Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ 14/1/2019, Hiệp định thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) đang chờ ký. Công cuộc cải cách từ bên trong để đáp ứng các yêu cầu của những hiệp định thế hệ mới này ngày càng trở nên quan trọng.

Tiếp cận thị trường 10 nghìn tỷ USD

Khi nhìn lại 10 năm Việt Nam gia nhập WTO, trong một bài viết về chủ đề này, nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển kết luận: Sau 10 năm gia nhập WTO, chúng ta đã tận dụng được những cơ hội mà hội nhập mang lại nên đất nước đã đạt được những thành tựu quan trọng nhưng cũng chưa khai thác hết cơ hội mà tiến trình này mang lại và do đó, đang phải đối đầu với những thách thức lớn. Nguy cơ rơi vào bẫy tự do hóa và bẫy thu nhập trung bình vẫn còn hiện hữu và là thách thức lớn với nhà nước, người dân và cộng đồng doanh nghiệp nước ta.

{keywords}
Các hiệp định thương mại tạo ra thị trường rộng mở cho hàng Việt Nam nhưng thách thức cũng rất lớn khi hàng ngoại tràn về.

Những phân tích của vị nguyên bộ trưởng từng được gọi với cái tên thân quen “ông WTO” còn nguyên giá trị, nhất là khi Việt Nam đã và đang tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA).

Trong số 12 FTA đã ký hiệp định quan trọng bậc nhất được nhắc tới nhiều nhất gần đây là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP (có hiệu lực từ ngày 14/1/2019). Một hiệp định chờ ký kết là hiệp định giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU mang tên Hiệp định thương mại Việt Nam - EU.

Hai hiệp định này đưa Việt Nam đứng trước một vận hội mới. Đã có nhiều báo cáo nghiên cứu, tọa đàm, hội thảo... diễn ra suốt nhiều năm qua về cơ hội và thách thức của CPTPP hay EVFTA. Tựu chung lại, các hiệp định này mang lại cơ hội “đổi đời” cho Việt Nam khi tiếp cận được thị trường rộng lớn. Chẳng hạn, theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật tháng 10/2018, CPTPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 4,7% đến năm 2035.

Bà Rebecca Bryant, Đại diện lâm thời Đại sứ quán Úc tại Việt Nam, cho rằng CPTPP là một trong những hiệp định thương mại toàn diện và tiến bộ nhất đem lại nhiều lợi ích cho 11 nước thành viên khi xóa bỏ thuế quan lên đến 98% trong khu vực thương mại tự do. Đồng thời, hiệp định này giúp thúc đẩy thị trường xuất khẩu và quan trọng hơn là góp phần vào tăng trưởng GDP, các nước tham gia CPTPP với tổng kim ngạch thương mại lên đến hơn 10 nghìn tỷ USD và bao trùm thị trường gần 500 triệu người.

“Lợi ích mà hiệp định CPTPP đem lại cho Việt Nam bao gồm: cơ hội tiếp cận thị trường mới và loại hàng hóa đa dạng, thúc đẩy các ngành sản xuất thực phẩm, dệt may, da giày, sản phẩm gia dụng,... CPTPP sẽ thúc đẩy tăng trưởng thương mại hơn 3%, con số này chỉ mang tính ước lượng và có thể cao hơn. Điều này cũng góp phần cải thiện khả năng cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam”, bà Rebecca Bryant nói.

{keywords}
CPTPP là hiệp định có số phận long đong sau khi Mỹ rút lui

Không dễ nếu không cải cách

Nhưng khác với các hiệp định truyền thống khác, các hiệp định này có một số cam kết khác phi truyền thống mà Việt Nam phải thực thi như lao động, sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp Nhà nước, mua sắm công, môi trường... 

Mặc dù các nước thành viên CPTPP đã quyết định tạm hoãn áp dụng một số nhóm nghĩa vụ được coi là có mức độ cam kết cao nhưng về tổng thể, CPTPP vẫn được đánh giá là một FTA chất lượng cao và toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước đến nay.

Các tiêu chuẩn cao về quản trị minh bạch và hành xử khách quan của bộ máy Nhà nước sẽ đặt ra những thách thức lớn cho bộ máy quản lý.

Để thực thi cam kết trong CPTPP, Việt Nam sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi một số quy định pháp luật về thương mại, hải quan, sở hữu trí tuệ, lao động, công đoàn... Sức ép phải thay đổi hệ thống pháp luật để tuân thủ những chuẩn mực mới của hiệp định là có.

Cạnh tranh tăng lên khi tham gia CPTPP có thể làm cho một số doanh nghiệp, trước hết là các doanh nghiệp vẫn dựa vào sự bao cấp của Nhà nước, các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí phá sản, kéo theo đó là khả năng thất nghiệp trong một bộ phận lao động sẽ xảy ra.

Nhưng ngay cả với những vấn đề “truyền thống” như quy tắc xuất xứ Việt Nam cũng phải rất cố gắng mới đạt được. Chỉ khi vượt qua được các đòi hỏi về nguyên tắc xuất xứ thì các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường mới được hưởng mức thuế ưu đãi. Đây là quy tắc xuất xứ chặt để ngăn chặn các quốc gia không phải là thành viên của hiệp định tận dụng các ưu đãi thuế. Một điều lưu ý, CPTPP là Hiệp định duy nhất Việt Nam tham gia có chương dệt may đứng riêng mà không chung với bất cứ chương nào khác.

{keywords}
Chỉ khi vượt qua được các đòi hỏi về nguyên tắc xuất xứ thì các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường mới được hưởng mức thuế ưu đãi.

Nghe những lời ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, chia sẻ mới thấy “tấm vé thông hành” mà CPTPP mang đến cho Việt Nam không dễ nhận.  

Ông Trương Văn Cẩm bộc bạch: Điểm nghẽn nhất của ngành dệt may Việt Nam là chưa sản xuất được vải. Quy định xuất xứ từ sợi của CPTTP đã đánh đúng vào điểm nghẽn của ngành. Việt Nam vẫn phải nhập gần 99% bông, 1,3 triệu tấn sơ xợi, 80% vải... Về may, Việt Nam có thế mạnh nhưng chủ yếu vẫn là hình thức gia công. Hiện, một số địa phương quay lại với dệt may, đặc biệt là dệt nhuộm, nhưng nhiều dự án của các nhà đầu tư danh tiếng, có đầy đủ yêu cầu thì lại không được cấp phép. Vì vậy, Chính phủ cần quy hoạch các khu công nghiệp, xử lý nước thải để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Sơn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, cũng thừa nhận, các doanh nghiệp Việt Nam chưa tiếp cận được các doanh nghiệp sản xuất vải lớn trong nước, dẫn đến phải nhập khẩu đến 12,8 tỷ USD vải...

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), cho rằng: Nhìn từ bài học mới bắt đầu tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), khi đó chúng ta kỳ vọng rất nhiều từ tác động đổi mới cải cách thể chế. Chúng ta ban hành được khá nhiều luật nhưng quá trình thực thi và động lực cải cách thể chế trong giai đoạn đó không nhiều. Do quá hứng khởi với thành tích xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài, tăng trưởng kinh tế chúng ta đã lơ là cải cách thể chế.

“Bài học cho thấy, dù có coi hội nhập kinh tế quốc tế là động lực quan trọng cho cải cách thể chế thì quan trọng hơn, Việt Nam phải duy trì được đà cải cách một cách tự thân. Tự thân các cơ quan của Việt Nam phải nhận thức được cải cách là quá trình liên tục, không có điểm dừng và thậm chí ngày một sâu sắc hơn”, ông Nguyễn Anh Dương chia sẻ.

Nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển trong bài viết 10 năm Việt Nam gia nhập WTO 10 năm cũng lưu ý: Cơ hội tự nó không biến thành lợi ích, cũng không tự nó chuyển thành sức mạnh trên thị trường mà phụ thuộc vào hành động của chủ thể. Chủ thể ở đây là doanh nghiệp và Nhà nước. Cũng vậy, thách thức tuy là sức ép trực tiếp nhưng tác động đến đâu còn phụ thuộc vào khả năng phản ứng của chủ thể. Nếu tận dụng tốt cơ hội sẽ đẩy lùi được thách thức, mở ra cơ hội lớn hơn. Ngược lại, nếu không tận dụng tốt cơ hội, thách thức sẽ lấn át và có thể chuyển thành những khó khăn dài hạn rất khó khắc phục.

“Hội nhập có cả cơ hội lẫn thách thức và trong thách thức luôn ẩn chứa cơ hội. Có đối đầu với thách thức mới biết rõ ta là ai và có thể làm được những gì”, ông Trương Đình Tuyển đúc rút.

Lương Bằng