ việc bị phát hiện, xử lý; qua báo cáo của các phóng viên Tiền Phong từ các địa phương; qua phàn nàn của nhiều đơn vị doanh nghiệp mà ông tiếp xúc; qua dư luận xã hội thì phải khẳng định là đang có nhiều người/ nhóm người làm báo hoặc những nhóm mượn danh, đội lốt báo chí (nhưng được cơ quan báo chí nào đó vô tình hay cố ý tạo điều kiện) đang đi nhũng nhiễu, đe doạ người dân, tổ chức, doanh nghiệp với mục đích kiếm lợi bất chính.

Từ thực tế hoạt động báo chí nói chung cũng như của đơn vị mình, nhà báo Lê Xuân Sơn đánh giá thời gian qua tình trạng nói trên là nghiêm trọng.

Một số ví dụ thực tế mà chính bản thân trải nghiệm đã được ông Sơn đưa ra. Ông kể lại, ngay cả báo Tiền Phong cũng có lần bị “mời quảng cáo” trên một ấn phẩm của một cơ quan quản lý nhà nước. Khi ông nói rằng Tiền Phong có hệ thống ấn phẩm của mình, cần quảng bá thì báo sẽ tự quảng bá thì nghe những câu có hàm ý đe doạ. Khi ông hỏi lãnh đạo cơ quan chủ quản của ấn phẩm đó thì vị đó nói: “Khổ quá, đó là bọn nó thầu phần quảng cáo”.

{keywords}
Có hiện tượng bẻ cong ngòi bút vì lợi ích phi chính đáng. Ảnh minh họa

Trường hợp khác là một người thân trong gia đình ông mở một trường học. Khi trường mới khởi công xây dựng, có nhóm “nhà báo” quây. Có người xưng là phóng viên của một tờ tạp chí của một bộ không liên quan gì đến giáo dục nói rằng muốn gặp gỡ làm quen, đặt quan hệ. Và giá của cuộc gặp gỡ đó là 10 triệu đồng.

Khi bị từ chối thì lại có kẻ gọi điện đến nói là “trưởng ban” của “phóng viên” kia và nói rằng “từ chối gặp phóng viên của tôi thì nên gặp tôi”. Và giá cuộc gặp với “trưởng ban” được ra là 30 triệu đồng!

Theo Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, những hiện tượng như vậy khiến uy tín toàn thể báo chí Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng, do đó không tờ báo nào và không người làm báo nào là không bị ảnh hưởng.

Ông Sơn nhớ lại, khá nhiều năm trước, khi tình hình còn chưa xấu đến mức như bây giờ, trong một cuộc giao ban báo chí hàng tuần, lãnh đạo Ban Tuyên giáo T.Ư cho biết theo kết quả một cuộc khảo sát ý kiến xã hội thì nhà báo đứng ở nhóm bị xã hội ghét nhất.

Đồng tình với ý kiến cho rằng nếu tổ chức, doanh nghiệp không có sai phạm thì báo chí đen có mưu mô gì đi nữa cũng không thể làm gì được, song ông Sơn cũng chỉ ra, với thực tiễn nước ta hiện nay thì các tổ chức, doanh nghiệp thật khó để không có sai phạm nào.

Minh họa cho nhận định này, ông kể lại, một vị là phó chủ tịch một thành phố đến gặp ông để nói đỡ cho một doanh nghiệp đã triển khai xây dựng dự án trước khi xin xong giấy phép dựng (ở chính thành phố đó) đã nói rằng ở nước mình nếu các doanh nghiệp cứ nhất nhất đợi làm đầy đủ thủ tục thì đều chết hết vì mất hết thời cơ kinh doanh.

Bên cạnh đó, theo ông Sơn, hiện có rất nhiều doanh nghiệp thuộc các nhóm lợi ích, nhiều doanh nghiệp làm ăn chụp giật, gian dối, bất chấp lợi ích của đất nước, người dân thì điều kiện cho báo chí đen làm ăn càng nhiều.

Liên hệ từ thực tế cơ quan báo chí đang công tác, Tổng biên tập Lê Xuân Sơn đã đề xuất một số biện pháp để lực lượng phóng viên hoạt động đúng tôn chỉ mục đích cũng như đạo đức nghề nghiệp.

Thứ nhất, phải nghiêm cấm việc nhũng nhiễu doanh nghiệp để kiếm chác dù là cho tập thể hay cá nhân. Việc này phải đưa vào phương hướng, nhiệm vụ của báo hàng năm và phải nhắc đi nhắc lại trong các diễn đàn nội bộ, các cuộc họp có liên quan.

Thứ hai, không giao chỉ tiêu phát hành và doanh số quảng cáo - truyền thông cho khối phóng viên và các bộ phận liên quan đến làm nội dung báo.

Thứ ba, phải cánh báo, nhắc nhở những ai có biểu hiện tiêu cực.

Thứ tư, phải tỏ thái độ dứt khoát từ chối thu lợi ích của các doanh nghiệp từ các bài báo chống tiêu cực, phản biện, phê bình. Ông Sơn cho biết có lần ông đã phải gửi trả lại hợp đồng mà doanh nghiệp đã ký sẵn do phóng viên mang về kèm công văn xin lỗi trong đó nói rõ là vì báo vừa có bài viết về sai phạm của doanh nghiệp nên hợp đồng này không thể hiện đúng nhu cầu quảng cáo thật của doanh nghiệp; Việc không/ chưa ký hợp đồng để theo dõi doanh nghiệp có sửa sai, có tiến bộ hay không cũng thường xảy ra.

Văn bản số 2595/BTTTT-CBC của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành ngày 14/7/2020 nêu rõ: “Trong trường hợp phát hiện dấu hiệu lợi dụng danh nghĩa báo chí để hoạt động trái pháp luật hoặc có hiện tượng sách nhiễu, đề nghị các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm lưu lại bằng chứng, kịp thời phản ánh và cung cấp về đường dây nóng của Cục Báo chí (số điện thoại: 0865282828; email: [email protected]) hoặc đường dây nóng của Sở Thông tin và Truyền thông địa phương mình để cơ quan nhà nước có thẩm quyền có biện pháp ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm”. 

Ngọc Châu