Theo số liệu của các nhà phân tích độc lập, chỉ số xuất khẩu nông sản năm 2019 của Mỹ đã giảm đi 7% so với năm 2018, điều này làm trầm trọng thêm tình hình khó khăn của nền nông nghiệp nước này. Cụ thể, sản lượng nông sản bán trong năm tài khóa 2019 đã giảm 7,7 tỷ USD (khoảng 161.000 tỷ VND). Trong khi đó cũng theo số liệu trên, thỏa thuận thương mại với Nhật có thể sẽ tăng mức xuất khẩu lên thêm 3 tỷ USD (khoảng 70.000 tỷ VND).

Các quan chức thuộc Bộ Thương mại và Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết, thương chiến đã mở ra cơ hội cho người nông dân Mỹ bớt sự phụ thuộc vào việc buôn bán nông sản với Trung Quốc. Đồng thời cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội đạt được nhiều thỏa thuận hơn, nhất là với những khu vực rộng lớn và có mức tăng trưởng dân số nhanh như Đông Nam Á.

{keywords}
Nông sản Mỹ, nhất là đậu nành gặp khó khăn do thương chiến với TQ. Ảnh: AP

Nhưng nông dân Mỹ đang dần mất đi sự kiên nhẫn, khi nông sản của họ tiếp tục chất hàng đống trong kho. Và điều này có khả năng đe dọa tới sự ủng hộ của người nông dân Mỹ với Tổng thống Trump, nhất là khi đây lại là một nhóm cử tri quan trọng của ông Trump trong cuộc bầu cử hồi năm 2016.

Và dù có người nông dân Mỹ có nhận được các khoản tiền bồi thường cho tổn thất họ phải chịu vì thương chiến, thì vẫn có rất nhiều người cảm thấy thất vọng khi ông Trump phá bỏ thỏa thuận với Trung Quốc. “Nhiều người nông dân bắt đầu cảm thấy ‘không còn vĩ đại trở lại’. Mọi thứ đang đi xuống, và đi xuống với tốc độ chóng mặt”, Chủ tịch Hiệp hội trồng ngô bang Minnesota Brian Thalmann cho biết.

Theo Politico, người nông dân Mỹ đã mất hàng thập kỷ mới tạo được niềm tin từ người tiêu dùng Trung Quốc, và thị trường này có quy mô và tiềm năng phát triển đủ sức lấn át các thị trường khác.

Cụ thể, dữ liệu từ Liên Hợp Quốc hồi năm 2017 dự đoán, Trung Quốc sẽ chiếm khoảng 29% mức tiêu thụ thịt trên toàn cầu vào năm 2026. Và như vậy mức tiêu thụ trên sẽ vượt qua Bắc Mỹ, toàn bộ châu Âu, Australia, Chile, Nhật, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác cộng lại.

“Nếu họ thật sự tin rằng họ có thể bù đắp được khi thiếu thị trường Trung Quốc, đấy sẽ là điều viễn tưởng”, chuyên gia về thị trường hàng nông sản Ken Morrison nhận định.

{keywords}
Mức tiêu thụ thịt của Trung Quốc dẫn đầu thế giới. Ảnh: Reuters

Với thỏa thuận thương mại với Nhật Bản, ông Trump đang bù đắp thiệt hại cho nông dân Mỹ, khi Washington hồi năm 2017 rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Điều này sẽ giúp các nhà xuất khẩu Mỹ cạnh tranh với các nước khác như Australia hay Canada, khi hiệp định TPP mới sẽ có hiệu lực trong năm nay.

Nhà Trắng từng thông báo, thỏa thuận thương mại Mỹ-Nhật sẽ giúp giảm dần hoặc loại bỏ hẳn các mức thuế lên tới 7,2 tỷ USD đối với hàng nông sản Mỹ, nhưng vẫn chưa rõ việc xuất khẩu có tăng lên nhờ việc giảm các mức thuế hay không. Trường Đại học Purdue năm 2019 đưa ra dự đoán rằng, nếu Mỹ tái tham gia TPP thì sẽ giúp ngành nông nghiệp Mỹ kiếm được thêm 2,9 tỷ USD.

Tuy nhiên có một số người không hài lòng với thỏa thuận thương mại vừa qua, nhất là những nông dân trông đậu nành. Việc xuất khẩu đậu nành năm 2019 đã giảm 5,5 tỷ USD so với hồi năm 2018, tức đã giảm khoảng 30%. Và điều này khiến người nông dân Mỹ trồng ít khoảng 10% cây đậu nành so với số lượng hồi năm ngoái, theo ước tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Đồng thời, một trong những mục tiêu hàng đầu của chính quyền Trump hiện nay là Mỹ đạt được thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU). Nhưng một số chuyên mại thương mại cho rằng, như vậy vẫn chưa đủ để bù đắp những tổn thất dài hạn do thương chiến với Trung Quốc. Ví dụ như Hiệp hội Các nhà sản xuất thịt lợn Quốc gia Mỹ (NPPC) đưa ra ước tính rằng, căng thẳng thương mại với Trung Quốc sẽ khiến ngành công nghiệp thịt lợn Mỹ mỗi năm mất hơn 1 tỷ USD.

“Trung Quốc có tiềm năng hơn bất kỳ thị trường nào về việc mở rộng lĩnh vực xuất khẩu thịt lợn, nhất là khi dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành ở nước này khiến cho yêu cầu về việc nhập khẩu thịt lợn ‘bùng nổ’. Làm thế nào để bạn thay thế được thị trường Trung Quốc? Bạn không thể”, Phó Chủ tịch về các vấn đề chính phủ của NPPC Nick Giordano cho biết.

{keywords}
Căng thẳng thương mại với Trung Quốc khiến ngành thịt lợn Mỹ mất 1 tỷ USD mỗi năm. Ảnh: Reuters

Tờ Politico còn cho biết, trong khi toàn bộ chỉ số xuất khẩu của Mỹ giảm, thì việc xuất khẩu hàng hóa sang các đối tác thương mại chính như Liên minh châu Âu, Nhật và Mexico lại tăng lên, nhất là từ khi ông Trump phát động cuộc chiến thuế quan hồi năm 2018. Và điều này đã giúp giảm thiểu một phần thiệt hại kinh tế do Mỹ từ chối bán hàng sang Trung Quốc.

Nhưng nguyên nhân sâu xa của việc tăng xuất khẩu sang những thị trường kia là bởi giá cả nhiều mặt hàng giảm, và điều này giúp cho nhiều nước mua dự trữ nhiều hàng nông sản Mỹ với giá thấp.

“Tôi nghĩ rằng chính quyền nên theo dõi việc này. Bởi nếu việc bán hàng bắt đầu giảm, thì chỉ có thể vì có quá nhiều hàng hóa bạn giữ ở trong kho. Dù ngay cả với cú kích cầu nhằm bán nông sản hiện nay sang các nước lớn khác, thì có vẻ như chúng ta sẽ khó bù đắp được những tổn thất do việc thiếu thị trường Trung Quốc gây ra”, tờ Politico trích dẫn lời chuyên gia kinh tế Veronica Nigh thuộc Cục Nông nghiệp Mỹ nhận định.

Tuấn Trần