Theo Business Insider, giữa lúc 52 người Mỹ bị các sinh viên Iran cầm giữ làm con tin tại đại sứ quán Mỹ ở Tehran, ông Donald Trump khi đó 34 tuổi đã ủng hộ Mỹ xâm lược nước Cộng hòa Hồi giáo.
Một con tin Mỹ bị bịt mắt và trói tay trong cuộc khủng hoảng con tin tại sứ quán Mỹ ở Tehran năm 1979. |
Cụ thể, trong cuộc phỏng vấn tháng 10/1980 với nhà bình luận Rona Barrett, vừa được Viện Brookings tìm ra trong bối cảnh khủng hoảng Mỹ - Iran tăng cao chóng mặt, ông Trump nói Mỹ "thực sự sẽ là một nước nhận được sự tôn trọng từ các quốc gia khác".
"Iran là một trường hợp điển hình", ông Trump nói. "Việc họ bắt các con tin của chúng ta là hoàn toàn vô lý. Việc đất nước này đã ngồi lại và cho phép một nước như Iran bắt giữ các con tin của chúng ta, theo tôi nghĩ, là một điều kinh khủng, và tôi không nghĩ họ làm điều đó với các nước khác. Tôi thực sự không nghĩ họ làm điều đó với các nước khác".
Nhà bình luận Barrett tiếp lời: "Rõ ràng ông tán thành việc chúng ta nên tới đó cùng với các binh sĩ, vân vân, và đưa các chàng trai của chúng ta đi".
Ông Trump đáp: "Tôi thực sự cảm thấy điều đó, đúng vậy. Tôi không nghĩ có bất kỳ câu hỏi nào, và cũng không có câu hỏi nào trong đầu tôi. Tôi nghĩ ngay lúc này chúng ta nên làm điều đó, và tôi rất thất vọng vì chúng ta đã không hành động, và tôi không nghĩ có bất kỳ người nào có thể bắt chúng ta phải tuân lệnh".
Theo các sử gia Brendan Simms và Charlie Laderman, như Brookings trích dẫn, đây là bình luận đầu tiên được biết đến của ông Donald Trump về chính sách đối ngoại của Mỹ.
Cuộc khủng hoảng con tin ở Iran tháng 11/1979 giữa cuộc cách mạng Hồi giáo đã chứng kiến sự dịch chuyển của Iran từ một nước thân phương Tây sang một nước đối đầu với Mỹ. Ban đầu, 66 người Mỹ bị bắt làm con tin, nhưng con số đó giảm xuống còn 52 vào tháng 7/1980 khi một số người được phóng thích vì các lý do khác nhau. Cuộc khủng hoảng kéo dài 444 ngày, kết thúc vào 20/1/1981, trùng ngày Ronald Reagan nhậm chức.
Mặc dù không mở một cuộc xâm lược quy mô toàn diện liên quan cuộc khủng hoảng con tin này nhưng Mỹ đã triển khai một chiến dịch quân sự tàn khốc vào tháng 4/1980 nhằm giải cứu các con tin. Chiến dịch kết thúc thảm bại, dẫn đến cái chết của 8 lính Mỹ. Cách thức xử lý cuộc khủng hoảng của cựu Tổng thống Jimmy Carter thường được trích dẫn như một trong những lý do chính khiến ông không thể giành thêm được một nhiệm kỳ nữa.
Cuộc phỏng vấn năm 1980, theo nhiều cách, báo hiệu tông điệu chiến dịch tranh cử tổng thống tương lai của ông Trump cùng lập trường chung đối với Iran của ông trên cương vị Tổng tư lệnh Mỹ.
Khi chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016, ông Trump liên tục tuyên bố Mỹ không còn được thế giới tôn trọng nữa, và ông cam kết sẽ đưa điều đó trở lại. Sau khi trở thành chủ nhân Nhà Trắng, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông thậm chí còn khiến uy tín của Mỹ trên toàn cầu suy giảm.
Ngày 3/1, ông Trump đã ra lệnh mở một cuộc không kích bằng máy bay không người lái ở thủ đô Iraq, giết chết thiếu tướng Qassem Soleimani nổi tiếng của Iran. Mỹ coi Soleimani là một kẻ khủng bố và cho rằng nhân vật này liên quan tới cái chết của hàng trăm binh sĩ Mỹ.
Thanh Hảo