Sở GDCK TP.HCM (HOSE) vừa thông báo về giao dịch của cổ đông nội bộ Tập đoàn FLC (FLC). Theo đó ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC đã mua thành công 15 triệu cổ phiếu như đã đăng ký.

Giao dịch được thực hiện theo hình thức khớp lệnh từ ngày 4/2 đến 3/3. Như vậy, ông Quyết đã mua vào với mức giá khoảng 6.500 đồng/cp. Trong phiên giao dịch 3/3, cổ phiếu FLC tăng trần thêm 7% lên 6.520 đồng/cp.

FLC tăng trần còn trong bối cảnh giới đầu tư xôn xao về chính sách tăng lô giao dịch lên 1.000 đơn vị (thay vì lô 100 đơn vị) do người đứng đầu HOSE Lê Hải Trà đề cập như một giải pháp để giải quyết tình trạng tắc nghẽn lệnh kéo dài trong thời gian gần đây.

Nhiều người lo ngại các nhà đầu tư nhỏ lẻ, ít vốn sẽ không thể đầu tư trên thị trường chứng khoán, đặc biệt đối với các cổ phiếu có thị giá cao 100-200 nghìn đồng/cp. Mỗi một lệnh mua bán khi đó sẽ có giá trị lên tới 100-200 triệu đồng, không phải nhà đầu tư nào cũng có hoặc/và muốn cho một quyết định đầu tư của mình.

Thông tin cũng khiến nhiều người đánh cược dòng tiền sẽ đổ vào cổ phiếu thị giá thấp, trên dưới mệnh giá 10.000 đồng/cp - những cổ phiếu dễ mua bán bởi tổng giá trị cho một lần giao dịch sẽ thấp.

{keywords}
Ông Trịnh Văn Quyết.

Trong 2020 vừa qua, nhiều cổ phiếu tăng vài ba lần, thậm chí hơn 10 lần, giúp không ít nhà đầu tư chứng khoán bội thu. Nhóm cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết cũng đã tăng khá mạnh, có những mã đã tăng vài ba, thậm chí trên 10 lần trong một năm vừa qua nhưng chưa thấy bóng dáng của FLC.

Sau ROS và hiện là GAB, giới đầu tư trong thời gian tới có thể chứng kiến sự bứt phá của một cổ phiếu nữa cũng của ông Trịnh Văn Quyết: FHH của Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes.

Doanh nghiệp này vừa cho biết, muốn niêm yết 416 triệu cổ phiếu, tương đương tổng giá trị 4.160 đồng, trên sàn HOSE. Trước đó, vào ngày 10/12, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố thông tin về việc rút đăng ký niêm yết cổ phiếu của FHH chỉ sau chỉ sau chưa đầy 2 tháng nộp vào HNX.

Trong nhiều năm qua, ông Quyết có rất nhiều lần mua bán cổ phiếu các doanh nghiệp của mình.

Hồi đầu tháng 3/2020, ông Trịnh Văn Quyết đã bỏ ra khoảng 130 tỷ đồng để mua 1,1 triệu cổ phiếu GAB của CTCP Đầu tư Khai khoáng & Quản lý Tài sản FLC (GAB), tương đương gần 8% cổ phần của doanh nghiệp này. Tổ chức có liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết là Tập đoàn FLC cũng sở hữu 2,34 triệu cổ phiếu GAB (tỷ lệ 8,99% vốn).

Cổ phiếu GAB sau đó đã ghi nhận nhiều đợt tăng đột phá. Sau khi ghi nhận chuỗi ngày tăng giá hiếm có trên thị trường chứng khoán Việt Nam, thêm 15 lần chỉ trong vòng hơn 3 tháng từ mức tham chiều 10.000 đồng/cp lên mức 150 nghìn đồng/cp rồi tiếp tục lên mức gần 200 nghìn đồng như hiện tại.

FLC hồi phục trong khi GAB tăng mạnh trong bối cảnh ông Trịnh Văn Quyết liên tục công bố những kế hoạch mới.

Mới đây, GAB đã thông qua nghị quyết HĐQT về chủ trương về dự án điện năng lượng mặt trời, điện gió tại tỉnh Bạc Liêu. Quy mô dự án dự kiến tối thiểu 200ha, tổng mức đầu tư không thấp hơn 5 ngàn tỷ đồng.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ bất thường mới diễn ra, cơ cấu ngành nghề của GAB đã được mở rộng hoạt động sang nhiều ngành nghề kinh doanh mới như quản lý tài sản, du lịch - nghỉ dưỡng, kinh doanh bất động sản và dịch vụ bất động sản, năng lượng tái tạo, vận tải hành khách hàng không và vận tải hàng hóa hàng không…

GAB cũng có kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn gấp 5 lần lên 690 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), VN-Index đang ở quanh ngưỡng 1.185 điểm.

Theo SHS, trong ngắn hạn, thị trường có thể sẽ tiếp tục tích lũy dưới ngưỡng 1.200 điểm để lấy đà trước khi bứt phá khỏi ngưỡng này trong thời gian tới. Trong kịch bản tiêu cực hơn, thị trường có thể sẽ có nhịp chỉnh mạnh giống như diễn biến trong tháng 1/2021 sau một thời gian không thể vượt đỉnh.

Tuy nhiên, xu hướng trung hạn vẫn là tích cực do thị trường đang trong sóng tăng 5 với target trên lý thuyết quanh ngưỡng 1.250 điểm dự kiến sẽ đạt được vào đầu tháng 4/2021. Nhà đầu tư với tầm nhìn trung hạn có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu với kỳ vọng sóng 5 sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Nhà đầu tư ngắn hạn có thể quay trở lại thị trường nếu có nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ trong khoảng 1.130-1.135 điểm (MA20-50) hoặc chờ đợi thị trường bứt phá khỏi ngưỡng 1.200 điểm sau một thời gian tích lũy.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/3, VN-Index tăng 0,34 điểm lên 1.186,95 điểm; HNX-Index tăng 6,16 điểm lên 254,1 điểm. Upcom-Index tăng 0,64 điểm lên 78,1 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 17,8 nghìn tỷ đồng.

V. Hà