Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa chính thức công nhận thành phố Jerusalem là thủ đô của Israel, đồng thời tuyên bố kế hoạch rời sứ quán Mỹ tới đây.

Theo CNN, động thái này có khả năng sẽ làm thổi bùng những căng thẳng trong khu vực và làm đảo lộn tiến trình hòa bình.

“Tôi xác định rằng đã đến lúc chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel”, Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố trong bài diễn văn tại Nhà Trắng ngày 6/12 (giờ Mỹ). “Các đời tổng thống trước đưa ra lời hứa trong chiến dịch tranh cử nhưng không thực hiện. Hôm nay, tôi biến điều này thành hiện thực”, ông cho biết thêm.

{keywords}
Tổng thống Mỹ Trump trong một cuộc họp ở Nhà Trắng.

Ông cũng chỉ đạo Bộ Ngoại giao Mỹ "bắt đầu việc chuẩn bị để chuyển sứ quán Mỹ từ thành phố Tel Aviv tới Jerusalem". Tổng thống Trump giải thích với các phóng viên rằng quyết định này sẽ có lợi nhất cho lợi ích của Mỹ và nỗ lực tìm kiếm hòa bình giữa Israel và Palestine.

Theo Tổng thống Trump, kể từ khi Quốc hội Mỹ thông qua Luật Đại sứ quán Jerusalem vào năm 1995 tới nay, các chính quyền tiền nhiệm đã trì hoãn việc thực thi đạo luật này vì quan ngại sẽ gây phương hại cho nỗ lực đàm phán thỏa thuận hòa bình tại khu vực Trung Đông.

Theo các quan chức Nhà Trắng, quá trình chuẩn bị và chuyển Đại sứ quán Mỹ về Jerusalem có thể sẽ được hoàn tất trong vòng 3 năm.

Cộng đồng quốc tế phản ứng

Ngay sau quyết định trên, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres tuyên bố không thể có giải pháp nào thay thế cho giải pháp hai nhà nước giữa Israel và Palestine, và Jerusalem là vấn đề quy chế cuối cùng cần phải được giải quyết thông qua đàm phán trực tiếp.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định Pháp không ủng hộ việc Tổng thống Trump "đơn phương" quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Ông kêu gọi toàn khu vực bình tĩnh.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã lên án quyết định trên của Mỹ, đồng thời gọi đây là hành động "vô trách nhiệm" và kêu gọi Washington xem xét lại quyết định này. Bộ Ngoại giao Ai Cập khẳng định Cairo cũng bác bỏ việc Mỹ quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Tổng thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Saeb Erekat nêu rõ quyết định này đã làm tiêu tan bất cứ hy vọng nào về giải pháp hai nhà nước đối với cuộc xung đột Israel - Palestine.

Cùng ngày, Jordan cũng lên án quyết định này của Washington, cho rằng đây là hành động chẳng khác gì sự vi phạm luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman bin Jassim Al Thani tuyên bố việc ông Trump quyết định chuyển sứ quán Mỹ tới Jerusalem là "sự leo thang nguy hiểm và là án tử hình cho tất cả những ai muốn tìm kiếm hòa bình".

Còn Bộ Ngoại giao Pakistan cho rằng, việc ông Trump quyết định chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Israel tới Jerusalem là hành động bất hợp pháp.

Truyền thông nhà nước Iran cũng dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước này, khẳng định Tehran lên án quyết định chuyển Đại sứ quán tới Jerusalem của Mỹ, cho rằng hành động này vi phạm các nghị quyết của quốc tế.

Hội đồng Bảo an họp khẩn

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông báo cơ quan này sẽ triệu tập phiên họp khẩn vào ngày 8/12 để thảo luận về quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô Israel của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Nhật Bản, nước đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an, cho biết cuộc họp diễn ra theo đề nghị của 8 quốc gia và sẽ bắt đầu vào lúc 10 giờ ngày 8/12 (theo giờ New York). Vấn đề Jerusalem sẽ được thảo luận vào cuối buổi sáng.

Jerusalem là nơi quy tụ của nhiều địa điểm linh thiêng với 3 đạo Do Thái, Hồi giáo và Thiên chúa giáo. Thành phố này có đền Al Aqsa, địa điểm linh thiêng thứ ba của Hồi giáo. Với người Do Thái thì nơi đây có Đền Núi, địa điểm thiêng liêng nhất.

Do vậy, Jerusalem đã trở thành tâm điểm cuộc xung đột dai dẳng nhiều năm giữa Israel và người Palestine, với một bên được Mỹ hậu thuẫn còn bên kia được phần còn lại của thế giới Ảrập và Hồi giáo ủng hộ.

Jerusalem về tay chính quyền Israel sau chiến tranh Trung Đông năm 1967 và từ đó, người Do Thái coi thành phố là thủ đô không thể tách rời của mình. Phía Palestine cũng chọn Jerusalem làm thủ đô nhà nước tương lai của mình.

Sự phân định chủ quyền Jerusalem đến nay chưa được quốc tế công nhận, nhưng phần lớn các trụ sở đầu nào của Israel đều nằm ở đây. Trong khi đó, các nước đều đặt sứ quán của mình ở Tel Aviv.

Theo một đạo luật được ông Bill Clinton ký ban hành năm 1995, tòa sứ quán Mỹ phải được dời từ Tel Aviv đến Jerusalem trừ khi Tổng thống ký lệnh hoãn. Theo bước những người tiền nhiệm như George W. Bush, Barack Obama, ông Trump cũng ký hoãn hồi tháng 6 vừa qua.

Khi vận động tranh cử tổng thống năm 2016, ông Donald Trump cam kết sẽ chuyển tòa sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem – một động thái được người Mỹ gốc Do Thái tán đồng mạnh mẽ.

Dương Lâm - Thanh Hảo