Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Hay (Hà Lan) vừa ra phán quyết không công nhận "đường chín đoạn" của Trung Quốc tại Biển Đông, dồng thời cho biết Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử ở vùng biển này.

{keywords}

Tòa Trọng tài Thường trực (Nguồn: BBC)

Ngày 12/7, PCA đã ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông sau 3 năm thụ lý.

"Tòa Trọng tài Thường trực kết luận rằng không có căn cứ pháp lý nào để Trung Quốc đòi chủ quyền lịch sử, vượt quá các quyền mà Công ước về Luật Biển cung cấp, tại vùng biển thuộc phạm vi 'đường chín đoạn'," thông cáo báo chí của PCA viết.

Phán quyết này được đưa ra sau quá trình thụ lý kéo dài 3 năm, đối với đơn kiện của Philippines nhằm bác bỏ yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh.

Theo trình tự, các quốc gia quan sát quá trình tố tụng, nước thành viên PCA, các tòa thành viên của PCA, công chúng và các phương tiện truyền thông cũng nhận được e-mail về phán quyết kể trên.

Sau khi e-mail đã được gửi đi, quyết định cũng sẽ được tải lên trang web của PCA.

Philippines bắt đầu quá trình tố tụng tại PCA kiện Trung Quốc vào ngày 22/1/2013 sau nhiều năm bế tắc và căng thẳng trong việc giải quyết tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông mà không đạt được kết quả.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền toàn bộ Biển Đông bằng việc đưa ra “đường chín đoạn” bao gồm cả khu đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines.

Trung Quốc đã từ chối tham gia vào quá trình tố tụng của PCA khi cho rằng PCA không có thẩm quyền giải quyết vụ kiện này và khẳng định mình có "chủ quyền không thể tranh cãi" trên Biển Đông.

Tuy nhiên, PCA đã ra phán quyết trước đó khẳng định rằng PCA có thẩm quyền giải quyết vụ kiện này và đã thụ lý hồ sơ kiện Trung Quốc của Philippines.

Tác động của vụ kiện tới Trung Quốc

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát biểu ngày 30/10/2015 đã khẳng định lại quan điểm của Trung Quốc không chấp nhận và không tham gia vào vụ kiện do Philippines đơn phương khởi kiện. Đồng thời khẳng định, phán quyết về thẩm quyền của Toà Trọng tài không có giá trị pháp lý và không có giá trị ràng buộc với Trung Quốc. Quan điểm này chắc chắn sẽ tiếp tục được Trung Quốc theo đuổi với phán quyết cuối cùng của Toà Trọng tài.

Trung Quốc có thể sẽ phản ứng quyết liệt, leo thang căng thẳng trong ngắn hạn để chứng minh cho quan điểm không tuân thủ phán quyết của mình sau phán quyết của PCA.

Đặc biệt trong bối cảnh luật quốc tế không có cơ chế cưỡng chế thi hành, Trung Quốc sẽ có những hành động như đẩy mạnh hoạt động trong các lĩnh vực về nghề cá, dầu khí; xây dựng công trình trên biển; tuần tra, thiết lập và thực thi các quy định của nội luật Trung Quốc về hàng hải, hàng không, môi trường, nghiên cứu khoa học, hoạt động quân sự….

Tuy nhiên, trong dài hạn, Trung Quốc có thể sẽ tập trung tiến hành củng cố cơ sở tại các thực thể chiếm đóng ở Trường Sa được Trọng tài kết luận là đảo đá gồm: Gạc Ma, Châu Viên và Chữ Thập; đồng thời, thúc đẩy các hoạt động tại Hoàng Sa do quần đảo này nằm ngoài phạm vi phán quyết của Toà Trọng tài.

Tác động của vụ kiện tới các bên tranh chấp khác và các nước thành viên ASEAN

Với Malaysia, do các hành động leo thang đưa tàu chiến của Trung Quốc vào gần bãi cạn Luconia và yêu sách chủ quyền với bãi này, Malaysia đang dần chuyển thái độ công khai và tích cực hơn về tranh chấp Biển Đông.  Với phán quyết này, Malaysia có thể quay trở lại với chính sách ngoại giao thầm lặng để hy vọng đạt được một giải pháp thoả hiệp và vẫn giữ được hoà khí trong quan hệ với Trung Quốc.

Với Indonesia, Bộ trưởng các vấn đề Chính trị, Pháp lý và An ninh của Indonesia phát biểu ngày 11/11/2015 rằng Indonesia có thể kiện yêu sách “đường lưỡi bò” Trung Quốc ra Toà.

Trong hội thảo về tình hình Biển Đông do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore tổ chức ngày 5-6/11/2015, Thứ trưởng Bộ các Vấn đề Hàng hải cũng khẳng định Indonesia không công nhận yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, và cho rằng do “đường lưỡi bò” chưa được xác định, Indonesia không thừa nhận có chồng lấn giữa vùng biển do “đường lưỡi bò” tạo ra và vùng biển Natuna của Indonesia.

Phản ứng của Indonesia sẽ dừng ở mức có chừng mực vì Trung Quốc đang khẳng định thiện chí đàm phán với Indonesia và trên thực tế, Trung Quốc cũng chưa bao giờ khẳng định tồn tại tranh chấp với Indonesia. Đồng thời, Indonesia cũng muốn tranh thủ nguồn vốn của Trung Quốc để phát triển sáng kiến Trục hàng hải nhằm tăng cường kết nối giữa các đảo thuộc Indonesia và giữa Indonesia và khu vực.

Với các nước ASEAN khác, cho dù vụ kiện kết thúc thắng lợi cho Philippines, các nước này sẽ không tỏ thái độ rõ ràng do không có lợi ích trực tiếp với tranh chấp tại Biển Đông và không muốn làm mất lòng Trung Quốc. 

Tác động của vụ kiện đối với Việt Nam

Về mặt pháp lý, bản chất của vụ kiện của Philippines và Trung Quốc không phải là vụ kiện về các vấn đề chủ quyền. Vì vậy, bất kỳ bên nào giành lợi thế sau phán quyết, vấn đề tranh chấp chủ quyền đối với Trường Sa vẫn chưa được giải quyết.

Bản chất của vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc là nhằm thu hẹp các vùng biển tranh chấp qua 4 lập luận pháp lý chủ yếu:

• Bác bỏ giá trị pháp lý của yêu sách lịch sử của Trung Quốc từ “đường lưỡi bò”.

• Thu hẹp vùng biển tranh chấp về phạm vi 12 hải lý của các thực thể là đảo đá tại Trường Sa.

• Quy thuộc các bãi nửa nổi nửa chìm nằm ngoài 12 hải lý của các đảo về vùng EEZ và thềm lục địa của quốc gia ven biển.

• Từ đó, xác định các hành vi hiện thực hoá “đường lưỡi bò” của Trung Quốc tại Biển Đông là các hành vi vi phạm luật quốc tế.

Việc tòa PCA bác bỏ giá trị pháp lý của “đường lưỡi bò” sẽ tạo ra tác động tích cực chung cho các quốc gia ven Biển Đông, buộc Trung Quốc phải đưa ra yêu sách về các vùng biển phù hợp với quy định của UNCLOS.

Về mặt chính trị, khi PCA không công nhận đường lưỡi bò của TQ, dư luận quốc tế có cơ sở để thể hiện lập trường ủng hộ Philippines và qua đó ủng hộ Việt Nam, lên án “đường lưỡi bò” và các yêu sách, các hành động trái phép của Trung Quốc tại Biển Đông.

Trên thực địa, cho dù có phán quyết của PCA, Trung Quốc sẽ tiếp tục tiến hành leo thang trên thực địa để khẳng định sự tồn tại của yêu sách “đường lưỡi bò” trên biển và trên không.

Trong dài hạn, Trung Quốc có thể đẩy mạnh các biện pháp trên thực địa tại Hoàng Sa do quần đảo này nằm ngoài phạm vi phán quyết của Toà Trọng tài. Điều này sẽ tạo ra căng thẳng trực tiếp với ta, gây khó khăn cho ta do hiện Trung Quốc nắm giữ quyền quản lý thực tế tại Hoàng Sa, trong khi thế giới và khu vực thường nhìn nhận đây là vấn đề song phương giữa ta và Trung Quốc.

VietNamNet