Các chuyên gia cho rằng phải “bắt” bệnh của doanh nghiệp rồi đưa công nghệ vào giải quyết. |
Hội thảo "Đột phá hiệu suất vận hành doanh nghiệp” được tổ chức mới đây với sự tham dự của hơn 500 lãnh đạo doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực như sản xuất, thương mại, bất động sản, tài chính - ngân hàng... nhằm hỗ trợ cộng đồng kinh doanh vượt qua thách thức thông qua ứng dụng chuyển đổi số.
Tại hội thảo này, nhiều câu hỏi hóc búa đã được những chuyên gia đầu ngành đến từ các công ty tư vấn như Deloitte, EY Vietnam, FPT giải đáp. Cùng với chuỗi hội thảo là chuỗi tư vấn trực tuyến chuyên sâu tập trung vào các giải pháp thực tiễn như đột phá hiệu suất vận hành bằng công nghệ.
Tối ưu hóa trong vận hành luôn nhận được rất nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro hiện nay. Với cách tiếp cận thực tiễn nhắm vào đúng và trúng các vấn đề còn tồn đọng, cũng như nhu cầu của doanh nghiệp trong việc nâng cao hiệu suất vận hành, chuỗi hội thảo “Từ sống sót đến thịnh vượng” đã cung cấp cái nhìn khái quát về nguyên lý, lộ trình cũng như những giải pháp công nghệ mà mỗi doanh nghiệp có thể sử dụng.
Covid-19 là một phép thử cho doanh nghiệp
Bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam cho biết, đột phá trong vận hành doanh nghiệp là câu hỏi được hầu hết các doanh nghiệp đặt ra ở mọi lúc, không chỉ trong giai đoạn dịch Covid-19 hoành hành hay khủng hoảng kinh tế. Trước khi nói đến câu chuyện hiệu suất cần lùi lại một bước để xem mỗi doanh nghiệp đang ở đâu? Mỗi năm chúng ta phải xem lại mục tiêu đạt được không, cần tập trung lĩnh vực nào, thị trường nào, thước đo nào để thực hiện chiến lược. Và nếu có chiến lược tốt rồi thì sau 1, 3, 5, hay 10 năm, chúng ta sẽ ở đâu, làm gì để tồn tại, phát triển thị trường mới, sản phẩm mới?
Bài toán được đặt ra, nếu chỉ có CEO hay Chủ tịch đưa ra mục tiêu chiến lược kinh doanh thì doanh nghiệp đó có thành công hay không? Nghiên cứu của Deloitte chỉ ra rằng sự thành công của chiến lược phải đến từ tất cả cán bộ nhân viên từ cấp cao cho đến cấp thấp tạo ra văn hóa của doanh nghiệp là lúc nào cũng tiên phong, tiến ra thị trường. Để doanh nghiệp tồn tại và phát triển, Covid là một phép thử xem trong tình huống tệ nhất doanh nghiệp có thể làm gì để tăng trưởng?
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Thế Mạnh, Trưởng Phòng cấp cao của Deloitte đặt vấn đề làm thế nào để doanh nghiệp tăng năng suất? Và cho rằng năng lực số hóa sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả và đó là một trong những xu thế tất yếu.
“Khi Deloitte đi khảo sát, tôi nhận thấy một trong những lý do khiến các doanh nghiệp Việt Nam quản trị kém hơn là văn hóa thường xuyên không tuân thủ, các hệ thống văn bản ban hành theo sự vụ không có hệ thống. Có những doanh nghiệp chưa ý thức được tầm quan trọng của CNTT trong kinh doanh dẫn tới không biết làm thế nào để số hóa, số hóa ở đâu. Chủ doanh nghiệp luôn có câu hỏi tại sao phải số hóa, đầu tư 10 đồng tôi được bao nhiêu đồng?", ông Nguyễn Thế Mạnh nói.
Ông Mạnh cũng đề cập đến vấn đề chuyển đổi số ở đâu, làm sao để doanh nghiệp nâng cao hiệu quả vận hành? Có 3 vấn đề cần quan tâm: thứ nhất là số hóa, thứ hai là số hóa như thế nào, sử dụng các dữ liệu đó như thế nào để tăng doanh thu và cuối cùng là chuyển đổi số. Nhưng doanh nghiệp sẽ đặt câu hỏi tại sao chúng tôi phải chuyển đổi? Nội dung này sẽ trả lời cho câu hỏi chuyển đổi số hay là chết bởi chuyển đổi số sẽ thay đổi toàn diện văn hóa hoạt động, sáng tạo của tổ chức.
Có tới 70 - 80% doanh nghiệp chuyển đổi số thất bại
Ông Nguyễn Thế Mạnh đưa ra con số thống kê của IDC, có tới 70 - 80% doanh nghiệp chuyển đổi số thất bại. Nhiều doanh nghiệp kể cả tư nhân và nhà nước luôn nghĩ mình có hệ thống quản lý văn bản chuẩn rồi. Thế nhưng, thực tế là các doanh nghiệp có một hệ thống văn bản tản mát, khó tác nghiệp, làm giảm năng suất lao động. Thêm vào đó là quy trình nghiệp vụ không đủ chi tiết, không biết phối hợp giữa các phòng ban. Doanh nghiệp có dữ liệu nhưng chưa sử dụng được dữ liệu cho mục tiêu quản trị điều hành. Trong khi bài toán chuyển đổi số kinh điển là dữ liệu, nhưng đa phần dữ liệu này chỉ dừng lại ở tầng thông tin mà chưa đưa lên được tầng dự báo. Vì vậy, trước tiên phải tìm ra bệnh của doanh nghiệp thì công nghệ mới giúp được họ giải quyết được vấn đề.
Theo ông Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc Công nghệ FPT IS, mô hình của bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải hướng đến tối đa hóa lợi nhuận, CNTT được coi là một thành phần trong chiến lược của doanh nghiệp. Trong đó, sử dụng dữ liệu để vận hành doanh nghiệp là một yếu tố rất quan trọng, muốn tối ưu hóa lợi nhuận thì trọng trách đặt lên bộ phận thực thi. Các chủ doanh nghiệp luôn luôn đối mặt với thách thức là làm thế nào để tăng hiệu suất vận hành. Thực tế ứng dụng CNTT trong các doanh nghiệp thì hệ thống thông tin được xếp theo hàng dọc và thiếu tính liên kết dẫn tới dữ liệu bị phân tán, khi lãnh đạo cần ra quyết định thì không có dữ liệu nhanh để rút ngắn thời gian.
Vì vậy, ông Nguyễn Xuân Việt cho rằng việc tối ưu quy trình là điều quan trọng giúp doanh nghiệp tăng hiệu suất. Một doanh nghiệp có cả "núi" quy trình đang xử lý bằng hệ thống trên giấy tờ bản cứng có thể sử dụng giải pháp số hóa. Số hóa giúp xử lý công việc được minh bạch, mọi người có trách nhiệm hơn. Chuỗi sản phẩm của FPT phát triển với tư duy làm thế nào để tự động hóa nhiều hơn, tự động hóa thông minh hơn, tạo ra tương tác hiệu quả giữa người và máy nhằm tạo ra bứt phá về hiệu suất.
Đại diện FPT cũng chỉ ra rằng, muốn đột phá hiệu suất vận hành bằng quản trị dựa trên dữ liệu thì doanh nghiệp phải sử dụng hệ thống thông tin thu thập dữ liệu, sau đó dùng dữ liệu này để phục vụ việc ra quyết định nhanh. Bên cạnh đó, muốn tối ưu hóa quá trình sản xuất để sản lượng cung cấp ra đáp ứng nhu cầu thị trường thì phải tổng hợp dữ liệu từ tất cả nguồn phân tích.
Thái Khang
Mobile Money sẽ thúc đẩy chuyển đổi số cho khách hàng và cả nhà mạng
Ông Nguyễn Sơn Hải, Phó tổng giám đốc VNPT Media cho biết, nếu so với tổng doanh thu của nhà mạng thì Mobile Money sẽ đem lại doanh thu không cao, nhưng sẽ thúc đẩy khách hàng chuyển đổi số mạnh mẽ.