Dạo biển, bơi cùng... rác

Anh Đỗ Thế Minh cùng nhóm bạn ở Hà Nội vừa trở về sau chuyến du lịch Ninh Thuận. Cảnh độc đáo, biển đẹp, con người thân thiện và giá dịch vụ rẻ nên anh rất ấn tượng về vùng đất này. Song, điều khiến anh Minh tiếc nuối nhất là khi tới mũi Dinh, mặc dù biển còn hoang sơ nhưng rác vẫn đầy trên bờ, dưới nước do cơ sở kinh doanh dịch vụ và du khách thiếu ý thức xả ra. “Xuống bơi mà rác xung quanh, tôi như bơi cùng rác, phải vòng ra xa mới đỡ”, anh kể.

Vừa làm lãnh đạo, vừa là hướng dẫn viên thường xuyên đưa khách đi tour, ông Trần Thế Dũng, Giám đốc công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ (TP.HCM), bức xúc và lo lắng về tình trạng rác ngập các bãi biển ở Việt Nam. “Lý Sơn bao năm nay kêu trời vì rác. Ngay đảo ngọc Phú Quốc cũng khốn khổ vì rác. Thậm chí, đến cả những thành phố biển nổi tiếng như Nha Trang, Quy Nhơn,... cũng khốn đốn với nạn biển rác”, ông nhận xét.

{keywords}
Rác đầy bờ biển ở Bình Ba (ảnh Zing)

Theo ông Dũng, Phú Quốc, Lý Sơn, Côn Đảo, Nam Du thì rác tràn ngập bởi không có nhà máy xử lý rác; còn các thành phố biển cũng đầy rác là do nhận thức của người dân, đặc biệt các ngư dân tham gia làm du lịch. Họ đổ xuống biển tất cả những gì của du khách để lại trên tàu.

Ông Dũng đang lo tới đây, khi những chuyến tàu cao tốc đưa ra Côn Đảo bình quân mỗi ngày cả hơn ngàn người, thì kèm với sự mừng vui đó là nỗi lo Côn Đảo sẽ chìm ngập trong rác. “Và như thế, Côn Đảo rồi cũng sẽ nhếch nhác. Đã nhếch nhác thì đương nhiên, khách sẽ chán ngán; rồi du lịch Côn Đảo cũng sẽ như một quả bong bóng xì hơi nhanh chóng - đó là dự đoán mang tính tất yếu của quy luật”, ông Dũng ái ngại.

Rác thải chỉ là một trong những vấn nạn đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của du lịch, chủ đề chính mà Diễn đàn Du lịch Xanh diễn ra tại Hà Nội ngày 27/3 đề cập đến.

Ngoài ra, Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nóng về du lịch, với tốc độ tăng trưởng trung bình gần 19% mỗi năm đối với khách quốc tế và 10% với khách nội địa giai đoạn 2014-2018. Chúng ta đang vấp phải những vấn đề về môi trường và xả thải do tác động của hoạt động du lịch đáng báo động tại các điểm đến đông khách vào mùa cao điểm, TS.Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, dẫn chứng.  

Đặc biệt, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhất là những khu vực tập trung nhiều hoạt động du lịch của Việt Nam như Hội An, Cà Mau, Mũi Né, Huế,... đã và đang phải đối mặt với tình trạng sạt lở, xâm nhập mặn, mưa lũ, mà điển hình là bãi biển Cửa Đại (Hội An), lâu nay đang phải chống chọi với sự xâm thực dữ dội của biển.

Cùng với đó là nạn chặt phá rừng, khai thác tài nguyên quá mức,... những vấn đề cấp bách đe dọa trực tiếp đến sự phát triển của du lịch Việt Nam. “Chúng ta không thể cứ hồn nhiên ‘ăn’ mãi mà không có sự chăm chút cho nó”, ông Dũng thẳng thắn.

Tại diễn đàn, đại sứ đặc mệnh toàn quyền Tây Ban Nha tại Việt Nam Jessús Figa Lospez-Palop, cho hay, Tây Ban Nha, một trong những quốc gia thu hút lượng khách kỷ lục nhờ bãi biển Địa Trung Hải đẹp nổi tiếng, thức ăn ngon, giá dịch vụ rẻ, nhưng quốc gia này cũng từng là nạn nhân của sự phát triển bùng nổ về lượng khách du lịch. Những năm 70-80, Tây Ban Nha đã phạm sai lầm khi phá hỏng một phần bờ biển đẹp của mình do lượng du khách đổ đến quá đông và chạy theo phát triển kinh tế mà lơ là yếu tố bền vững. Bà cảnh báo tình trạng này rất dễ xảy ra ở Việt Nam, khi du lịch đang phát triển bùng nổ tương tự.

“Số lượng khách là quan trọng, tăng trưởng kinh tế cũng thực sự quan trọng, nhưng từ kinh nghiệm của Tây Ban Nha, chúng tôi lưu ý các bạn nếu phá hủy sẽ không bao giờ trở lại được như trước”, bà Jessús Figa Lospez-Palop cảnh báo.

{keywords}
 Khách quốc tế đến Việt Nam lại có xu hướng chọn các tour du lịch xanh (ảnh P.T.B)

Nỗ lực xây dựng sản phẩm du lịch xanh

Bà Jessús Figa Lospez-Palop cho hay, nhận ra sai lầm đó, một chiến dịch về phát triển du lịch bền vững được Tây Ban Nha đưa ra và triển khai trên khắp các vùng, miền cả nước, các thành phần kinh tế. Giờ đây, sau nhiều nỗ lực, quốc gia này có 46 không gian bảo tồn, hơn 400 cơ sở du lịch được công nhận bền vững nhờ áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường. Cùng với đó là 300 khu bảo tồn - điểm nhấn của du lịch sinh thái ở Tây Ban Nha.

Nhờ vậy mà lượng khách du lịch đến đây tăng mạnh trở lại. Năm 2018, Tây Ban Nha là quốc gia thu hút lượng khách quốc tế lớn nhất thế giới, với 80 triệu lượt, gấp đôi dân số nước này chỉ hơn 48 triệu người. Du lịch ở Tây Ban Nha tạo ra 2,5 triệu lao động và đóng góp 11% vào GDP của đất nước. “Nhiều người đi rồi quay trở lại lần hai, lần ba với chúng tôi chứ không chỉ đến một lần”, bà bà Jessús Figa Lospez-Palop nói.

Còn tại Việt Nam, nhìn lại nguyên nhân khiến du lịch phát triển thiếu bền vững, GS.TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo (Hiệp hội Du lịch VN), cho rằng, là do chúng ta nhận thức chưa đầy đủ về phát triển du lịch xanh; hướng dẫn chưa đầy đủ về tiêu chí, điều kiện, đánh giá tác động môi trường và hệ thống kiểm soát, quản lý các vấn đề về môi trường liên quan đến hoạt động du lịch, nhất là với các cơ sở kinh doanh du lịch; chưa có nghiên cứu đánh giá toàn diện và hệ thống về môi trường du lịch Việt Nam làm căn cứ để đưa ra giải pháp khai thác hợp lý tài nguyên, đảm bảo phát triển du lịch bền vững.

Đây là nguyên nhân cơ bản khiến du lịch Việt Nam đến nay còn thiếu những sản phẩm du lịch “xanh” đặc thù ở các cấp độ đặc biệt ở cấp quốc gia, để thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Trong khi đó, khách du lịch đến Việt Nam lại có xu hướng chọn các tour du lịch, các khách sạn, khu du lịch và các dịch vụ, hàng hóa bền vững, có nhãn sinh thái, thân thiện với môi trường, nhất là khách đến từ các nước châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật, Thái Lan.

Thời gian qua, một số địa phương, công ty lữ hành, khách sạn đã chú ý tới phát triển du lịch xanh, như một số tỉnh Tây Bắc phát triển du lịch cộng đồng; Huế phát triển du lịch nhà vườn; Nha Trang phát triển du lịch biển, đảo; một số tỉnh Nam Bộ phát triển du lịch miệt vườn. Nhiều công ty lữ hành xây dựng các tour du lịch xanh; khách sạn đạt chứng chỉ xanh,... Tuy nhiên, số lượng chưa nhiều và còn mang tính tự phát.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Đính, du lịch xanh vẫn là loại hình du lịch mới cả về khái niệm lẫn tổ chức quản lý và khai thác tài nguyên. Do đó, cần nâng cao nhận thức, có chiến lược, có giải pháp đúng đắn để phát triển.

Theo Tổ chức SNV của Hà Lan, 52% du khách có xu hướng thích đặt tour qua các hãng lữ hành được chứng nhận có điều kiện làm việc tốt, tham gia bảo vệ môi trường. Tổ chức Trip Advisor nghiên cứu cho thấy 34% du khách sẵn sàng chi trả thêm để ở những khách sạn thân thiện với môi trường và cho các lựa chọn du lịch bền vững (WEF), 50% du khách quốc tế sẵn sàng chi trả thêm cho những công ty mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương và hoạt động bảo tồn (CESD và TIES).

Ngọc Hà