Tình trạng kháng kháng sinh (AMR) là mối đe dọa đối với sức khỏe con người, động vật và môi trường. Hậu quả của tình trạng này là làm giảm hiệu quả của thuốc kháng sinh, dẫn đến mầm bệnh đa kháng thuốc (MDR) và kháng thuốc mở rộng (XDR). Hơn nữa, kháng kháng sinh cũng tạo ra tác động kinh tế nghiêm trọng dẫn đến chi phí y tế cao hơn và thời gian nằm viện kéo dài.
Theo ước tính của WHO, các quốc gia ở Đông Nam Á có nguy cơ kháng kháng sinh cao nhất trên toàn cầu. Trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ở khu vực Tây Thái Bình Dương xây dựng kế hoạch hành động quốc gia vào năm 2013. Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng kháng sinh cao trong bệnh viện và cộng đồng, cùng với việc lạm dụng thuốc kháng sinh trong lĩnh vực thú y sau đại dịch Covid-19 mang đến không ít thách thức trong chương trình quản lý sử dụng thuốc kháng sinh.
Pfizer đã thực hiện chương trình quản lý kháng sinh (AMS) tại Việt Nam bằng cách đồng tổ chức một loạt hội thảo khoa học, các chiến dịch với các bệnh viện, trường đại học và Hiệp hội Y tế quốc gia. Trong thời gian tới, Pfizer cho biết sẽ tập trung phát triển quan hệ đối tác trong việc triển khai chương trình hợp tác quản lý kháng sinh trên toàn Việt Nam.
Chương trình được triển khai với 7 hạng mục chính: Hội nghị khoa học; Chương trình đào tạo của AMS; Ứng dụng đào tạo chuyên sâu; Hỗ trợ chẩn đoán sớm; Diễn đàn AMS; Nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh (AMR) cho bệnh nhân, Nâng cao nhận thức về AMS cho cộng đồng; Giám sát AMS.
BS. Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy nhận định: “Chúng tôi đánh giá cao chương trình hợp tác này khi góp phần nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh cho các cán bộ y tế và cộng đồng, thúc đẩy việc xây dựng chính sách cải thiện hiệu quả của thuốc kháng sinh, góp phần thực hiện và phổ biến công tác chống tình trạng kháng thuốc kháng sinh tại Việt Nam”.
Ông Darrell Oh - Tổng Giám đốc Pfizer Việt Nam chia sẻ: “Pfizer đã tài trợ cho nhiều chương trình quản lý kháng sinh trên toàn cầu, chúng tôi nhận thấy tình trạng kháng kháng sinh chỉ có thể được ngăn ngừa bằng sự kết hợp giữa các chương trình quản lý kháng sinh tốt và các loại thuốc kháng sinh tiên tiến. Đó là lý do tại sao chúng tôi vẫn đang tiếp tục tập trung vào việc nghiên cứu và phát triển thuốc kháng sinh mới, đồng thời đề xuất các chương trình sử dụng đúng thuốc điều trị nhiễm trùng một cách hiệu quả. Cuối cùng, giải quyết tình trạng kháng kháng sinh kịp thời có thể mang lại lợi ích lâu dài cho sức khỏe và sự phát triển ở Việt Nam, vì vậy chúng ta cần những nỗ lực của các tập thể và những đổi mới táo bạo để thực sự giành chiến thắng trong cuộc chiến này”.
Bích Đào