Tham gia đóng góp ý kiến cho Hội thảo về Tái cơ cấu kinh tế do Tạp chí Công sản tổ chức, PGS, TS. Nguyễn Thường Lạng, Trường Đại học Kinh tế quốc dân đã đưa ra góc nhìn riêng về vấn đề công nghiệp hóa ở Việt Nam.
Theo ông, cần thay đổi cách tiếp cận để giải mã đầy đủ thực chất, thành công và hạn chế, cơ hội và thách thức trong đóng góp vào phát triển kinh tế.
Ở Việt Nam, thuật ngữ “công nghiệp hóa” được hiểu nguyên nghĩa cũng như được hiểu gắn với hiện đại hóa bao gồm “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Nội hàm được thay đổi qua các giai đoạn, gắn với điều kiện phát triển đất nước và bối cảnh quốc tế. Tuy nhiên, phạm trù này vẫn có những nội dung tương tự ở các nước.
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và quản lý kinh tế, xã hội từ sử dụng lao động thủ công là chính sang sử dụng một cách phổ biến sức lao động cùng với công nghệ, phương tiện và phương pháp tiên tiến, hiện đại, dựa trên sự phát triển của công nghiệp và tiến bộ khoa học - công nghệ, tạo ra năng suất lao động xã hội cao. Đó là một quá trình lâu dài (Ban Chấp hành Trung ương, 1994).
Công nghiệp hóa ở Việt Nam diễn ra trong 70 năm được coi là một quá trình thống nhất. Chính sách điều tiết công nghiệp hóa hoàn toàn nhất quán, phù hợp với bản chất và tính quy luật của công nghiệp hóa. Căn cứ vào điều kiện phát triển công nghiệp, đóng góp của công nghiệp vào tăng trưởng và phát triển, mức độ đóng góp của công nghiệp vào độ mở kinh tế, các chính sách có thể điều chỉnh và hoàn thiện hình thành các phiên bản. Các phiên bản khác nhau của chính sách vẫn dựa trên nền tảng mục tiêu công nghiệp hóa gần như được duy trì ổn định trong suốt 70 năm.
Mô hình chính sách 3 phiên bản gắn với 3 giai đoạn không đều về thời gian gồm giai đoạn đầu 15 năm, giai đoạn tiếp theo 30 năm và giai đoạn sau đó 25 năm.
- Giai đoạn 1976 - 1991 (15 năm đầu): Phiên bản kiểm định mức chống chịu của chính sách công nghiệp hóa. Từ năm 1976, Việt Nam tiến hành công cuộc công nghiệp hóa nhằm tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội.
Việc tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng là cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học - kỹ thuật và cách mạng tư tưởng - văn hóa trong đó cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt. Đây là giai đoạn chống chịu của nền kinh tế trước các điều kiện ngặt nghèo trong và ngoài nước gồm các cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc, cải tạo kinh tế trong nước, bị bao vây, cấm vận, và sự thử nghiệm tất cả các loại công cụ của cơ chế kế hoạch hóa tập trung đến mức cao nhất - tự phủ định để đổi mới nền kinh tế (Văn kiện Đại hội IV, V, VI). Năm 1982, công nghiệp hóa Việt Nam từ ưu tiên phát triển công nghiệp năng một cách hợp lý trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ chuyển sang thực thiện 3 chương trình kinh tế lớn là sản xuất lượng lực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu.
Năm 1991 đánh dấu sự tan rã của Liên Xô và hệ thông xã hội chủ nghĩa thế giới. Điều này làm cho mục tiêu triển khai 200 dự án đầu tư lớn của Việt Nam với sự hỗ trợ của Liên Xô không thực hiện được. Sự kiện Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa tan rã đã mở đầu thời kỳ toàn cầu hóa. Mối quan hệ giữa đóng cửa và mở cửa trong công nghiệp hóa gần như theo tỷ lệ 80/20, trong đó, 80% mối quan tâm tập trung vào các vấn đề trong nước, chuẩn bị kịch bản kết thúc cơ chế kế hoạch hóa tập trung và 20% tập trung vào phần kết nối quốc tế, thậm chí phần kết nối này còn ít hơn do chủ yếu kết nối với Liên xô và các nước trong khu vực 1 là các nước xã hội chủ nghĩa với phạm vi khá hẹp, hạn chế kết nối với khu vực khác.
- Giai đoạn 1992 - 2021 (30 năm tiếp theo): Phiên bản tiếp cận quốc tế chủ động, tích cực, sâu rộng của chính sách công nghiệp hóa cùng với việc củng cố sức chống chịu và tăng cường tích lũy nội bộ phục vụ công nghiệp hóa. Đây là giai đoạn Việt Nam sẵn sàng là bạn với các nước trên thế giới (Văn kiện Đại hội VII). Sau khi bình thường hóa với tất cả các nước, tình trạng cấm vận bị loại bỏ, nền kinh tế mở cửa sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Tính đến hết tháng 10-2021, Việt Nam đã và đang đàm phán ký kết 17 hiệp định thương mại tự do, trong đó có 15 hiệp định thương mại tự do đã ký kết và 2 hiệp định thương mại tự do đang đàm phán .
Việt Nam có quan hệ thương mại với 189 quốc gia và vùng lãnh thổ và quan hệ đầu tư với 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Phần tham gia của nền kinh tế vào nền kinh tế thế giới rất lớn như xuất khẩu của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 70%, độ mở nền kinh tế đạt gần 200%.
Việc tích lũy nội bộ đạt ở mức trung bình và Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình thấp từ năm 2010 (Văn kiện Đại hội X). Mục tiêu đến năm 2020 về cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại được đặt ra từ năm 1994 chưa hoàn thành như mơng đợi.
Mối quan tâm những vấn đề trong nước và phần kết nối quốc tế theo tỷ lệ 50/50 trong đó 50% tập trung vào kết nối quốc tế và 50% tập trung vào vấn đề trong nước. Quy mô mở rộng kết nối quốc tế tăng nhanh để tương xứng với quy mô của nền kinh tế ở trạng thái mở cửa.
Trong thời gian tới, từ nay tới 2045 sẽ là phiên bản công nghiệp hóa thời đại số hóa, cân bằng giữa trong nước và kết nối quốc tế theo tỷ lệ 20/80.
Văn Quý (ghi)