Xu hướng sẽ là Mobile Banking
Hiện Việt Nam có khoảng 148,5 triệu thuê bao điện thoại trong đó thuê bao di động chiếm tới 93.3%, tương đương 138,5 triệu thuê bao. Số thuê bao 3G là hơn 20 triệu thuê bao và Việt Nam hiện nằm trong top 10 các quốc gia trên toàn cầu tiêu thụ smartphone và đúng thứ ba vùng Nam Á về tỷ lệ người mới sắm smartphone. Các số liệu về tăng trưởng thuê bao 3G và smartphone cho thấy xu hướng phát triển các dịch vụ trên thiết bị di động là rất rõ ràng trong đó có dịch vụ Mobile Banking.
Thế nhưng, dịch vụ Mobile Banking đang cung cấp trên thị trường Việt Nam thường được coi là phiên bản thu nhỏ, rút gọn của Internet Banking. Bất tiện lớn nhất của dịch vụ Mobile Banking là các tính năng dịch vụ thường hết sức đơn giản và hầu như chỉ có các dịch vụ cơ bản nhất như chuyển tiền, nạp tiền điện thoại, truy vấn số dư. Có muốn xem chi tiết giao dịch thì cũng chỉ xem lại khoảng 5 đến 10 giao dịch gần nhất. Thêm vào đó, khách hàng cũng tự phải quen với việc nhớ xem tính năng nào chỉ có trên Internet Banking còn Mobile Banking thì không và dễ dàng chấp nhận sự bất tiện đó khi đó là cái chung mà thị trường đang có.
Các chuyên gia cho rằng, sự thuận tiện trong giao dịch dường như cũng ít được chú trọng vì nó được đổ lỗi cho việc giao diện Mobile Banking quá nhỏ để hiển thị được các thông tin ở dạng đầy đủ hoặc nâng cao. Việc đưa 1 sản phẩm lên Internet Banking bao giờ cũng dễ dàng hơn vì giao diện lớn, dễ bố trí và hiển thị và điều đó không được nghiên cứu sâu và kỹ để làm trên Mobile Banking.
Bà Nguyễn Tú Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ thẻ Smartlink cho rằng: “Việc phát triển dịch vụ Mobile Banking ở các ngân hàng phần lớn vẫn nằm trong giai đoạn sơ khởi, các ngân hàng vẫn đang lựa chọn hướng đi để phát triển dịch vụ tốt nhất. Chỉ một số ít ngân hàng có sự đồng bộ giữa Mobile Banking và Internet Banking để có thể cung cấp được nhiều dịch vụ và sự thuận tiện cho khách hàng”.
Bà Nguyễn Tú Anh còn cho biết, các số liệu thống kê cũng cho thấy dịch vụ mobile banking tuy phát triển sau nhưng có tốc độ tăng trưởng rất đáng ghi nhận. Tỷ lệ khách hàng sử dụng dịch vụ sau khi đăng ký trên Mobile Banking cao hơn trên Internet banking. Tỷ lệ khách hàng có giao dịch của dịch vụ Mobile Banking trên 50%, cao gần gấp 2 lần Internet Banking. Với 20% dân số Việt Nam hiện đang sử dụng smartphone, Mobile Banking sẽ trở thành kênh giao dịch ngân hàng điện tử tất yếu trong thời gian tới.
Bình luận về vấn đề này, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa) cho biết: “Cá nhân tôi, đứng trên cương vị là người làm công nghệ, tin tưởng rằng tương lai ngân hàng sẽ ở trên điện thoại di động. Công nghệ đang thay đổi mạnh mẽ, có tính chất đột phá, ngành Ngân hàng nói chung và việc ứng dụng vào Internet Banking hay Mobile Banking mới chỉ là bước đầu, còn có rất nhiều việc cần phải làm để thực sự các ngân hàng gần gũi với dân chúng, phục vụ quần chúng tốt nhất”.
Ngân hàng nào đang dẫn đầu dịch vụ Mobile Banking?
Trước xu hướng Mobile Banking sẽ lên ngôi, nhiều ngân hàng thương mại đã đầu tư phát triển mảng dịch vụ này. Một câu hỏi đặt ra ở thời điểm này, trong rất nhiều ngân hàng thương mại thì những ngân hàng nào đang dẫn đầu về mảng dịch vụ Mobile Banking?
Mới đây, lễ trao giải Ngân hàng điện tử được yêu thích tại Việt Nam –MyEbank 2014 do báo điện tử VnExpress tổ chức với sự bảo trợ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Smartlink đã diễn ra tại Hà Nội. Đây là lần đầu tiên, Việt Nam có một giải thưởng uy tín, tôn vinh các ngân hàng trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã nhận 3 giải thưởng thứ hạng cao nhất của cuộc thi: Giải Top 5 Mobile Banking, Top 5 Internet Banking, đặc biệt tại kết quả chung cuộc, vượt qua rất nhiều ngân hàng lớn, TPBank đã xuất sắc đạt vị trí số 2 trong số 29 ngân hàng tham gia giải Ngân hàng điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam.
Vượt qua rất nhiều ngân hàng gạo cội, TPBank - môt ngân hàng trẻ đã trở thành ngân hàng có số điểm cao nhất và giữ vị trí số 1 về Mobile Banking. Sở dĩ , TPBank lại giành được ví trí quán quân, vì ngân hàng này đã tạo ấn tượng mạnh cho hội đồng giám khảo khi nhất thể hóa cả InternetBanking và Mobile Banking trong 1 ứng dụng. Việc đồng bộ giữa Mobile Banking và Internet Banking trong một đã giúp mang lại nhiều dịch vụ và sự thuận tiện cho khách hàng. Bên cạnh đó, các tính năng cơ bản của dịch vụ ngân hàng như chuyển khoản, truy vấn số dư, nạp tiền điện thoại, thanh toán cước phí, gửi tiết kiệm trực tuyến… được cung cấp đồng bộ qua Internet Banking và Mobile Banking, TPbank còn tiên phong đi đầu cung cấp thêm nhiều tính năng tiện ích cao hơn như: tiết kiệm online, hỗ trợ webchat trực tuyến, hộp thư thoại để khách hàng được tương tác trực tiếp với ngân hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng.
Thoát ra khỏi format cũ kỹ mà hầu hết các phiên bản Mobile Banking tại Việt Nam đang áp dụng, TPBank Mobile Banking hoàn toàn lột xác với cách tiếp cận khách hàng hiện đại, theo phong cách quốc tế, mang lại trải nghiệm khách hàng vừa mới mẻ nhưng vẫn thân thuộc như cách mà khách hàng vẫn đang sử dụng smartphone để lướt mạng hàng ngày. Thoát ra khỏi cách người ta vẫn nghĩ về Mobile Banking chỉ là một phiên bản đơn giản, TPBank đã tập trung nguồn lực để ứng dụng HTML5, thứ ngôn ngữ siêu văn bản giúp đồng bộ hóa các chức năng trên Internet Banking vào Mobile Banking để quyết tâm trở thành Ngân hàng có dịch vụ Mobile Banking đồng nhất với Internet Banking trên cả bản Wap và Application
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank chia sẻ: “TPBank luôn định hướng phát triển ngân hàng điện tử ngay từ đầu và chúng tôi tự hào là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ mới, triển khai thành công giải pháp Ngân hàng điện tử nhất thể hóa Mobile Banking và Internet Banking. Những cải tiến này đã mang lại cho khách hàng nhiều tiện ích phong phú, tiết kiệm nguồn lực xã hội cũng như cho bản thân ngân hàng”