LTS: Nguyên phó Thủ tướng Vũ Khoan đã từ trần vào hồi 7 giờ 5 phút, ngày 21/6/2023 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Trong sự nghiệp ngoại giao của mình, ông đã có những đóng góp đặc biệt trong việc mở cửa và hội nhập với thế giới bên ngoài. Tuần Việt Nam ghi lại một số nét chấm phá trong hoạt động xã hội của ông sau khi về hưu, đặc biệt là với giới sinh viên và thế hệ trẻ.
Một lần, ông Vũ Khoan đến nói chuyện ở Công viên Phần mềm Quang Trung trước 3.000 thính giả là các sinh viên và các nhà lập trình thuộc đủ mọi lứa tuổi. Cuộc nói chuyện hấp dẫn đến mức, những người trẻ tuổi còn vây quanh ông mãi để đặt tiếp câu hỏi mà không rời đi.
Kể từ khi rời ghế phó Thủ tướng để về hưu năm 2007, ông vẫn thường ưu tiên các cuộc nói chuyện, trao đổi với thế hệ trẻ về rất nhiều chủ đề phát triển của đất nước từ hội nhập, quản trị vĩ mô đến đời sống, học hành, ước mơ của sinh viên. Những chủ đề dù to tát vĩ mô, hay dân sinh giản dị của ông luôn lôi cuốn hàng ngàn bạn trẻ tham gia.
Ông là nhà lãnh đạo rất hiếm hoi thường có các cuộc nói chuyện, trao đổi với những người trẻ sinh ra sau Đổi mới. Trong một cuộc giao lưu với sinh viên năm 2009, ông nói rằng để chủ động vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới bắt đầu từ năm 2008, Việt Nam cần quan tâm hơn đến chất lượng hơn là tốc độ tăng trưởng.
Bên cạnh đó, đất nước cần phát huy sức mạnh nội lực, khơi dậy năng lực tiềm tàng trong mỗi cá nhân, nhất là sinh viên, để giảm bớt phụ thuộc vào bên ngoài. Không ít lần, ông muốn làm rõ mối quan hệ giữa thị trường và nhà nước, vấn đề vẫn còn chưa được thông suốt lúc ông đương chức và đến tận bây giờ.
“Đây là lúc nên nghĩ lại, thay đổi nhiều chính sách kinh tế chứ không chỉ đơn giản là tìm cách che chắn những tác động của khủng hoảng”, ông nói. Những nền tảng đó và nhiều hơn nữa đã dẫn đến hệ quả là năm 2007 để CPI bùng lên, đến năm 2009 vọt lên 18% là bài học “không ngọt ngào gì”, ông nói với Tuần Việt Nam.
Ông Nguyễn Cảnh Bình, người sáng lập Chương trình Đào tạo Lãnh đạo Trẻ ABG (Young Leaders Program) từng mời ông Khoan về nói chuyện cho các học viên ABG. Những chủ đề ông nói với các học viên trẻ tuổi đều rất thời sự, cập nhật, ngôn ngữ của ông rất giản dị, tinh tế nhưng nội dung rất sâu sắc, bao quát. “Trong những câu chuyện của ông với sinh viên luôn ẩn chứa nhiều điều day dứt nào đó về sự phát triển của đất nước”, ông Bình nhớ lại.
Bà Bùi Kim Thùy, một học viên của Harvard, nhớ lại, nhà trường danh giá đó chưa có nghiên cứu nào về các nhân vật ở Việt Nam, mà bà nghĩ cần phải bổ sung vào tài liệu của trường. Với sự giúp đỡ của nhiều người, bà lên kế hoạch phỏng vấn một số người nổi bật ở Việt Nam, trong đó có nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan. Ông vẫn trả lời ngay những email của ekip phỏng vấn.
Bà Thùy nhớ lại, toàn bộ bài phỏng vấn không thừa, không thiếu một chữ nào; nội dung rõ ràng, chân thành và quý giá. Thùy còn nhớ, khi được hỏi về vị trí địa chính trị của Việt Nam, ông nói đầy khôn khéo mà cũng can trường: “Sau 1.000 năm bị đô hộ, nhưng chúng tôi vẫn là Việt Nam. Như Canada hay Mexico sinh ra đã ở cạnh nước Mỹ, không ai chọn được nơi mình sinh ra. Nhưng 1.000 năm nữa chúng tôi vẫn ở đây, trên dải đất này, và chúng tôi vẫn là Việt Nam”.
Ở tuổi ngoài 80, ông Vũ Khoan vẫn là một trong các diễn giả "hot" được mời nói chuyện, tham gia hội thảo, phát biểu rất nhiều. Có cảm tưởng ông Vũ Khoan không và chưa bao giờ "về hưu", luôn coi mỗi buổi sáng khi thức dậy là những ngày cuối cùng của đời mình, nên vẫn say sưa làm việc, phố biến và truyền kiến thức cho xã hội, cho thế hệ trẻ.
Ông Vũ Khoan là người rất chăm chỉ viết. Một người gần gũi với ông kể, có lần ông bị mất chiếc máy vi tính ở nhà riêng và tỏ ra rất lo lắng vì có nhiều ghi chép, tư liệu trong đó. Rất may là chỉ hơn một ngày sau, người ta đã tìm lại được chiếc máy cho ông.
Chuyên gia Hoàng Anh Tuấn cho rằng, ông Vũ Khoan là một trong những cây đại thụ và người có khả năng truyền cảm hứng nhiều nhất cho các thế hệ ngoại giao trẻ Việt Nam trong khoảng 2 thập kỷ gần đây.
Ông có tinh thần làm việc không ngừng nghỉ, tự học, tự nghiên cứu tìm tòi, tự rút ra các kết luận, đánh giá của riêng mình cho đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời. Bên cạnh đó, ông Vũ Khoan có tư duy nghiên cứu độc lập, logic, chặt chẽ và có tính thuyết phục cao. Tư duy này có được là nhờ đọc rất nhiều, đọc có phương pháp, đọc để rút ra những chiêm nghiệm, xây dựng lập luận riêng rồi tự phản biện lại chính mình để làm cho bài viết, bài nói của mình ngày một chất lượng và có tính thuyết phục cao hơn.
Gọi “thủ trưởng” cũ của mình là “nhà nghiên cứu”, ông Tuấn cho rằng, ông Vũ Khoan có khí chất dũng cảm vì ông luôn kiên trì bảo vệ, bảo lưu ý kiến của mình và sẵn sàng tranh luận tới cùng. Đây là phẩm chất hết sức cần thiết đối với một nhà nghiên cứu nói chung và nghiên cứu quốc tế nói riêng khi tin rằng đó là cách thức tốt nhất để bảo vệ lợi ích của đất nước, của chế độ và của ngành.
Ông có khả năng tổng hợp, hệ thống hóa vấn đề cao vì ông luôn nhìn thế giới trong một chỉnh thế, có các mặt mâu thuẫn, thống nhất (đấu tranh, hợp tác), từ đó xâu chuỗi, giải thích các sự kiện tưởng chừng xảy ra đơn lẻ, rời rạc không liên quan đến nhau thành những cấu phần của một bức tranh chung. Từ đó người đọc, người nghe có thể dễ hình dung xem vấn đề mình theo dõi đang nằm ở đâu, phát triển đến giai đoạn nào để có các đánh giá, dự báo chính xác hơn.
Ông có khả năng diễn giải, đơn giản hóa các vấn đề phức tạp trong cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, của các cuộc xung đột khu vực bằng ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu, dễ nghe và dễ chấp nhận đối với mọi người.
Đặc biệt là ông có khả năng thuyết phục, gây ấn tượng đối với người nghe. Ông Tuấn đánh giá, khi đọc và nghe nhiều từ nhà nghiên cứu Vũ Khoan có thể thấy ông thường "cao hơn" những người phát biểu cùng chủ đề với mình vài bậc bởi ông có khá năng tổng hợp tốt hơn; cấp độ phân tích sâu sắc, đa chiều và toàn diện hơn; góc nhìn mới và cũng "gai góc", "khó nghe" hơn; các đề xuất, giải pháp cũng có tính khả thi hơn. Do đó, khi nghe ông Vũ Khoan nói luôn thấy có sự khác biệt và đọng lại trong đầu chứ không trôi tuột đi như các phát biểu khác.
Một người quen lâu năm của ông kể, cách đây vài tháng, khi đến thăm ông, ông vẫn còn rất trăn trở về những vấn đề đối nội, đối ngoại của đất nước, đến những cơ hội đã qua không nắm bắt được, và đặc biệt là những diễn biến gần đây ở Bộ Ngoại giao, nơi ông gắn bó phần lớn cuộc đời làm việc. “Ông bày tỏ những suy tư, trăn trở mãi không thôi”, ông kể.
Khi tin về nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan mất được phát đi, nhiều tờ báo đưa tin, nhiều bài viết về ông, nhiều bức ảnh của ông được đồng loạt đưa lên mạng xã hội trong mấy ngày gần đây. Đó là cách mà người dân bày tỏ niềm thương tiếc trước sự ra đi của ông Vũ Khoan, nhà nghiên cứu Vũ Khoan một cách chân thành, yêu mến nhất.
Tư Giang