Theo hãng tin RT, ông Trump tuyên bố cả kênh đào Panama và Suez sẽ không “tồn tại” nếu không có Mỹ. Do đó, ông yêu cầu các tàu thương mại và quân sự của Mỹ được phép miễn phí đi qua 2 tuyến đường thủy quan trọng này.

Ông Trump đã nhiều lần bày tỏ ý định "lấy lại" quyền kiểm soát kênh đào Panama bằng biện pháp kinh tế hoặc quân sự nếu cần thiết. Hôm 26/4, ông chủ Nhà Trắng còn bày tỏ mong muốn bảo vệ lợi ích "an ninh quốc gia" của Mỹ khỏi sự cạnh tranh của Trung Quốc ở kênh đào Suez của Ai Cập, nối Địa Trung Hải với Biển Đỏ.

trump my.jpg
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: The Hill

“Các tàu của Mỹ cả tàu quân sự và thương mại nên được miễn phí khi đi qua kênh đào Panama và Suez. Những kênh đào đó sẽ không tồn tại nếu không có Mỹ", ông Trump nhấn mạnh trong bài đăng trên mạng xã hội Truth Social rằng Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã được chỉ đạo “ngay lập tức xử lý, và ghi nhớ vấn đề này”. 

Mỹ không tham gia xây dựng kênh đào Suez. Công trình này hoạt động dưới sự kiểm soát của Pháp, Anh, và sau đó là Ai Cập. Tuy nhiên, Mỹ đã dẫn đầu nỗ lực rà phá bom mìn của quốc tế trên tuyến đường thủy này sau Chiến tranh Yom Kippur năm 1973 giữa Ai Cập và Israel.

Trong khi đó, hoạt động xây dựng kênh đào Panama nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương có sự tham gia của Mỹ vào đầu thế kỷ 20. Kênh đào này đã được chuyển giao cho Panama kiểm soát vào năm 1999 theo Hiệp ước Torrijos-Carter, trong đó quy định kênh đào duy trì vị thế trung lập và mở cửa cho tất cả các quốc gia.

Song ông Trump và giới chức Mỹ cho rằng hoạt động kinh tế của Trung Quốc bao gồm các dự án cơ sở hạ tầng và hoạt động cảng có thể vi phạm Hiệp ước trung lập kênh đào Panama năm 1977, trong đó trao cho Mỹ quyền "bảo vệ" tuyến đường thủy quan trọng này.

Các quan chức Panama khẳng định, kênh đào vẫn do người Panama điều hành, và không có bằng chứng nào chứng minh rằng Trung Quốc kiểm soát công trình này. Tổng thống Jose Raul Mulino tuyên bố kênh đào Panama là một phần "di sản bất khả xâm phạm" của Panama, và nhấn mạnh nước này vẫn duy trì quyền kiểm soát hoàn toàn đối với các hoạt động của mình.

Tuy nhiên, sau khi Ngoại trưởng Mỹ Rubio chuyển tối hậu thư của Tổng thống Trump tới Panama vào tháng 2, ông Mulino đã nhượng bộ Washington bằng cách từ chối gia hạn thỏa thuận năm 2017 với Trung Quốc theo Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.

Đầu tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth thông báo các tàu của Hải quân Mỹ, Tuần duyên Mỹ, và máy bay đã được triển khai trong và xung quanh Panama như một phần trong "những bước đi mạnh mẽ đầu tiên nhằm khôi phục quan hệ quốc phòng và an ninh giữa hai nước”.