Như ICTnews đã đưa tin, sáng ngày 23/4/2015, tuyến cáp quang biển quốc tế châu Á - Thái Bình Dương (Asia Gateway Pacific - AAG) AAG gặp sự cố tại phân đoạn từ Vũng Tàu (Việt Nam) đi Hong Kong và Singapore, cách bờ biển Vũng Tàu hơn 300 km. Đây là lần thứ hai trong năm 2015 tuyến cáp AAG gặp sự cố, gây ảnh hưởng chủ yếu đến tốc độ đường truyền Internet giữa Việt Nam với quốc tế.
Theo kế hoạch sửa chữa, khắc phục sự cố đã được Trung tâm điều hành tuyến cáp AAG chính thức thông báo ngày 30/4, dự kiến vào khoảng 15h ngày 9/5/2015 mối hàn nối cuối cùng hoàn tất và đến 19h ngày 10/5/2015, công tác khắc phục sự cố được hoàn thành, khôi phục 100% kênh truyền tuyến cáp, kết nối Internet của Việt Nam đi quốc tế trở lại hoạt động bình thường.
Tuy nhiên, tối 10/5 vừa qua, trao đổi với ICTnews, đại diện VNPT-I cho biết do điều kiện liên quan tới kỹ thuật, thời tiết chưa cho phép nên việc khắc phục sự cố xảy ra với tuyến cáp AAG dự kiến sẽ phải dài thêm khoảng 2 ngày, đến 17h ngày 12/5/2015, thay vì 19h ngày 10/5 như kế hoạch ban đầu.
Trao đổi với phóng viên ICTnews vào chiều nay, ngày 11/5/2015, đại diện CMC Telecom và NetNam đều xác nhận công tác sửa chữa cáp quang biển AAG lần này đã bị “trễ hẹn” so với kế hoạch đã đề ra. Hiện vẫn chưa có lịch trình cụ thể, song theo các ISP này, dự kiến tối ngày 12/5 sẽ hàn nối xong mối nối cuối cùng và khoảng 6h sáng ngày 13/5 công tác khắc phục sự cố tuyến cáp sẽ được hoàn tất, 100% kênh truyền được khôi phục và kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế trở lại bình thường.
Đại diện CMC Telecom chia sẻ thêm, theo như thông tin được Trung tâm điều hành tuyến cáp AAG cập nhật hàng ngày tới các ISP sử dụng tuyến cáp, trong các ngày 6, 7/5 tiến độ sửa chữa chậm trễ hơn nhiều do điều kiện thời tiết bất lợi. Tuy nhiên, 2 ngày trở lại đây tiến độ khắc phục sự cố cáp AAG đã được cản thiện nhiều.
Còn theo nhận định của Tổng Giám đốc NetNam Vũ Thế Bình, việc sửa chữa, khắc phục tuyến cáp AAG lần này bị chậm hơn so với kế hoạch là bình thường. “Để khắc phục được thì cần phải điều tàu chuyên dụng ra hiện trường, giữa biển khơi việc khắc phục phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó đặc biệt là thời tiết”, ông Vũ Thế Bình nói.
Phân tích kỹ hơn về quy trình sửa chữa, khắc phục sự cố xảy ra với cáp quang biển AAG, ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh, việc xử lý sự cố cho các hệ thống cáp biển phức tạp hơn trên đất liền nhiều. Cáp được chôn dưới đáy biển, ở độ sâu ít nhất cũng cỡ 30 mét (ở các vùng biển nông) và nằm dưới đáy cả mét, chứ không chỉ đơn thuần là được rải trên bề mặt.
Khi phát hiện có sự cố, đơn vị điều hành tuyến cáp sẽ phải tìm ra điểm đứt và điều tàu chuyên dụng ra đó, đưa cáp lên và đấu nối, khắc phục lại, sau đó lại thực hiện chôn cáp xuống. Việc đưa tàu chuyên dụng ra điểm tuyến cáp xảy ra sự cố thường mất nhiều thời gian, do phải có tàu chuyên dụng, phải xin giấy phép (nếu ở vùng biển của một quốc gia)… Ngoài ra, tiến độ sửa chữa còn chịu ảnh hưởng lớn từ điều kiện thời tiết.