Pác Nặm là một huyện vùng cao còn nhiều khó khăn của tỉnh Bắc Kạn, là nơi cư trú của 07 cộng đồng dân tộc anh em, gồm: Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Kinh, Hoa.
Những năm qua, huyện vùng cao Pác Nặm đã nỗ lực triển khai, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Các cấp, ngành, đoàn thể của huyện thường xuyên thăm nắm đời sống của bà con, dành sự quan tâm đặc biệt đối với cộng đồng dân tộc thiểu số, tháo gỡ những khó khăn, tạo điều kiện cho người dân từng bước vươn lên thoát nghèo.
Để các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến được với đồng bào là sự nỗ lực của các cấp, ngành của huyện, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống cả về vật chất và tinh thần cho Nhân dân ở những vùng khó khăn. Ban Thường vụ Huyện ủy Pác Nặm đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch trong công tác triển khai thực hiện nhiệm vụ, các nội dung đều gắn liền tới nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chính trị của địa phương. Đồng bào dân tộc được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Đến nay, các chương trình, dự án đang được triển khai trên địa bàn góp phần đáng kể trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội, nâng cao trình độ nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện đã và đang thực hiện 07 dự án bố trí sắp xếp ổn định dân cư tập trung cho hơn 600 hộ dân cư, thực hiện nhiều dự án bố trí dân cư xen ghép và không có hộ di cư tự phát, không có hộ gia đình đang sinh sống sống trong rừng đặc dụng.
Công tác giáo dục và đào tạo luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, xây dựng trường chuẩn quốc gia, phổ cập giáo dục ở các bậc học; cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập được đầu tư, sửa chữa, xây dựng mới đáp ứng yêu cầu dạy và học. Huyện tiếp tục duy trì phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tại 10/10 xã. Qua rà soát cho thấy, tỷ lệ thanh niên người dân tộc thiểu số từ 15 đến 35 tuổi đọc thông viết thạo tiếng Việt đạt 94,2%; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế người dân tộc thiểu số đạt 97,5%...
Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, thực hiện. Kết thúc năm 2021 huyện Pác Nặm đã giải quyết việc làm cho 1.346 lao động. Trong đó, tạo việc làm mới cho 436 lao động; đào tạo nghề cho 318 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 22,5%.
Công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân được triển khai đồng bộ từ huyện đến cơ sở. Huyện duy trì 10/10 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã; duy trì tỷ lệ 10 bác sĩ/vạn dân, 10/10 trạm y tế có bác sĩ, kiểm soát tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng dưới 16,4%. Các chế độ chính sách bảo trợ xã hội, người có công, bảo vệ chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, bảo hiểm y tế, chính sách cho người nghèo được triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng quy định.
Việc xây dựng và phát triển hệ thống giao thông nông thôn là chủ trương luôn được các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương quan tâm cùng với sự đồng tình và chung tay xây dựng nông thôn mới. Nguồn vốn phát triển giao thông nông thôn không ngừng tăng và được lồng ghép với Chương trình 135, Chương trình 30a, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, đóng góp ngày công và hiến đất làm đường giao thông nông thôn.
Nhờ đó, Pác Nặm hôm nay thay đổi từng ngày, hiệu quả từ các Chương trình Mục tiêu Quốc gia đã làm thay đổi diện mạo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tạo việc làm, giảm nghèo nhanh, bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội và ổn định an ninh, chính trị trên địa bàn huyện.
Từ những thành quả đó, triển khai nguồn vốn chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tới đây, huyện Pác Nặm định hướng thực hiện 04 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng về chăn nuôi và trồng trọt, tại 02 xã Bằng Thành và Bộc Bố.
Cụ thể, huyện sẽ triển khai 02 dự án chăn nuôi lợn thịt bản địa, quy mô 100 con/ 01 dự án ở xã Bằng Thành; 01 dự án trồng lê quy mô 05 ha và 01 dự án chăn nuôi bò sinh sản quy mô 30 con tại xã Bộc Bố. Các dự án sẽ được ưu tiên triển khai thực hiện tại những thôn vùng cao, nơi còn tập trung nhiều hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn…
Các hộ tham gia dự án sẽ được tạo điều kiện hỗ trợ con giống, thức ăn, vật tư, tập huấn chuyển giao kỹ thuật để phát triển sản xuất quy mô lớn, tạo thành sản phẩm hàng hoá nâng cao giá trị sản phẩm, năng suất, chất lượng, từ đó góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Văn Hùng, Thu Hà, Trần Tuấn Anh