- "Gần như tất cả các vụ TNGT đường sắt liên quan đến ô tô lâu nay không đòi được tiền bồi thường thiệt hại" - GĐ Trung tâm ứng phó cứu hộ Đường sắt VN cho biết.
Như VietNamNet đã đưa, trong 3 ngày từ 15 - 17/5, trên cả nước đã liên tiếp xảy ra 3 vụ ô tô đâm tàu hỏa tại Bình Thuận, Thái Nguyên và Đồng Nai.
Các vụ tan nạn này không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế của ngành đường sắt mà còn gây thiệt hại về người khi đã có tài xế xe tải ở Bình Thuận bị thiệt mạng, các tài xế khác bị thương.
Hiện trường một trong những vụ tai nạn giao thông đường sắt vừa qua. |
Ông Nguyễn Trọng Thái – Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, liên tiếp xảy ra 3 vụ xe tải đâm tàu hỏa trong mấy ngày qua, nguyên nhân trực tiếp do lái xe ô tô vi phạm các quy định về trật tự ATGT đường bộ. Cụ thể, khi vượt qua đường sắt, tài xế đã không chú ý tín hiệu có tàu đi qua.
Ngoài nguyên nhân trực tiếp nói trên, ông Thái cũng cho rằng để xảy ra các vụ tai nạn vừa qua còn do bất cập về hạ tầng giao thông đường sắt, khi có quá nhiều đường ngang, kể cả đường ngang hợp pháp và đường ngang bất hợp pháp.
Thậm chí, cả đường ngang có cảnh báo nhưng vẫn chưa thực sự đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.
Tuy nhiên, lý giải về việc này, ông Bùi Văn Tựu - Giám đốc trung tâm ứng phó cứu hộ Đường sắt Việt Nam cho biết, trong 3 vụ TNGT đường sắt vừa qua, ngành đường sắt đã làm đúng.
Tại vị trí có đèn tín hiệu, đèn vẫn hoạt động bình thường, còn điểm không có đèn tín hiệu đã có biển báo để lái xe biết và chấp hành khi qua đường ngang giao với đường sắt.
“Thực tế 3 vụ TNGT ô tô đâm vào tàu hỏa vừa qua lỗi là do lái xe ô tô. Lái xe lơ là, không chú ý tín hiệu cảnh báo khi có tàu đi qua đường ngang nên đã dẫn đến tai nạn đáng tiếc”, ông Tựu nói.
Theo ông Tựu, hiện Tổng công ty Đường sắt VN đã có văn bản báo cáo với Bộ GTVT về việc liên tiếp xảy ra các vụ TNGT mà xe ô tô đâm vào tàu hỏa.
“Bây giờ phải có sự phối hợp đồng bộ giữa đường sắt và đường bộ để đảm bảo an toàn giao thông tại các đường ngang dân sinh, còn nếu để mình ngành đường sắt thì không làm nổi. Đặc biệt, Bộ Công an cần phải tăng cường kiểm soát các lái xe chạy trên đường bộ, cần chấp hành đúng các quy định khi đi qua đường sắt”, ông Tựu nói.
Ông Tựu cũng thành thật cho biết, mỗi vụ TNGT đường sắt như vừa qua đã ảnh hưởng rất lớn đến ngành đường sắt.
Một số lái tàu thiệt mạng và bị thương nặng đã làm ảnh hưởng đến tư tưởng lực lượng lái tàu. Còn thiệt hại về tài sản thì rất lớn, vì gần như tất cả các vụ TNGT đường sắt liên quan đến ô tô lâu nay không đòi được tiền bồi thường thiệt hại.
Theo ông Tựu, đó là chưa nói đến việc hàng trăm chuyến tàu phải thay đổi kế hoạch chạy, thậm chí có những chuyến sau khi xảy ra tai nạn, ngành đường sắt lại phải tổ chức chuyển tải rất tốn kém.
Vũ Điệp