Vào tháng 2 năm nay, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) đã đưa ra phán quyết có lợi đối với LG Energy Solutions, một công ty con của LG, cáo buộc SK đánh cắp bí mật thương mại liên quan đến công nghệ pin xe điện và ban hành lệnh cấm nhập khẩu 10 năm có hiệu lực từ ngày 11/4, trừ khi Tổng thống Joe Biden lật lại lệnh cấm vì lý do chính sách công.
Nếu lệnh cấm có hiệu lực, nó sẽ ảnh hưởng đến việc tung ra mẫu xe bán tải chạy điện F-150 mới của Ford và mẫu SUV Volkswagen ID.4, cả hai đều được đưa vào sản xuất vào năm tới và sử dụng pin được lắp ráp tại nhà máy SK Georgia. Ngoài ra, 6.000 công nhân tại Georga cũng đứng trước nguy cơ bị mất việc và Tổng thống Biden đang phải chịu áp lực rất lớn từ thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ và thống đốc Đảng Cộng hòa ở bang này.
Đây cũng là một vấn đề hóc búa đối với chính phủ Hàn Quốc và Mỹ, cả hai chính phủ đã dành nhiều tuần để kêu gọi một thỏa thuận song phương. Bởi trên thực tế, chính sách của tân Tổng thống Mỹ vẫn lưu tiên thúc đẩy xe điện để hạn chế biến đổi khí hậu, trong khi nước Mỹ lại luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ.
Vào thời điểm cuối cùng khi Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ chuẩn bị hành động để lật lại phán quyết của ITC, SK và LG Energy đã đạt được thỏa thuận. SK trước đó tuyên bố nếu quyết định của ITC không bị lật ngược, công ty sẽ dừng việc xây dựng một nhà máy pin ở Georgia với chi phí 2,6 tỷ USD.
Theo thỏa thuận dàn xếp, SK đồng ý trả 2 nghìn tỷ won (1,8 tỷ USD) và 500 tỷ won (450 triệu USD) cho LG Energy trong năm nay và năm tới, cùng với ít nhất 6 năm tiền bản quyền. Hai công ty đồng ý từ bỏ mọi vụ kiện ở Mỹ, Hàn Quốc và sẽ không phát sinh tranh chấp pháp lý liên quan đến nội dung này trong vòng 10 năm tới.
SK và LG đưa ra một tuyên bố chung: “Chúng tôi sẽ cùng hợp tác thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp xe điện ở Hàn Quốc và Mỹ thông qua cạnh tranh lành mạnh” và “Chúng tôi sẽ xây dựng mạng lưới pin năng lượng mới dựa trên chính sách bảo vệ môi trường mà Tổng thống Biden đang theo đuổi”.
Động thái trên là một tin vui đối với Tổng thống Biden, ông luôn đặt việc thúc đẩy sản xuất xe điện và pin tại Mỹ lên hàng đầu, đồng thời đề xuất chi 174 tỷ USD để tăng doanh số bán xe điện và mở rộng cơ sở hạ tầng sạc. Đây chính là khe cửa hẹp mà LG và SK đã hướng đến để né qua lệnh cấm nhập khẩu kéo dài 10 năm.
“Thỏa thuận này là một thắng lợi cho người lao động Mỹ cũng như ngành công nghiệp ô tô. Chúng tôi cần một chuỗi cung ứng pin xe điện mạnh mẽ, đa dạng và linh hoạt để đáp ứng nhu cầu đối với loại xe này. Nhu cầu của ngành công nghiệp cũng tạo ra cơ hội việc làm với mức lương cao, đồng thời đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển của tương lai”, Tổng thống Biden bình luận.
LG đang mở rộng nhà máy pin ở Ohio với General Motors và có kế hoạch xây dựng một nhà máy mới ở Michigan. Ngoài ra, công ty đã công bố kế hoạch đầu tư 4,5 tỷ USD vào năm 2025 để mở rộng năng lực sản xuất pin, với quy mô tuyển dụng 10.000 nhân sự tại Mỹ.
Với SK, nhà máy ở Georgia đưa vào sản xuất một số mẫu pin trong giai đoạn 2 đã hoàn thành 20% và dự kiến hoàn thiện vào năm sau. SK cho biết tổng vốn đầu tư trong giai đoạn hai của dự án đạt khoảng 5 tỷ USD và tạo ra 6.000 việc làm. Ngoài việc sản xuất pin cho Ford và Volkswagen, nhà máy của SK trở thành “nhà máy không độc quyền” lớn nhất của Mỹ, nghĩa là họ sẽ cung cấp pin cho các nhà sản xuất ô tô khác.
Trước đó, Giám đốc điều hành Volkswagen Scott Keogh cho biết: “Nếu quyết định của ITC vẫn giữ nguyên, nó có thể làm giảm sản lượng pin ở Mỹ và trì hoãn quá trình chuyển đổi sang xe điện”. Đây cũng là nguyên nhân khiến chính phủ Mỹ thúc đẩy hai công ty này nhanh chóng đạt được thỏa thuận.
Việc mở rộng năng lực sản xuất tại Mỹ là rất quan trọng bởi các nhà sản xuất ô tô luôn hi vọng đối tác cung cấp linh kiện đặt cơ sở gần nhà máy lắp ráp. Nhất là trong tình trạng thiếu chip hiện nay khiến chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, xe điện là mặt hàng chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi không chỉ thiếu chip, các nhà sản xuất còn phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn pin.
Phong Vũ
Ai hưởng lợi khi LG rút khỏi thị trường điện thoại thông minh?
LG chỉ mạnh ở những thị trường mà hãng hợp tác với các công ty viễn thông để đưa các thiết bị của mình vào trong chương trình hòa mạng di động, ví dụ như thị trường Mỹ.