Trong đề xuất dự thảo Luật Bảo đảm Trật tự, An toàn giao thông Đường bộ (BĐ TT ATGT ĐB) trình Chính phủ, một loạt đề xuất của Bộ Công An được đưa ra với mục tiêu nâng cao an toàn của người và phương tiện tham gia giao thông. Trong đó, đáng chú ý là việc đề xuất ôtô có camera lùi, có 2 túi khí trước, xe thô sơ phải có đèn và đăng ký biển số, xe máy và xe môtô phải kiểm tra khí thải trong quá trình sử dụng.
Điều 51 Dự thảo Luật BĐ TT ATGT ĐB giữ nguyên các quy định hiện hành như yêu cầu ôtô phải đúng kiểu loại, bảo đảm các quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường như: hệ thống hãm có hiệu lực, hệ thống lái có hiệu lực, đủ đèn chiếu sáng gần/xa, có vành, lốp đúng kích cỡ và đúng tiêu chuẩn kỹ thuật…
Đề xuất mới của của Bộ Công An là việc xe phải có trang bị túi khí tại vị trí ngồi của người lái xe và vị trí của người ngồi hàng ghế phía trước trong xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi. Và theo lộ trình bắt đầu thực hiện việc có camera quan sát khi lùi xe từ ngày 01/01/2025 (đề xuất này quy định chung cho tất cả các loại xe - PV).
Đối với tiêu chuẩn xe cơ giới lăn bánh tại Việt Nam, hiện mới chỉ có yêu cầu bắt buộc hàng ghế trước phải có dây an toàn, trong khi các trang bị khác, như hệ thống ABS, túi khí, hệ thống kiểm soát ổn định thân xe... hoặc cao cấp hơn là hệ thống hỗ trợ cảnh báo làn đường, hệ thống bảo vệ người đi đường, hệ thống cảnh báo va chạm sớm, hoàn toàn không phải là bắt buộc.
Đây là đề xuất, tuy chưa áp dụng ngay và có thời gian thực hiện còn khá xa, nhưng sẽ gây ra nhiều tranh luận, khi mà camera lùi là một thiết bị có tần suất sử dụng nhiều nhưng không liên tục trong khi hành vi này của người lái xe mang tính chủ động, hoàn toàn phải được học tập và rèn luyện trong quá trình học và thi lấy giấy phép lái xe.
Đó là chưa kể việc yêu cầu có thêm trang bị camera lùi sẽ kéo theo một số nâng cấp khác của ôtô liên quan đến chi phí sở hữu xe (màn hình, thiết kế bảng taplo…), nhất là đối với các dòng xe tải, xe chở khách.
Trong khi đó, Điều 57 quy định về việc kiểm soát khí thải đối với phương tiện tham gia giao thông đề xuất xe môtô và xe gắn máy tham gia giao thông phải được kiểm định về phát khí thải theo quy định và mức quy định khí thải này được Chính phủ quy định cho phép đối với xe cơ giới tham gia giao thông.
Đáng quan tâm, đề xuất của Bộ Công An nhấn mạnh: “Việc kiểm soát khí thải đối với phương tiện tham gia giao thông được thực hiện trong quá trình kiểm định an toàn kỹ thuật phương tiện và trong quá trình phương tiện tham gia giao thông”, chứ không chỉ là việc kiểm tra khí thải khi xe mới xuất xưởng.
Năm 2008, Hà Nội đã từng thử nghiệm đo kiểm tra khí thải xe máy, với thiết bị kiểm tra nồng độ khí thải trong chương trình Không khí sạch Việt Nam - Thuỵ Sĩ (là kết quả hợp tác giữa Bộ Tài nguyên - Môi trường và cơ quan Hợp tác Phát triển của Thuỵ Sĩ), với bộ thiết bị có giá trị khoảng 10.000 USD vào thời điểm đó.
Theo báo cáo tổng kết hàng năm của Bộ Công An; Tổng số ôtô, môtô trên cả nước đang được đăng ký, quản lý là 66.038.464 xe; trong đó có 4.310.215 xe ô tô, 61.728.249 xe môtô.
Trong khi đó, theo số liệu của Cục Đăng kiểm, số ôtô đang lăn bánh tính đến tháng 2/2020 là 3.553.700 xe.
Theo Dân trí
Giảm 50% lệ phí trước bạ có cứu được thị trường ô tô?
Nếu lệ phí trước bạ giảm 50% so với hiện nay, khách mua các mẫu ô tô sản xuất trong nước sẽ tiết kiệm hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng.