Dự kiến từ 1/7/2017, ô tô nhập khẩu sẽ bị siết chặt về chất lượng cùng quy định ngặt nghèo về triệu hồi sản phẩm để đảm bảo an toàn lưu thông và quyền lợi của người tiêu dùng.

Đây là ý kiến được Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Trần Kỳ Hình nêu ra tại Hội thảo đóng góp ý kiến cho dự thảo “thông tư quy định việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu”.

5 phương thức kiểm tra, tạo sự bình đẳng

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, sẽ có 5 phương thức kiểm tra đối với ô tô nhập khẩu:

Phương thức 1: đánh giá quá trình sản xuất và xác nhận kiểu loại.
Phương thức 2: kiểm tra xác suất;
Phương thức 3: kiểm tra từng xe;
Phương thức 4: kiểm tra, thử nghiệm xe mẫu;
Phương thức 5: xác nhận sự phù hợp theo thỏa thuận công nhận lẫn nhau.

{keywords}

Quy định mới nhằm tạo ra sự đối xử bình đẳng giữa xe nhập khẩu và xe sản xuất, lắp ráp trong nước về kiểm tra, chứng nhận chất lượng.

Cụ thể, phương thức 1 dành cho những xe ô tô mới nhập khẩu, đã được sản xuất khoảng 2 năm trước; có kiểu loại được các cơ quan chức năng chứng nhận; có Giấy chứng nhận và Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng của nhà sản xuất. Nếu xuất trình những giấy này, sẽ không phải kiểm tra chất lượng, được thông quan ngay.

Phương thức 2, dành cho những xe mới nhập khẩu, không có giấy tờ trên, nhưng có Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và Bảo vệ môi trường, hay giấy tờ tương đương; những xe có kiểu loại cùng với kiểu loại đã được đăng ký lưu hành tại các nước, có mức khí thải tương đương hoặc cao hơn Việt Nam,... sẽ được kiểm tra xác xuất.

Phương thức 3, dành cho xe cũ nhập khẩu, xe thiết kế không tham gia giao thông, không nhằm mục đích thương mại... sẽ kiểm tra từng chiếc một.

Phương thức 4, dành cho những xe có kiểu loại chưa được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận. Những xe này sẽ phải tiến hành từ khâu thẩm định thiết kế, kiểm tra xe mẫu đến thử nghiệm kiểu loại rồi mới cho phép nhập khẩu.

Phương thức 5, dành cho xe được kiểm tra theo hiệp định hoặc thỏa thuận công nhận lẫn nhau với các nước mà Việt Nam tham gia ký kết.

Theo ông Hình, quy định này nhằm tạo ra sự đối xử bình đẳng giữa xe nhập khẩu và xe sản xuất, lắp ráp trong nước trong việc kiểm tra, thử nghiệm và chứng nhận chất lượng. Nhà nhập khẩu nhờ đó cũng chủ động hơn trong việc kiểm soát trước về chất lượng, xuất xứ và biết rằng kiểu loại xe dự kiến nhập khẩu có thỏa mãn quy định của Việt Nam hay không. Từ đó, chủ động về định hướng phát triển sản phẩm nhập khẩu.

Tất nhiên, khi nhập khẩu ô tô mỗi doanh nghiệp đều có lợi thế khác nhau, nhưng không vì một số giấy tờ nào đó mà ảnh hưởng tới cả thị trường.

"Ở đây, chúng ta không nhìn vào lợi ích nào, mà chỉ nhìn vào góc độ công tâm và cái đích cuối cùng là người tiêu dùng được hưởng lợi”, ông Hình khẳng định.

Nói một cách đơn giản, nếu quy định này vào thực tế thì thực trạng ô to nhập khẩu lộn xộn, bọ rút ruột đổi đồ hay hỏng không có nơi bảo hành, bỏ mặc khách hàng sống chết mặc bay sẽ chấm dứt.

Ngoài ra, Dự thảo thông tư mới cũng quy định rõ trách nhiệm của người nhập khẩu trong việc triệu hồi sản phẩm bị lỗi kỹ thuật của nhà sản xuất, bất kể đó là xe nhập khẩu chính hãng hay không chính hãng. Khi đó, sẽ ngừng nhập khẩu hoàn toàn với nhãn hiệu bị triệu hồi cho tất cả các lô hàng tiếp theo.

Còn làm thế nào để triệu hồi, ủy quyền cho cơ sở nào, cung cấp thiết bị, linh kiện, hỗ trợ kỹ thuật ra sao là việc của nhà sản xuất - ông Tô An, Trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho biết.

{keywords}

Muốn nhập khẩu ô tô phải biết mình sẽ nhập theo phương thức nào.

Không dễ dàng cho các DN

Tuy nhiên, để đáp ứng được quy định trên cũng không hề dễ dàng, nhất là với các DN nhỏ. Muốn nhập khẩu ô tô phải biết mình sẽ nhập theo phương thức nào.

Với phương thức 1, để có Giấy chứng nhận và Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng của nhà sản xuất, chỉ DN nhập khẩu chính hãng mới có thể có.

Phương thức 4 cũng rất khó khăn bởi phải bắt đầu từ khâu thẩm định thiết kế, đến ra xe mẫu,... vừa mất thời gian, vừa rất tốn kém.

Các DN chỉ có thể nhập theo phương thức 2, với những kiểu xe có cùng kiểu loại đã được đăng ký lưu hành tại các nước, có mức khí thải bằng và cao hơn Việt Nam,... nhưng cũng phải "rành" về nghiệp vụ mới thực hiện được. Ngoài ra, còn phải xây dựng mối liên kết với nhà cung cấp, sản xuất để ứng phó với việc triệu hồi sản phẩm. Đặc biệt là trong phân khúc xe khách, xe tải, nhiều DN nhỏ sẽ gặp khó khăn.

DN nhập khẩu chính hãng cũng lo sốt vó nếu xảy ra chuyện nhà sản xuất triệu hồi sản phẩm lỗi. Nếu không triệu hồi được xe nhập không chính hãng thì nguy cơ bị tạm ngừng nhập khẩu cũng khó tránh khỏi.

Vì thế mà DN nhập khẩu chính hãng từng cho rằng, cần yêu cầu tất cả DN nhập ô tô phải có bản cam kết từ nhà sản xuất về việc triệu hồi sản phẩm trong hồ sơ nhập khẩu. Tuy nhiên, ngay lập tức, đại diện Cục Đăng kiểm đã bác bỏ đề xuất này, cho rằng đó không phải là tiêu chuẩn kỹ thuật mà là điều kiện kinh doanh.

Theo ông Hình, Dự thảo Thông tư mới sẽ trình Bộ GTVT xem xét phê duyệt và dự kiến thực hiện từ 1/7/2017. Nó không liên quan gì đến việc thay thế Thông tư 20 của Bộ Công Thương bởi Cục Đăng kiểm chỉ có trách nhiệm quản lý chất lượng xe, không kiểm soát hay hạn chế số lượng xe nhập khẩu vào.

Trần Thủy