Tính tới thời điểm hiện tại, thương chiến Mỹ - Trung đã trải qua 4 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên bắt đầu hồi tháng 3/2018, khi Tổng thống Trump công bố áp thuế nhập khẩu đợt đầu tiên đối với hàng hóa Trung Quốc.
Giai đoạn 2 ghi dấu bằng động thái "cài đặt lại" tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires, Argentina hồi tháng 12 năm ngoái, khi ông Trump và ông Tập thông báo ngưng đánh thuế các mặt hàng hóa của nhau trong vòng 90 ngày để thúc đẩy đàm phán song phương. Song, việc "đình chiến thương mại" đó đã đổ vỡ hồi đầu tháng 5 năm nay khi hai bên đều tố phía bên kia đã yêu sách các thay đổi quan trọng đối với dự thảo thỏa thuận vào phút chót.
Giai đoạn 3 có thể được mô tả là "mùa hè của những bất đồng". Mỹ áp đợt tăng thuế mới đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trong khi Bắc Kinh trả đũa bằng động thái tương tự, đồng thời "ăn miếng, trả miếng" việc Washington đưa Huawei và 5 công ty công nghệ khác của Trung Quốc vào "danh sách đen" cấm vận bằng cách lập ra "danh sách các thực thể không đánh tin cậy" đe dọa loại trừ các doanh nghiệp Mỹ.
Với những diễn biến trên, tại sao vẫn có người kỳ vọng vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung tiếp theo sẽ thành công? Viết trên trang Project Syndicate, cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd nêu rõ có nhiều căn cứ cho khả năng này.
Trước hết, cả nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc đều đang lâm vào rắc rối. Ở Mỹ, các số liệu sản xuất và việc làm thấp ở khu vực tư nhân gần đây càng củng cố sự bi quan về các triển vọng của nền kinh tế. Nếu tình cảnh tiếp tục xấu đi, những nỗ lực tái cử chức tổng thống vào tháng 11/2020 của ông Trump chắc chắn sẽ bị đe dọa.
Tương tự, Chủ tịch Tập có thể gặp bất lợi nếu Trung Quốc phải hứng chịu bất kỳ sự giảm tốc nghiêm trọng nào về tăng trưởng trước thềm lễ kỷ niệm 100 năm thành lập của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2021, sự kiện được đánh giá là khúc dạo đầu cho nỗ lực tái cử nhiệm kỳ ba từ năm 2022 của ông.
Cả Washington và Bắc Kinh đều công khai quan điểm rằng, thương chiến đang gây tổn hại nhiều hơn cho phía bên kia. Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là, cuộc đối đầu thương mại dai dẳng đã làm cả Mỹ và Trung Quốc tổn thất không nhỏ do nó gây bất ổn các thị trường, phá hủy niềm tin kinh doanh và ngáng trở đà tăng trưởng.
Cả Washington và Bắc Kinh cùng tuyên bố có khả năng phục hồi kinh tế cần thiết để vượt qua một cuộc xung đột kéo dài. Về khía cạnh này, không rõ ai có lý lẽ mạnh mẽ hơn. So với Trung Quốc, Mỹ chắc chắn ít phụ thuộc vào thương mại hơn. Song, dù có dấu hiệu suy yếu vì việc ban hành một số quyết sách yếu kém trong nước trước chiến tranh thương mại với Mỹ, Trung Quốc vẫn nắm trong tay các công cụ tài chính, tiền tệ và tín dụng mạnh hơn.
Trong mọi trường hợp, cả hai bên đều nhận ra rằng, họ đang chĩa khẩu súng kinh tế vào đầu bên kia. Do đó, bất chấp các khác biệt về chính trị, cả ông Trump và ông Tập rốt cuộc được tin đều muốn đạt thỏa thuận. Hơn thế nữa, họ cần thỏa thuận đó vào cuối năm nay để ngăn chặn thiệt hại hơn nữa từ việc tăng hàng rào thuế quan dự kiến có hiệu lực từ ngày 15/12. Thời gian biểu này đòi hỏi chính quyền hai bên phải bắt đầu thực hiện các bước tượng trưng và thực chất ngay lập tức.
Theo cựu Thủ tướng Australia, để đạt được mục tiêu trên, bước đầu tiên, Trung Quốc nên đề xuất một thỏa thuận sử dụng cùng câu chữ như dự thảo 150 trang trước đó, nhưng kèm các sửa đổi để thỏa mãn 3 "lằn ranh đỏ" đối với họ. Cụ thể, Bắc Kinh cần loại bỏ các điều khoản của Mỹ về việc duy trì áp thuế sau khi thỏa thuận được ký kết, và việc đơn phương tái áp đặt hàng rào thuế quan nếu Washington kết luận Trung Quốc không tôn trọng thỏa thuận. Bắc Kinh cũng nên bổ sung cam kết rằng, phía Trung Quốc sẽ thực thi thỏa thuận theo cách "phù hợp với các quy trình lập hiến, lập pháp và hành pháp của mình".
Thứ hai, Trung Quốc nên cải thiện đề xuất ban đầu về việc giảm 200 tỷ USD thâm hụt thương mại song phương với Mỹ theo thời gian. Điểm đàm phán này đặc biệt quan trọng đối với ông Trump cả về khía cạnh cá nhân và chính trị.
Thứ ba, dù Bắc Kinh muốn tránh việc cấm hoạt động trợ cấp của nhà nước cho các ngành công nghiệp và doanh nghiệp Trung Quốc nhưng họ cần phải giữ lại các điều khoản hiện có trong dự thảo thỏa thuận liên quan đến việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và cấm cưỡng ép chuyển giao công nghệ.
Hơn nữa, có thể cả Mỹ và Trung Quốc sẽ công bố quan điểm riêng về chính sách công nghiệp quốc gia trong thông cáo chính thức kèm theo việc ký kết thỏa thuận. Một tuyên bố như vậy thậm chí có thể nêu chi tiết các cơ chế trọng tài trong nước và quốc tế sẽ được sử dụng để thực thi tất cả các luật liên quan về cạnh tranh trung lập.
Thứ tư, cả hai bên cần tạo ra một bầu không khí chính trị tích cực hơn. Trong những tuần gần đây đã có những dấu hiệu cho thấy triển vọng này, bao gồm cả những báo cáo Trung Quốc đã nối lại việc mua đậu tương Mỹ vào tháng 9. Mặc dù việc mua hàng vẫn còn dưới mức lịch sử nhưng sự gia tăng này sẽ giúp ông Trump xoa dịu sự phẫn nộ của các nông dân Mỹ. Đáp lại, Mỹ đã hoãn tăng thuế nhập khẩu thêm 5% với hàng hóa Trung Quốc, vốn đáng lẽ có hiệu lực từ ngày 1/10 theo kế hoạch ban đầu. Washington cũng có thể miễn trừ cho một số công ty Mỹ bán các mặt hàng không nhạy cảm cho Huawei.
Thứ năm, cả hai bên nên coi Hội nghị thượng đỉnh hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương vào tháng 11 sắp tới tại Santiago, Chile là cơ hội cuối cùng để ký kết một thỏa thuận.
Tiếp sau các cuộc đàm phán cấp cao giữa Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer trong tháng này, các vấn đề nổi cộm cần đi đến thống nhất tại Bắc Kinh vào đầu tháng 11.
Hoàn thành thỏa thuận trước Lễ Tạ ơn sẽ rất quan trọng cho việc củng cố niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ trong mùa Giáng sinh.
Ông Rudd là một trong số ít các nhà bình luận từng quả quyết cả năm nay rằng, bất chấp các náo loạn trên chính trường, những lợi ích cơ bản của Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập làm cho việc hai bên đạt thỏa thuận khả thi hơn. Song, với việc Hạ viện Mỹ mở cuộc điều tra luận tội lãnh đạo Nhà Trắng mới đây, ông Rudd cho rằng việc đó có thể là một bước cản đối với triển vọng trên. Một tổng thống Mỹ suy yếu có thể cảm thấy thôi thúc phải tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc nhiều hơn vì các lợi ích kinh tế của Mỹ đòi hỏi.
Song, xét một cách công bằng, ông Trump khó có thể chấp nhận rủi ro về cuộc suy thoái năm 2020, đồng nghĩa thỏa thuận Mỹ - Trung vẫn nhiều khả năng xảy ra. Tuy nhiên, việc không kiểm soát được 2 tháng quan trọng tiếp theo vẫn có thể khiến toàn bộ quá trình sụp đổ.
Cả hai bên đã dành nhiều thời gian chuẩn bị kế hoạch B cho năm 2020: để mặc chiến tranh kinh tế bùng nổ, thúc giục tinh thần ái quốc và đổ lỗi cho phía bên kia về thiệt hại sau đó. Nếu kịch bản này xảy ra, nguy cơ suy thoái ở Mỹ, châu Âu và Australia vào năm tới sẽ rất cao, mặc dù Trung Quốc sẽ tìm cách làm dịu đòn giáng trong nước thông qua các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ hơn nữa.
Ông Trump và ông Tập đang phải đối mặt với các lựa chọn khó khăn cho đất nước và tương lai chính trị của họ. Dư luận nín thở chờ những quyết định tạo nên bước ngoặt cho thương chiến Mỹ - Trung và có thể ảnh hưởng không nhỏ tới cả phần còn lại của thế giới.
Tuấn Anh