Sau 15 năm, chương trình Sao Khuê đã phát triển cả lượng và chất
Trong phát biểu tại lễ kỷ niệm 15 năm Danh hiệu Sao Khuê và Công bố, trao danh hiệu Sao Khuê 2018 được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức sáng ngày 21/4, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng nhận định, trong nhiều năm qua, CNTT đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, ưu tiên phát triển. CNTT cũng được xác định là nền tảng hữu hiệu tạo lập phương thức phát triển mới, là động lực quan trọng phát triển nền kinh tế tri thức, xã hội thông tin. Cùng với đó là sự quyết tâm và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp để xây dựng CNTT trở thành một ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.
“Bộ TT&TT đánh giá cao vai trò và đóng góp của VINASA và cộng đồng doanh nghiệp CNTT cả nước cho sự phát triển của ngành CNTT trong thời gian vừa qua. Qua 15 năm tổ chức, Sao Khuê đã có bước phát triển cả về lượng và chất, thu hút sự tham gia ngày càng đông đảo của cộng đồng doanh nghiệp CNTT cả nước. Sản phẩm, dịch vụ CNTT ngày càng đa dạng, phong phú, bắt kịp sự phát triển chung của thế giới”, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng nhấn mạnh.
Theo đại diện VINASA, chương trình Sao Khuê được Hiệp hội khởi xướng tổ chức lần đầu tiên năm 2003, khi VINASA vừa tròn 1 năm tuổi, với sứ mệnh tôn vinh, thúc đẩy ngành công nghiệp phần mềm cũng như CNTT của Việt Nam phát triển trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đóng vai trò là một động lực quan trọng của sự phát triển theo tinh thần Chỉ thị 58 năm 2000 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá”.
Thời điểm năm 2003, ngành CNTT Việt Nam còn rất non trẻ, doanh thu chỉ xấp xỉ 62 triệu USD với khoảng 5.000 kỹ sư; đến nay sau 15 năm, ngành phần mềm và dịch vụ CNTT đã liên tục phát triển với tốc độ rất nhanh với doanh thu đạt trên 8,8 tỷ USD và có đội ngũ kỹ sư hơn 200.000 người. Tăng trưởng doanh thu đã gấp hơn 1.000 lần, doanh thu xuất khẩu phần mềm và dịch vụ năm 2016 đạt 3,052 tỉ USD.
Cùng với đó, Việt Nam từ chỗ không có tên trên bản đồ CNTT thế giới, đã vươn lên đứng vị trí thứ 8 trong danh sách các quốc gia hấp dẫn nhất về gia công uỷ thác phần mềm và dịch vụ CNTT khu vực châu Á-Thái Bình Dương; đứng vị trí số một trong các điểm đến hấp dẫn nhất về dịch vụ thuê ngoài CNTT BPO. Hà Nội và TP.HCM đứng trong nhóm 10 thành phố năng động nhất thế giới.
“Sự phát triển của ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam với thành công của các ngôi Sao Khuê không những đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng GDP, mà quan trọng hơn còn tạo sự tác động lan tỏa ứng dụng CNTT thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển tất cả các ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. CNTT giờ đây đã được nâng lên tầm cao mới, đóng vai trò là hạ tầng của hạ tầng, là công cụ tạo lập phương thức phát triển mới, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”, đại diện VINASA khẳng định.
Việt Nam có thể nhanh chóng bắt kịp làn sóng của cách mạng 4.0
Đáng chú ý, đề cập đến vai trò, tiềm năng của CNTT đối với sự phát triển kinh tế Việt Nam thời gian tới, cũng sự kiện kỷ niệm 15 năm Danh hiệu Sao Khuê diễn ra ngày 21/4/2018, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA chia sẻ, thời gian gần đây Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Văn phòng Chính phủ chủ trì tổ chức đoàn đi khảo sát, nghiên cứu 3 nước có những thành tựu rất tốt trong lĩnh vực Chính phủ số là Malaysia, Estonia và Pháp.
Là thành viên tham gia đoàn khảo sát đến Pháp, ông Bình bày tỏ: “Có thể nói, Pháp - môt quốc gia hàng đầu về kinh tế số, Chính phủ số đã tạo cho chúng tôi một niềm hứng khởi chưa từng có, một nguồn cảm hứng vô tận, bởi vì dường như chúng ta đã biết mình cần làm gì, làm như thế nào và giờ đây chỉ cần 1 điều nữa, đó là một khát vọng Việt Nam to lớn thì Việt Nam có thể nhanh chóng bắt kịp làn sóng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và có thể có một vị trí rất xứng đáng trên toàn thế giới”.
Lấy thêm dẫn chứng với bài học thành công của quốc gia Bắc Âu Estonia, ông Bình cho hay, tại Estonia - một nước từ mức thu nhập trung bình, chỉ trong vòng 18 năm đã vào danh sách các quốc gia tiên tiến trên thế giới và họ chọn phát triển bằng con đường CNTT. “Ngân sách Estonia chi cho CNTT trong những năm đầu là 1%, đến nay là 1,4% ngân sách; nhưng hiệu quả đã tiết kiệm được 800 năm thời gian lao động và tiết kiệm được 2% GDP. Nói cách khác nếu ứng dụng ở Việt Nam, thì 1 đồng bỏ ra cho CNTT, chúng ta có thể thu được 35 đồng. Và nếu Việt Nam thực sự triển khai những chương trình như vậy với khát vọng Việt, vì người dân và doanh nghiệp Việt thì chúng ta sẽ đạt được hiệu quả “bỏ 1 đồng ra, thu được 35 đồng”. Điều chúng ta cần nhất hiện nay chính là khát vọng Việt”, ông Bình phân tích.
- Vị Chủ tịch VINASA cũng chia sẻ thêm: “Nếu việc này có thể bắt đầu thực hiện ngay từ năm nay, đây sẽ là cơ hội rất lớn cho toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp CNTT Việt Nam có thể tham gia, góp phần vào xây dựng một Chính phủ hành động, một Chính phủ kiến tạo, một Chính phủ liên khiết, vì dân và vì doanh nghiệp”.
Trở lại với hoạt động của VINASA, ông Trương Gia Bình khẳng định, trong suốt 16 năm qua và 15 năm tổ chức chương trình Danh hiệu Sao Khuê, Hiệp hội đã nỗ lực quên mình vì một mục đích cao cả. Chúc mừng 73 Danh hiệu Sao Khuê được trao năm nay, ông Bình cũng lưu ý, năm 2018 cũng là năm chương trình Sao Khuê đưa thêm hạng mục mới về ứng dụng các công nghệ mới trong xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như: Trí tuệ nhân tạo, Dữ liệu lớn…
“Ở Pháp, đoàn Việt Nam đã được Đại sứ nước ta tại Pháp cho biết Tổng thống Macron vừa tập hợp nhóm chuyên gia hàng đầu nước Pháp về trí tuệ nhân tạo và lập tức Tổng thống quyết định nâng gấp đôi lương cho tất cả các cán bộ liên quan đến ngành này. Đây là hành động hết sức quyết liệt, mạnh mẽ của Chính phủ Pháp. Tôi nghĩ rằng, trí tuệ nhân tạo sẽ là trung tâm của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và Việt Nam chúng ta đang có cơ hội, chúng ta hãy dồn sức để phát triển trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam”, ông Bình nhấn mạnh.
Một nội dung nữa cũng được ông Bình chia sẻ trong phát biểu tại lễ kỷ niệm 15 năm Danh hiệu Sao Khuê, đó là chương trình danh hiệu Sao Khuê do VINASA tổ chức hiện đã liên kết được với giải thưởng APICTA-giải thưởng quốc tế uy tín nhất về CNTT trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. “Đến nay, đã có 3 Sao Khuê tham gia tranh tài và được công nhận sự xuất sắc tại đấu trường quốc tế hấp dẫn nhưng đầy khó khăn này”, ông Bình cho hay.