Quy định mới nhất từ Bộ TT&TT yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ nội dung qua mạng di động chỉ được phép cung cấp, gia hạn dịch vụ sau khi có được xác nhận đồng ý từ phía người dùng thông qua tin nhắn, điện thoại...

Cụ thể, Thông tư quy định chi tiết về quy trình, thủ tục đăng ký cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng di động được Bộ TT&TT ký ban hành ngày 28/6 vừa qua đã nêu rất rõ quy trình, thủ tục đăng ký cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng di động, quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung cũng như trách nhiệm của nhà mạng (doanh nghiệp viễn thông). Tuy nhiên văn bản này không điều chỉnh hoạt động cung cấp dịch vụ nội dung thông tin cho người dùng di động thông qua các mạng xã hội, trang tin điện tử tổng hợp, trò chơi điện tử và dịch vụ quảng cáo trên mạng di động.

{keywords}
Thông tư mới quy định chặt chẽ nhiều nghĩa vụ, trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ nội dung qua mạng di động.

Chính thức có hiệu lực từ ngày 12/8/2016, Thông tư yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp khi muốn cung cấp dịch vụ nội dung trên mạng di động cần phải có giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ. Để có được giấy chứng nhận, họ cần gửi hồ sơ về Cục PTTH&TTĐT (Bộ TT&TT). Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ khi nhận hồ sơ, Cục sẽ xem xét, cấp giấy chứng nhận cho các yêu cầu hợp lệ.

Ngoài quyền và nghĩa vụ được quy định tại Điều 28 Nghị định 72/CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung còn phải xây dựng, công khai thỏa thuận cung cấp, sử dụng dịch vụ cho người dùng trước khi cung cấp dịch vụ.

Đối với các dịch vụ cung cấp theo định kỳ (ngày, tuần, tháng, quý, năm...), doanh nghiệp chỉ được phép cung cấp, gia hạn dịch vụ sau khi có được xác nhận đồng ý từ phía người dùng bằng tin nhắn hoặc điện thoại, hoặc một hình thức nào khác.

Nhà cung cấp dịch vụ cũng phải bảo đảm cho người dùng khả năng từ chối, hủy, tra cứu về dịch vụ đã đăng ký bằng hình thức phù hợp mà không bị thu phí, chẳng hạn như họ có thể nhắn tin tới số dịch vụ, gọi điện đến tổng đài hỗ trợ, truy cập vào trang thông tin điện tử cung cấp thông tin của doanh nghiệp...

DN nội dung chỉ được phép cung cấp đúng những dịch vụ mà người dùng đã đăng ký, không thu phí đối với những dịch vụ nội dung thông tin mà người dùng không nhận được, hoặc nhận được nhưng không đầy đủ, hoàn chỉnh theo đúng yêu cầu hoặc như nội dung đã quảng cáo của chính doanh nghiệp.

Khi quảng cáo về dịch vụ hoặc trước khi bắt đầu/gia hạn dịch vụ, tổ chức, doanh nghiệp nội dung phải thông báo đến người dùng những thông tin tối thiểu như giá cước và cách thức tính cước dịch vụ; Tên của tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung; Số điện thoại liên hệ, hỗ trợ khách hàng; Cách thức đăng ký, gia hạn, hủy, từ chối sử dụng dịch vụ..

Về phần mình, nhà mạng phải thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ được quy định tại Điều 29 Nghị định 72; Tạm ngừng hoặc ngừng kết nối với những tổ chức, doanh nghiệp nội dung vi phạm quy định tại điều 5 Nghị định 72 trong vòng 3 giờ kể từ khi nhận được văn bản từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

Người dùng có thể khiếu nại về các vấn đề liên quan đến việc cung cấp dịch vụ nội dung thông qua các hình thức văn bản, thư điện tử, số điện thoại giải đáp trực tuyến hoặc trực tiếp tại tổ chức, doanh nghiệp nội dung. Doanh nghiệp nội dung có trách nhiệm chủ trì giải quyết khiếu nại. Trường hợp phát hiện thu phí sử dụng dịch vụ sai quy định, họ có trách nhiệm thông báo tới nhà mạng để hoàn trả số tiền thu sai cho người dùng trong vòng 48 tiếng kể từ thời điểm nhận được thông báo.

Người dùng có quyền khiếu nại trong thời hạn không quá 90 ngày kể từ khi việc cung ứng dịch vụ được hoàn thành. Trường hợp không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại, người dùng có quyền khởi kiện vụ án dân sự ra tòa.

T.C