Theo một nguồn tin từ Công ty Pepsi Việt Nam, nhãn hàng Sting đã từng là nạn nhân của nạn tin giả trên mạng xã hội gây thiệt hại khá lớn cho uy tín sản phẩm cũng như thiệt hại về kinh doanh của công ty.
Cụ thể, vào tháng 7/2018, tài khoản Facebook Nguyễn Công Minh đã chia sẻ thông tin về việc người này mỗi ngày uống 3 chai nước Sting trong một thời gian dài, và hậu quả là hiện nay anh ta đang bị suy thận nặng, status này suy diễn là hệ quả do sử dụng quá nhiều nước Sting. Sau khi thông tin này được đăng lên thì nó đã lan tỏa chóng mặt trên Facebook. Chỉ trong vòng 6 ngày tin tức này đã nhận được 65.114 lượt chia sẻ trên Facebook và 93.600 lượt tiếp cận.
Sau đó, công ty Luật đại diện cho Pepsi đã liên hệ với các cơ quan chức năng như Sở TT&TT TP.HCM, liên hệ với Facebook để đưa ra các bằng chứng khẳng định thông tin kia là sai sự thật, thông tin chưa được kiểm chứng. Sau đó phải mất 7 ngày, Facebook mới gỡ thông tin giả mạo này xuống.
Nhãn hàng Sting từng nạn nhân của Faacebook. |
Trước đó, vào tháng 6/2016, nhãn hàng Sting cũng đã từng là nạn nhân của thông tin giả mạo trên mạng Internet. Thông tin giả mạo xuất phát từ trang tivinewstoday6.com tung tin từ Tuyên Quang, có 15 em học sinh cấp 3 đã uống nước Sting trong giờ ra chơi, sau đó nôn ói khắp trường, 2 em bị bất tỉnh tại chỗ, nhà trường phải gọi xe cứu thương đi bệnh viện. 13 em cũng có biểu hiện tương tự và cũng phải đưa vào bệnh viện. 2 em học sinh đã tử vong do Sting có nhiều chất độc…
Tuy nhiên đây là thông tin thất thiệt, không có thật, hình ảnh bệnh viện, bệnh nhân đang nằm viện được lấy từ một trang web ở Pakistan, hình ảnh đám ma 2 em tử vong cũng là giả mạo. Trang web tung tin thất thiệt kia đặt máy chủ ở Mỹ nhưng bài đăng sai sự thật này đã gây hoang mang cho rất nhiều người và được lan truyền nhanh chóng trên Facebook.
Tuy nhiên, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Tuyên Quang ngay sau khi có tin trên mạng đã kiểm tra tất cả các bệnh viện trong tỉnh đều nhận được phản hồi là tất cả các bệnh viện trong tỉnh không tiếp nhận hay cấp cứu bất cứ trường hợp nào ngộ độc vì uống nước Sting.
Vào thời điểm đó, Pepsi đã phải rất vất vả để liên hệ với Facebook cung cấp các thông tin để Facebook gỡ bỏ tin sai sự thật, nhưng phải mất đến 7-10 ngày mới gỡ được thông tin giả mạo đó.
“Việc xử lý gỡ bỏ thông tin giả mạo của Facebook rất chậm khiến cho thông tin bị lan tỏa nhanh chóng, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tới thương hiệu và hình ảnh của nhãn hàng”, đại diện Pepsi cho biết.
Tình trạng các nhãn hàng nổi tiếng bị tung tin đồn, giả mạo nhãn hiệu để lừa đảo người dùng không còn là chuyện hiếm trên mạng xã hội, nhất là trên Facebook và YouTube. Trước đó, ICTnews đã từng phản ánh các nhãn hàng như Heineken, Toyota, Honda, VTVcab, VFF đã từng là nạn nhân của nạn tung tin giả mạo trên Facebook. Thậm chí ngay cả cựu Giám đốc Facebook Việt Nam bà Lê Diệp Kiều Trang cũng từng là nạn nhân của tin giả trên Facebook.
Facebook đang gặp phải vấn đề với fake news (tin tức giả mạo). Hồi tháng 5/2018, Facebook đã miễn cưỡng thừa nhận về sự tồn tại của fake news, và công bố đang tích cực để giải quyết dứt điểm tình trạng này. Nhưng thực tế thì tình trạng tin tức giả mạo, tin sai sự thật vẫn được lan truyền trên Facebook không ngừng.
Một số quốc gia đã ban hành các đạo luật xử lý mạnh tay với những người lan truyền tin tức giả mạo trên mạng. Cụ thể, hồi tháng 4/2018, Chính phủ Malaysia, đứng đầu là thủ tướng Najib Razak vừa hình sự hóa tội tung tin giả trên mạng. Theo đó, kẻ chủ mưu có thể bị phạt tù tới 6 năm. Chính phủ Malaysia cũng gạt bỏ các phê phán cho rằng luật mới có thể vi phạm quyền tự do ngôn luận.
Phạm vi áp dụng luật mới rất rộng, gồm cả ấn bản số và truyền thông xã hội. Đối tượng tung tin giả có thể sống tại Malaysia hoặc quốc gia khác, gồm cả người nước ngoài nếu hậu quả ảnh hưởng tới Malaysia hoặc công dân nước này.
Theo đại diện của Pepsi Việt Nam, khi gặp phải vấn nạn tin giả, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong khâu xử lý. Đối tượng tung tin giả còn bỏ tiền mua tài trợ, quảng cáo để tin giả, tin sai sự thật lan truyền nhanh hơn.
Khi các công ty tìm sự trợ giúp thì các mạng xã hội như Facebook, YouTube không có văn phòng đại diện tại Việt Nam, không có bộ phận xử lý các khiếu nại tại Việt Nam, cũng không có quy định nào về thời gian giải quyết khiếu nại. Có những trường hợp giải quyết kéo dài rất lâu, 3 tháng hoặc hơn 3 tháng mới gỡ bỏ tin sai. Khi thông tin thất thiệt này tồn tại tới 3 tháng, nó đã thành bão hoà và thậm chí nạn nhân còn không cần gỡ xuống nữa.
Đại diện Pepsi đưa ra kiến nghị, các mạng xã hội phải có trách nhiệm khi thông tin cung cấp trên đó là sai sự thật trên hệ thống mạng do họ cung cấp dịch vụ.
Nhà cung cấp phải ngay lập tức phong tỏa các thông tin sai sự thật, sau đó phải gỡ bỏ thông tin sai khi nhận được báo cáo đầy đủ của các cơ quan, tổ chức.
Bên cạnh đó, các mạng xã hội nước ngoài như Facebook phải có văn phòng đại diện hoặc bộ phận giải quyết khiếu nại của người dùng tại Việt Nam, và phải công khai các thông tin này để khi một cá nhân hay tổ chức cần khiếu nại hay hỗ trợ sẽ được xử lý nhanh chóng.