Theo tờ Wall Street Journal, tại các cuộc gặp gỡ, lúc dùng bữa tối hay những cuộc trò chuyện bên lề, Tổng thống Trump đã hỏi các cố vấn liệu Mỹ có thể thâu tóm đảo Greenland hay không, lắng nghe với vẻ chăm chú khi họ thảo luận về những nguồn tài nguyên sẵn có cũng như tầm quan trọng địa chính trị của đảo này.
Thị trấn cảng Tasiilaq ở Greenland. Ảnh: Reuters |
Hai nguồn tin nội bộ cho biết thêm, ông Trump thậm chí đã yêu cầu ban cố vấn Nhà Trắng xem xét ý tưởng một cách nghiêm túc. Trong khi một số cố vấn ủng hộ ý tưởng, số khác lại coi đây chỉ là "sự say mê thoáng qua, sẽ không bao giờ đi đến kết quả".
Dù nằm gần Bắc Mỹ hơn châu Âu, đảo Greenland thực tế lại là một vùng tự trị thuộc Vương quốc Đan Mạch. Hòn đảo lớn nhất thế giới chỉ có dân cư rất nhỏ, vào khoảng 56.000 người, trong khi Đan Mạch có tới 5,9 triệu dân.
Hiện ông Trump sẽ phải đàm phán với chính phủ Đan Mạch nếu ông quyết định hiện thực hóa mong muốn.
Theo hãng thông tấn Sputnik, có nhiều lí do khiến lãnh đạo Nhà Trắng muốn thâu tóm hòn đảo. Báo cáo của Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ năm 2008 cho hay, Greenland có nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ, bao gồm cả nguồn dự trữ dầu mỏ tương đương tới 50 tỷ thùng, chưa kể khí đốt tự nhiên.
Hơn nữa, 10% nước ngọt trên thế giới tích tụ trong các chỏm băng "khủng" trên đảo. Quan trọng nhất là, bên dưới các lớp băng bao phủ ấy là một nguồn dự trữ tài nguyên vô cùng giá trị - đất hiếm, một vật liệu thiết yếu cho mọi ngành công nghiệp công nghệ cao, từ điện thoại di động đến máy bay.
Khoảng 90% số lượng đất hiếm trên hành tinh đang nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc, nguyên nhân chủ yếu khiến hầu hết điện thoại di động trên thế giới được chế tạo tại nơi này. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang, đất hiếm được coi là một vũ khí nguy hiểm Bắc Kinh có thể dùng để chống lại chính quyền ông Trump.
Ngoài ra, đảo Greenland có thể mang lại những lợi thế chiến lược đáng kể cho Mỹ khi Washington muốn tăng sự hiện diện tại Bắc cực và có thể cả ở Đại Tây Dương xét theo khía cạnh nào đó.
Nếu tính tới tất cả các yếu tố trên, người ta sẽ thấy không có gì đáng ngạc nhiên khi cựu Tổng thống Mỹ Harry Truman khi còn đương chức từng thử mua Greenland bằng số vàng trị giá khoảng 100 triệu USD vào năm 1946. Theo tờ Business Insider, vào thời điểm đó, cả quân đội và quốc hội Mỹ đều nhất trí rằng, hòn đảo giữ vai trò địa chính trị chủ chốt, rất cần cho các mục đích quân sự.
Song, Đan Mạch đã từ chối nỗ lực của ông Truman. Vì vậy, nếu muốn đạt mục đích, ông Trump có thể phải đưa ra đề nghị thú vị hơn với Copenhagen.
Cả Nhà Trắng và chính phủ Đan Mạch hiện vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào trước những thông tin trên.
Tuấn Anh