- Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa công bố lợi nhuận hợp nhất đối với kinh doanh xăng dầu trong nửa đầu năm qua là 1.038 tỷ đồng. Lãi lớn đó có phần không nhỏ của... cơ chế điều hành giá từ liên bộ Công Thương - Tài chính.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất toàn tập đoàn, do Petrolimex công bố hôm 18/8, tổng doanh thu thuần bán hàng và dịch vụ quý II chỉ đạt 43.566 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 6 tháng, doanh thu thuần chỉ đạt 81.502 tỷ đồng, giảm mất 24.913 tỷ đồng, tương ứng giảm tới 23,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù vậy, lợi nhuận của tập đoàn này sau thuế thu nhập doanh nghiệp lại tăng ấn tượng. Quý II, Petrolimex đạt lợi nhuận sau thuế là 1.125 tỷ đồng, tăng 711 tỷ đồng, tương ứng tăng tới 172% so với cùng kỳ 2014.
Lợi nhuận hợp nhất 6 tháng sau thuế của toàn Petrolimex đã đạt 1.586 tỷ đồng, tăng 919 tỷ đồng, tương ứng 137% so với cùng kỳ 2014.
Trong đó, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt trong quý II là 1.028,6 tỷ đồng, gấp 2,94 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong 6 tháng, công ty mẹ đạt lợi nhuận sau thuế là 1.416 tỷ đồng, gấp 2,48 lần so với cùng kỳ năm trước.
Petrolimex lãi hơn 1.000 tỷ nhờ cơ chế điều hành giá xăng. |
Theo báo cáo tài chính, nguyên nhân là do chi phí giá vốn đã giảm rất mạnh. Quý II, phí giá vốn hàng bán chỉ có 39.893 tỷ đồng giảm tới 25,4% so với cùng kỳ 2014. Trong 6 tháng, giá vốn của Petrolimex chỉ có 75.048 tỷ đồng, giảm 26,6% so với cùng kỳ 2014.
Petrolimex thu từ các hoạt động kinh doanh khác không nhiều, thu nhập khác chỉ có 249 tỷ đồng, tăng chút ít so với 221 tỷ đồng cuối năm trước.
Doanh thu hoạt động tài chính chỉ có 316 tỷ đồng, giảm so với con số 344 tỷ đồng.
Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Petrolimex, chia sẻ, trong tổng lợi nhuận sau thuế trên thì lợi nhuận thu được từ kinh doanh xăng dầu là 1.038 tỷ đồng.
Doanh thu của Petrolimex giảm là do giá xăng dầu giảm nhưng lãi vẫn tăng là bởi, sản lượng bán hàng của Petrolimex đã tăng rất khá. Trong 6 tháng đầu năm, tập đoàn này đã xuất bán được 5,35 triệu m3 xăng dầu. Riêng quý II, sản lượng xuất bán tăng 12% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, do cơ chế điều hành của liên bộ Công Thương - Tài chính theo sát Nghị định 83 của Chính phủ, lợi nhuận định mức của tập đoàn được đảm bảo.
Ông Năm cho biết, với 300 đồng/lít, kg lợi nhuận định mức nhân với sản lượng xuất bán thì mức lợi nhuận đạt được ước tính danh nghĩa đã đạt 1.300-1.500 tỷ đồng.
Trong khi cùng kỳ này năm ngoái, liên bộ điều hành cơ chế giá xăng dầu, có lúc yêu cầu không tính khoản này trong giá cơ sở hoặc giảm mức tính lợi nhuận định mức chỉ còn 100-200 đồng/lít.
Thêm vào đó, chi phí kinh doanh định mức của các doanh nghiệp theo Thông tư 39 đã được tăng khá, tương đồng với chi phí kinh doanh thực tế của doanh nghiệp. Mỗi lít xăng được tính chi phí từ 860 tăng lên 1.050 đồng. Dầu tăng từ 860 lên 950 đồng/lít và mazut từ 500 lên 600 đồng/kg.
Cũng theo ông Năm, lý do thứ ba là với quy định hàng tồn kho dự trữ 30 ngày trong khi chu kỳ điều hành giá chỉ tính trên cơ sở bình quân 15 ngày cuối nên có lúc, doanh nghiệp cũng được hưởng lợi.
Cụ thể, khi giá bình quân 15 ngày cuối tăng, giá xăng dầu tăng, doanh nghiệp sẽ được lợi vì giá vốn hàng tồn khó 30 ngày là còn ở chu kỳ giá thấp. Nhưng khi giá bình quân 15 kỳ cuối giảm, giá xăng dầu giảm thì doanh nghiệp cũng sẽ bất lợi vì giá vốn hàng tồn kho 30 ngày còn ở chu kỳ giá cao.
Dù vậy, tác động của công thức tính giá như trên là 2 chiều nên khi bù trừ cho nhau, doanh nghiệp vẫn có lãi.
Phạm Huyền