Gần đây nhiều trường đại học đã bổ sung năng lực về tư duy đổi mới (entrepreneurial mindset) vào chuẩn đầu ra cho chương trình đào tạo với mong muốn người học sau khi tốt nghiệp sẽ có khả năng đặt ra những câu hỏi mới. Sinh viên có thể nghĩ khác, làm khác, đặc biệt là phải dám đối diện với thách thức và tìm giải pháp vượt qua thách thức.
Tư duy lối mòn và sự cần thiết phải thay đổi
Cơ chế quan liêu bao cấp, môi trường làm việc tuyến tính ít thay đổi, thiếu tính cạnh tranh, công việc hàng ngày đơn điệu, có tính lặp lại... là những nhân tố khiến con người tư duy theo lối mòn.
Các biểu hiện thường thấy của tư duy lối mòn là không muốn thay đổi, dù biết sự thay đổi có thể mang tới cơ hội mới; dễ dàng từ bỏ, nhất là khi phải đối diện thách thức, không nỗ lực để vượt qua thách thức; không có tinh thần tự học để nâng cao trình độ; hay phát biểu những ý kiến không tích cực như: Việc này này không làm được vì chưa có trong quy định, chưa có kinh phí để triển khai...
Thế giới ngày nay đang chứng kiến sự phát triển rất nhanh của các công nghệ đột phá. Đó là sự phát triển theo tốc độ của hàm mũ, thể hiện qua 3 yếu tố: Năng lực xử lý của máy tính tăng gấp đôi sau mỗi 18 tháng (Moore); tốc độ truyền thông tin trên cáp quang tăng gấp đôi sau mỗi 9 tháng (Butter); khả năng lưu trữ dữ liệu tăng gấp đôi sau mỗi 13 tháng (Kryder).
Khi các công nghệ đột phá diễn ra rất nhanh, sự cạnh tranh gay gắt, nhiều nghề nghiệp dần bị biến mất hoặc bị thay thế bởi robot tự động, nghề nghiệp mới đang được tạo ra thì để tồn tại và phát triển, tư duy lối mòn tuyến tính cần được thay thế bằng tư duy đổi mới theo hàm mũ.
Tư duy lối mòn cản trở sự phát triển của quốc gia ở nhiều khía cạnh như năng suất lao động thấp, chậm đổi mới sáng tạo, chưa phát huy hết vai trò của khoa học và công nghệ...
Các câu hỏi thách thức giáo dục đại học truyền thống
Thế giới thay đổi nhanh dưới tác động của các công nghệ đột phá làm ảnh hưởng tới rất nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục đại học. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều lĩnh vực khác, các trường đại học trên thế giới đang vận hành theo một mô hình truyền thống, có lịch sử tồn tại hàng trăm năm.
Đó là thời điểm bắt đầu và kết thúc quá trình học đại học của hầu hết sinh viên đều nằm trong độ tuổi từ 18 đến 22.
Đó là thời gian đào tạo được xây dựng tuyến tính liên tục suốt 4 năm học cho tất cả sinh viên.
Đó là định hướng đào tạo theo các chuyên ngành hẹp, được phân cấp quản lý theo khoa, bộ môn.
Đó là việc chỉ chú trọng trang bị kiến thức chuyên môn theo từng ngành học.
Các nghiên cứu về giáo dục đại học trên thế giới nói chung và ở Mỹ nói riêng gần đây đã chỉ ra rằng:
300 triệu người theo học trên nền tảng giáo dục trực tuyến (MOOC).
96% lãnh đạo các trường đại học khẳng định sinh viên tốt nghiệp đáp ứng ngay yêu cầu của nhà tuyển dụng, tuy nhiên, chỉ 11% lãnh đạo các doanh nghiệp đồng ý với nhận định này.
28% sinh viên khối ngành khoa học xã hội và nhân văn và 35% sinh viên khối ngành khoa học công nghệ tin rằng họ được trang bị đầy đủ kỹ năng để có thể thành công trong công việc sau này.
Kể từ khi tốt nghiệp đại học năm 22 tuổi cho đến khi 50 tuổi, mỗi người Mỹ trung bình sẽ phải làm 11 nghề nghiệp khác nhau.
Học phí đại học đã tăng gấp đôi trong khoảng thời gian từ năm 1989 đến năm 2016; tăng nhanh gấp 8 lần so với mức tăng lương trung bình của các doanh nghiệp trả cho người lao động.
Có đến 1.200 cơ sở giáo dục đại học ở Mỹ đã bị đóng cửa; hơn 530.000 sinh viên bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa của các trường đại học trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến năm 2018.
Những số liệu này đặt ra nhiều câu hỏi mới mang tính thách thức đối với giáo dục đại học truyền thống, trong đó có 4 câu hỏi đến từ các nhà khoa học thuộc ĐH Stanford, Mỹ:
Vào đại học có nhất thiết phải là năm 18 tuổi và tốt nghiệp khi 22 tuổi? Thời gian đào tạo có nhất thiết phải là 4 năm liên tục? Có nhất thiết phải đào tạo theo một chuyên ngành với cấu trúc khoa, bộ môn? Chương trình đào tạo có nhất thiết chỉ bao gồm kiến thức chuyên môn?
Hai câu hỏi đầu tiên liên quan thời điểm học và cấu trúc chương trình đào tạo theo hướng cá nhân. Tại sao không thể bắt đầu học đại học sớm hơn hoặc trễ hơn? Tại sao phải học liên tục mà không phải là một cơ chế mềm dẻo để người học có thể đi làm cho doanh nghiệp và quay lại trường học tiếp khi thấy cần thiết? Tại sao mỗi cá nhân với năng lực khác nhau lại không có lộ trình học khác nhau?
Hai câu hỏi cuối liên quan chương trình và mục tiêu đào tạo. Tại sao mỗi cá nhân sau khi tốt nghiệp phải làm trung bình đến 11 nghề khác nhau mà trường đại học chỉ dạy kiến thức cho một chuyên ngành? Tại sao kỹ năng, nhất là kỹ năng thực tiễn lại chưa được tích hợp nhiều trong chương trình đào tạo?
Từ câu hỏi thách thức đến ý tưởng đột phá
Các nhà khoa học đã đề xuất bốn ý tưởng đột phá để phát triển giáo dục đại học.
Mô hình vòng lặp đại học: Người học có thể làm việc cho doanh nghiệp và quay lại trường để học tiếp bất cứ lúc nào. Họ có tổng cộng 6 năm trong toàn bộ cuộc đời của mình để hoàn thành chương trình học và nhận bằng đại học. Mô hình này tạo ra sự đa dạng về độ tuổi, kinh nghiệm giữa các thành viên, khuyến khích sự hợp tác, chia sẻ giữa các cá nhân trong lớp học.
Giáo dục theo nhịp độ cá nhân: Mỗi cá nhân sẽ có lộ trình và thời gian hoàn thành chương trình học của riêng mình, trong đó có tính đến yếu tố rất quan trọng là khả năng tự học. Chương trình đào tạo được cấu trúc theo 3 giai đoạn: khởi động, tăng tốc và về đích. Giai đoạn khởi động nhằm định hướng cho người học về mục tiêu nghề nghiệp. Giai đoạn tăng tốc sẽ tập trung đào tạo kỹ năng và kiến thức theo định hướng mục tiêu nghề nghiệp. Giai đoạn về đích là lúc người học trải nghiệm những kiến thức và kỹ năng trong môi trường thực tế công việc.
Chuyển đổi trọng tâm đào tạo: Các chương trình đào tạo được thiết kế theo định hướng lấy kỹ năng làm nền tảng chứ không đơn thuần chỉ là ưu tiên truyền đạt kiến thức chuyên ngành. Rõ ràng, khi yêu cầu nghề nghiệp biến động liên tục, việc chỉ tập trung đào tạo kiến thức chuyên ngành có thể khiến người học bị động nếu sau này phải chuyển qua làm ở lĩnh vực khác.
Mục tiêu nghề nghiệp: Sinh viên được khuyến khích xác định mục tiêu nghề nghiệp lâu dài chứ không đơn thuần chỉ là việc chọn một chuyên ngành để học. Điều này giúp các em cảm thấy việc chọn lựa của mình là có ý nghĩa, mang lại động cơ tự học, tự nghiên cứu. Ví dụ, thay vì nói học chuyên ngành Hóa - Dược, sinh viên sẽ nói đang theo đuổi lĩnh vực Hóa - Dược để có thể điều chế ra nhiều loại thuốc mới giúp điều trị các bệnh nhân ung thư.
Báo cáo mới nhất của ĐH Stanford cho thấy kết quả bước đầu cũng như các thách thức trong quá trình tự thay đổi của một số trường đại học trên thế giới.
Theo đó, thách thức lớn nhất vẫn là sự chuyển đổi từ tư duy lối mòn sang tư duy đổi mới. Nhiều người trong cuộc, bao gồm cả lãnh đạo đến các giáo sư có thâm niên, đặt câu hỏi rằng tại sao lại phải thay đổi? Thành trì đại học với lịch sử hàng trăm năm, với những giảng đường cổ kính được xây cất từ những viên gạch cũ đã đào tạo ra biết bao nhiêu nhà khoa học lỗi lạc, liệu đã cần thiết phải thay đổi chưa?
Nhưng, cũng có những người làm về giáo dục đại học - như các nhà khoa học của Đại học Stanford - lại đặt vấn đề về sự cần thiết phải thay đổi và cổ vũ cho những thay đổi này.
Việc phân tích bình luận có nên thay đổi theo đề xuất của các nhà khoa học của ĐH Stanford hay không nằm ngoài phạm vi bài viết. Ở đây, tác giả chỉ nhấn mạnh đến nội hàm của tư duy đổi mới và sự cần thiết phải truyền cảm hứng cho sinh viên tư duy này để các em có thêm cơ hội thành công trong tương lai.
PGS.TS VŨ HẢI QUÂN
Theo Zing