Tổng thống Trump đã tweet, "VETO!" (phủ quyết) khi Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát đã phê chuẩn nghị quyết chấm dứt tuyên bố khẩn cấp quốc gia của Tổng thống Trump tại biên giới Hoa Kỳ-Mexico, đưa Quốc hội vào con đường dẫn tới cuộc đối đầu phủ quyết đầu tiên với chính quyền Trump.

Những động thái này đưa kế hoạch của ông Trump xây bức tường thêm một lần nữa vào ngõ cụt.

Hôm 11/3 ông Trump đã yêu cầu quốc hội phê duyệt khoản tiền 8,6 tỷ USD để chi trả cho kế hoạch xây dựng bức tường và nâng cấp hàng rào an ninh trên tuyến biên giới với Mexico. Số tiền lớn hơn 6 lần khoản kinh phí mà hạ viện Mỹ đề xuất trước đó. 

Phe Dân chủ vẫn phản đối kịch liệt, coi bức tường là không cần thiết và phung phí. 

Với việc đảng Dân chủ kiểm soát hạ viện, nhiều khả năng yêu cầu của ông Trump sẽ tiếp tục không được thông qua ở quốc hội. 

"Dựng lên bức tường" chính là lời hứa mang tính biểu tượng của ông Trump khi tranh cử, và bây giờ khi cuộc đua 2020 đang cận kề, khẩu hiệu này đã được chuyển thành "Hoàn thành bức tường". 

Ông Trump lập luận rằng, hàng trăm nghìn người, trong đó có một lượng lớn tội phạm, đặc biệt là thành viên các băng đảng buôn người, buôn ma túy tìm một nơi trú ẩn, và những kẻ khủng bố… đang tìm cách vào nước Mỹ một cách trái phép. 

Phe Dân chủ từng ủng hộ xây tường 

Dưới thời Tổng thống Bill Clinton, phiên bản đầu tiên của bức tường biên giới đã được vẽ ra như một phần của “Chiến dịch gác cổng”. 

Năm 2005, cả hai phe ủng hộ thêm 654 dặm tường theo Đạo luật Lá chắn an ninh. Các lãnh đạo Dân chủ như Joe Biden, Chuck Schumer và Hillary Clinton ủng hộ bức tường. 

Ông Barack Obama tuyên bố năm 2005: “Chúng ta đơn giản là không thể cho phép mọi người đổ vào nước Mỹ mà không bị kiểm phát hiện, không có giấy tờ, không bị kiểm tra và ảnh hưởng tới dòng người đang chờ đợi một cách kiên nhẫn, hợp pháp để trở thành người nhập cư tại Mỹ”. 

Ba năm sau khi trở thành tổng thống, ông Obama xây thêm 300 dặm và tự hào thông báo đã hoàn thành bức tường. Nhưng vẫn còn 1.130 dặm cần xây. 

Tại sao những người Dân chủ bỗng dưng thay đổi chính sách về bức tường? 

Họ đã tức giận khi ông Trump trở thành tổng thống năm 2017 trong một cuộc bầu cử mà họ cho là “không chính đáng”. Các chính sách của ông Trump là nhằm đảo ngược “mọi” thành quả của người tiền nhiệm Obama, bất kể vấn đề đó lớn nhỏ như thế nào, từ biến đổi khí hậu đến nhập cư. 

Người Dân chủ cũng thấy một cơ hội để tăng nền tảng cử tri của mình khi cho phép một lượng lớn người nhập cư trái phép vào Mỹ, những người sẽ bỏ phiếu cho phe Dân chủ.  

{keywords}
"Dựng lên bức tường" chính là lời hứa mang tính biểu tượng của ông Trump khi tranh cử. Ảnh minh họa: AP/ ITV

Đóng cửa chính phủ 

Phe Dân chủ đã thành công chống ông Trump, đặc biệt trong chính sách nhập cư, khi sử dụng các tòa án liên bang và các quyền lực lương đương mà họ có trong phe đối lập. 

Người Dân chủ đang sử dụng đúng những chiến lược mà người Cộng hòa đã từng dùng thành công khi phản đối các chính sách của ông Obama từ năm 2008-2016. 

Sau khi giành quyền kiểm soát Hạ viện, người Dân chủ không chịu thông qua khoản chi 5 tỷ USD cho bức tường. 

Ông Trump đã trả đũa bằng việc từ chối phê chuẩn chi tiêu cho khoảng 1/3 cơ quan của chính phủ. Và thế là ông Trump đã đóng cửa một phần chính phủ trong một thời gian kỷ lục là 35 ngày. 

Phe Dân chủ cuối cùng đã phải đồng ý chi 1,34 tỷ USD cho vài dặm tường. 

Tuyên bố tình trạng khẩn cấp 

Ông Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp, cho phép ông chuyển khoản tiền đang ở trong ngân sách khỏi Bộ Quốc phòng để chi cho bức tường (khoảng 6 tỷ USD). Giải pháp này từ trước tới nay mới có một tổng thống Mỹ dùng tới. 

Bà Pelosi đã kêu gọi Quốc hội ra một nghị quyết ngăn việc chuyển tiền khẩn cấp. 

Nghị quyết nêu rõ ông Trump đã vi phạm luật pháp Mỹ khi lạm quyền của Quốc hội để chi cho Chính phủ. 

Nhưng luật pháp Mỹ không định nghĩa rõ về tình trạng khẩn cấp là như thế nào, vì vậy không ai chắc chắn về điều mà họ thực sự phải bỏ phiếu. 

Phe Dân chủ có đủ lá phiếu để thông qua nghị quyết nói trên tại Hạ viện. 4 nghị sĩ Cộng hòa đã cho biết họ có thể bỏ phiếu cùng người Dân chủ, điều này gây ra một cuộc khủng hoảng. 

Ông Trump có thể lựa chọn phủ quyết cuộc bỏ phiếu để nó không được diễn ra. Không ai biết liệu ông Trump có dùng lá phiếu phủ quyết của mình không. Ông chưa từng phủ quyết điều luật nào trong hai năm qua. 

Vở kịch về bức tường vẫn tiếp diễn. 

Trớ trêu, bà Pelosi đang nói ngược lại với nghị quyết của mình khi bà còn là lãnh đạo đảng Dân chủ tại Quốc hội dưới thời Tổng thống Obama. Bà đã từng ca ngợi ông Obama khi bỏ qua Quốc hội trong các vấn đề chính sách quan trọng: Ông Obama đã phê chuẩn Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, thỏa thuận vũ khí hạt nhân với Iran, và số phận của hệ thống chăm sóc sức khỏe Obamacare. 

Bà cũng từng ca ngợi ông Obama vì đã vi phạm luật nhập cư Mỹ khi cho phép gần 1 triệu trẻ em nhập cư trái phép – gọi là Dreamers – được ở lại Mỹ và có thể trở thành công dân Mỹ. 

Khởi kiện 

Có 16 bang đã khởi kiện lên tòa án liên bang yêu cầu ngăn chặn việc chuyển tiền trong tình trạng khẩn cấp quốc gia. 

Nhiều tổ chức phi chính phủ (NGO), các nhóm luật sư, nhóm hành động vì môi trường và các nhóm dân sự cũng đã khởi kiện nhiều vụ khác nhằm ngăn chặn ông Trump. Các bên nguyên đơn này muốn thắng kiện nhưng họ sẽ hài lòng nếu có thể giữ chân ông Trump vướng vào các vụ kiện trước tòa trong nhiều tháng tới nhằm ngăn cản ông điều hành hoặc ảnh hưởng đến các cơ hội tái cử của ông vào tháng 11/2020. 

Trước đây, các bang Cộng hòa đã kiện ông Obama 46 lần trong 8 năm, trong khi các bang Dân chủ kiện ông Trump 35 lần trong 2 năm. Đó là chưa kể đến việc trước khi trở thành tổng thống, ông Trump đã kiện hoặc bị kiện  3.500 lần trong sự nghiệp kinh doanh của mình. Ông Trump đã quá quen với pháp luật! 

Điều thú vị là ông Obama đã thua nhiều vụ kiện tại Tòa án Tối cao hơn bất kỳ tổng thống nào, chỉ thắng 45% vụ kiện. Đây là bằng chứng cho thấy khi theo đuổi lịch trình của mình, ông Obama đã buộc phải tuân thủ luật pháp nhiều như thế nào. 

Chống lại chính sách và chống lại Trump 

Các lãnh đạo Dân chủ ngày càng người kêu gọi Quốc hội không cấp tiền hoặc loại bỏ Cơ quan Hải quan và nhập cư (ICE) và cơ quan Bảo vệ biên giới và hải quan (CBP) để tạo ra một “biên giới mở”. 

Các bang dọc biên giới phía Nam đã rút lực lượng cảnh vệ quốc gia mà ông Trump cử đến biên giới để hỗ trợ ICE và CBP chặn người nhập cư trái phép dọc biên giới. Giới chức các bang này gọi ông Trump là “phi đạo đức”. Nhưng chính ông Obama cũng từng điều hàng nghìn binh sĩ tới khu vực biên giới trong nhiều đợt với cùng một mục đích mà không ai phản đối. 

Các bang và thành phố bảo vệ người nhập cư trái phép khỏi chính quyền liên bang. Thành phố New York đã chi 10 triệu USD/năm để bảo vệ các dịch vụ hợp pháp cho người nhập cư trái phép. Dưới thời ông Obama, chính phủ đã chi 300 triệu USD cho việc này. 

Thông tin giả mạo tràn ngập hệ thống 

Các số liệu thống kê về nhập cư đã được nhồi nhét bằng những thông tin không chính xác như một phụ lục để cho thấy điều đang xảy ra là gần như không thể, đặc biệt liên quan đến bức tường. 

Khi Bộ trưởng An ninh nội địa Kristjen Nielson trình báo cáo gần đây lên Quốc hội, bà Pelosi đã nói một câu: “Tôi bác bỏ các số liệu của các ngài”. 

Số người hành hương: Tháng 11/2018, và một lần nữa vào tháng 1/2019, khoảng 15.000 người nhập cư trái phép mỗi đợt đã đổ về biên giới phía Nam nước Mỹ xin tị nạn. Họ đã tạo thành các dòng người hành hương được các NGO hỗ trợ. 

Chi phí cho người nhập cư trái phép: Văn phòng Ngân sách quốc hội phi đảng phái ước tính chính phủ đã chi khoảng 116 tỷ USD/năm cho người nhập cư trái phép, trong khi thuế mà họ thu được chỉ là khoảng một nửa con số này. 

Hiện tại 36 nước đã có hàng rào ngăn người nhập cư trái phép vượt biên giới từ một nước khác. Nhiều trong số này là mới dựng lên. 

Bà Pelosi gần đây đề xuất giao cho ông Trump 5 tỷ USD trong ngân sách nếu ông sử dụng nó cho các bức tường ảo và hạ tầng tại cảng đến. Ông Trump từ chối. Văn phòng Kiểm toán của chính phủ đã nhắc lại chỉ trích CBP vì sự vận hành không tốt của các bức tường ảo hiện nay. 

Mất lòng tin 

Không bên nào, cả phe Cộng hòa hay Dân chủ, tin tưởng bên kia. Người Cộng hòa vẫn còn nhớ sự kiện năm 1984 dưới thời Tổng thống Ronald Reagan. Ông Reagan đã đạt một thỏa thuận với phe Dân chủ rằng nếu ông ân xá và trao quyền công dân cho 3 triệu người nhập cư trái phép, họ sẽ được kiểm soát biên giới và trừng phạt các doanh nhân sử dụng người nhập cư trái phép. Ông Reagan đã ân xá nhưng người Dân chủ nuốt lời. 

Ông Trump, trong quá trình đàm phán với bà Pelosi, đã đề xuất kéo dài sự bảo vệ cho các Dreamers – một mục tiêu chính sách lớn của phe Dân chủ – thêm ba năm nữa. Bà bác bỏ đề xuất này, dường như chỉ để phản đối mọi gợi ý của ông Trump. 

Một nỗ lực lưỡng đảng nhằm giải quyết vấn đề nhập cư đã được 8 thượng nghị sĩ đề xuất cách đây vài năm. Quốc hội có thể không đồng ý kế hoạch này vì rất ít người tin rằng đối phương sẽ giữ lời. 

Nguyện vọng của người dân 

Một nửa cử tri Mỹ ủng hộ ông Trump làm tổng thống, và vấn đề lớn của ông là một bức tường biên giới, nhưng các nghị sĩ quốc hội, cả Dân chủ và Cộng hòa, lại đang tìm cách ngăn chặn bức tường này bằng mọi giá. 

Hơn một nửa dân Mỹ phản đối mở rộng bức tường biên giới. Khoảng 51% phản đối sắc lệnh tình trạng khẩn cấp của ông Trump. Điều thú vị là nhiều người ủng từng hộ bức tường trước khi ông Trump nhậm chức. Người Mỹ khó có thể hài lòng. Họ thường xuyên đổi ý. 

Giáo sư Terry F. Buss