2016 - năm "bão tố" của ngành nước mắm truyền thống khi một nghiên cứu kết luận hồ đồ, cho rằng “nước mắm nhiễm asen”. Cũng may, nỗi oan sớm được giải và câu chuyện truyền thông bất lương trong ngành nước mắm bị lật tẩy.
Ngành mắm truyền thống “chao đảo”
Nước mắm vốn được coi là “quốc hồn quốc túy” của Việt Nam khi tồn tại cả trăm năm nay, có trong các mâm cơm của người Việt. Thế nhưng, tháng 10/2016, ngành nước mắm truyền thống gặp bão lớn, có nguy cơ bị tẩy chay.
Sự việc bắt đầu vào ngày 17/10, Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) họp báo công bố kết quả kiểm nghiệm cho thấy: 67% mẫu nước mắm kiểm nghiệm phát hiện có hàm lượng asen vượt ngưỡng tối đa cho phép. Điểm đáng lưu ý, các loại nước mắm bị nhiễm asen hầu hết đều là nước mắm truyền thống có độ đạm cao. Cũng theo kết quả của Vinastas, các loại nước mắm công nghiệp đều có hàm lượng asen nằm trong giới hạn cho phép.
Nước mắm truyền thống gặp khủng hoảng vì thông tin chứa asen vượt ngưỡng |
Thông tin của Vinastas công bố ngay lập tức được báo chí đăng tải và được lan truyền trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt, khiến cả xã hội rúng động. Mâm cơm của người Việt bị bỗng nhiên “chao đảo” vì bát nước mắm nhiễm asen vượt ngưỡng.
Và ngay lập tức, các doanh nghiệp sản xuất nước mắm bị ảnh hưởng nặng nề khi bắt đầu xuất hiện những đơn hàng bị trả về, còn siêu thị thì bắt đầu dỡ bỏ sản phẩm nước mắm truyền thống xuống khỏi quầy kệ. Nước mắm tắc đầu ra và hàng triệu ngư dân đứng trước nguy cơ khốn khó.
Cũng may, các nhà khoa học đã nhanh chóng lên tiếng khẳng định, asen trong nước mắm truyền thống là asen hữu cơ, không gây hại cho sức khỏe người sử dụng.
Đến ngày 20/10, các hiệp hội trong nước về chế biến thủy sản và nước mắm của các địa phương ký đơn "kêu cứu" Thủ tướng để mong được “giải oan” cho nước mắm truyền thống.
Sau đó, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế để có ngay thông tin chính thức, công khai, rõ ràng, đầy đủ tới nhân dân về loại và hàm lượng arsen an toàn trong nước mắm cũng như các thông tin cần thiết khác liên quan, tránh gây hoang mang trong dư luận.
Cụ thể, Bộ NN-PTNT đã lấy 247 mẫu nước mắm của 210 nhãn hiệu khác nhau từ 82 cơ sở sản xuất để kiểm tra. Kết quả, 100% mẫu nước mắm đều đảm bảo an toàn, không nhiễm asen vô cơ, không ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Trước đó, Bộ Y tế cũng phát đi thông tin chính thức khẳng định không có nước mắm nhiễm thạch tín (asen vô cơ).
Câu chuyện truyền thông bất lương
Trước một vụ việc được cho là “không bình thường” khi Vinastas công bố nước mắm nhiễm asen, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Trương Minh Tuấn cho rằng có dấu hiệu của sự cấu kết bất lương trong truyền thông của doanh nghiệp, thậm chí là vi phạm pháp luật.
Thật may, không giống những kịch bản truyền thông trước đây, sự lên tiếng của người đứng đầu ngành TT&TT đang là tiếng nói mạnh mẽ nhất để giúp người dân trong cơn hoang mang có cái nhìn chuẩn xác và công bằng về độ an toàn của nước mắm truyền thống. Những người sản xuất chân chính có thể tin rằng hành vi làm truyền thông bất lương sẽ bị lật tẩy.
Thực tế, kết quả khảo sát của Vinastas chỉ phát hiện asen trong nước mắm là asen hữu cơ. Đến thời điểm này chưa có bất kỳ bằng chứng khoa học nào cho thấy asen hữu cơ có độc tố hoặc gây hại cho sức khoẻ con người. Asen vô cơ mới là loại kim loại độc hại. Vinastas đã phân tích sang lần thứ hai nhưng tuyệt đối không tìm ra bất kỳ một mẫu nước mắm nào có chứa asen vô cơ.
Nỗi oan mắm truyền thống đã được giải sau khi chiêu bài truyền thông "bẩn" được lật tẩy |
Tuy nhiên, cách thông tin chung chung rằng nước mắm nhiễm asen đã tạo nên một cuộc khủng hoảng niềm tin của người tiêu dùng về độ an toàn của nước mắm. Hành vi công bố thông tin của Vinastas không rõ là vô tình hay hữu ý nhưng chắc chắn một điều nó có thể khiến người tiêu dùng tẩy chay nước mắm truyền thống, thay vào đó là sử dụng nước mắm công nghiệp.
Dư luận lúc này đặt ra một loạt các nghi vấn: Vinastas làm như vậy để làm gì? bên nào đứng đằng sau giật dây sự kiện này? Ai được hưởng lợi khi nước mắm truyền thống bị ảnh hưởng, bị tẩy chay, bị “bóp chết”? Liệu có bàn tay “bẩn” của doanh nghiệp trong ngành nhúng vào?...
Kể cả khi cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc điều tra, tìm ra đơn vị đứng sau chi tiền cho Vinastas tiến hành các hoạt động nghiên cứu dẫn đến sự cố nước mắm chính là Công ty TNHH Liên doanh T&A Ogilvy (một doanh nghiệp trong ngành truyền thông), thì “nhà tài trợ” chính vẫn là ẩn số. Và nghi án này vẫn chưa được là rõ.
Đến cuối tháng 11/2016, Vinastas chính thức xin lỗi người tiêu dùng về vụ nước mắm nhiễm asen với lời giải thích: Nhóm thực hiện chương trình đã thông tin về kết quả khảo sát chưa được thận trọng, rõ ràng, trong đó có việc đồng nhất khái niệm Arsen với thạch tín gây hoang mang cho người tiêu dùng và lo lắng cho các nhà sản xuất, kinh doanh nước mắm.
Thế nhưng, dư luận cho rằng, đối tượng gây ra hậu quả phải chịu trách nhiệm, phải bị xử lý nghiêm minh và cần loại khỏi cuộc chơi. Bởi, nếu không, nguy cơ sẽ diễn ra nhiều cuộc cạnh tranh "bẩn" nữa giống như cuộc chiến nước mắm vừa qua.
Bảo Hân