LTS: Tuần Việt Nam mở Diễn đàn "Vì Việt Nam hùng cường" với mong muốn thu nhận từ quý độc giả những ý kiến, bài viết về các giải pháp phát triển đất nước trong tất cả các lĩnh vực nhằm khơi thông tiềm năng phát triển, cổ vũ niềm tin của cộng đồng vào tương lai Việt Nam. Mời quý độc giả gửi bài viết về [email protected].

- Mấy năm gần đây phong trào khởi nghiệp được khuyến khích rất mạnh, mỗi năm có hơn 100 ngàn doanh nghiệp thành lập, điều chưa từng có trong lịch sử. Đây là điều rất đáng mừng, thưa ông?

Khu vực tư nhân đang có đà phát triển rất tốt trong mấy năm nay. Đó là kết quả của cách tiếp cận mới trong đường lối coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng, không chỉ trên văn bản, giấy tờ mà có những hành động cụ thể kèm theo. Nhiều chính sách đã được cụ thể hóa để giải tỏa, tháo gỡ khó khăn cho khu vực này. Từ Chính phủ đến các bộ, ngành đều có các chính sách, các biện pháp thúc đẩy kinh tế tư nhân.

Trong điều kiện đầu tư công giải ngân rất chậm, và bối cảnh thế giới đầy biến động mà nền kinh tế vẫn tăng trưởng tốt là do có những đột phá trong khu vực tư nhân trong nước. Những cải cách tác động lớn đến lòng tin của người dân và doanh nghiệp.

Chuyện khởi nghiệp sẽ còn trong dài hạn, nhưng trước mắt, nó tạo ra được độ hào hứng, đua tranh cho thế hệ trẻ. Khởi nghiệp – start up - đã thổi vào nền kinh tế tinh thần làm ăn kinh doanh, đặc biệt trong thế hệ trẻ. Các chương trình, nỗ lực của Chính phủ cũng hỗ trợ rất mạnh, làm cho người Việt Nam có cảm nhận về cơ hội thực sự của mình, cơ hội cho cả dân tộc, cho doanh nghiệp.

{keywords}

Cần khẳng định là Việt Nam hoàn toàn có thể làm được những sản phẩm tốt đẳng cấp thế giới, chất lượng thế giới và người Việt Nam có khát vọng làm ra những sản phẩm như thế. Ảnh: Lê Anh Dũng

Điều thứ hai, tôi muốn nhấn mạnh, giúp thay đổi quan niệm về phát triển doanh nghiệp, chúng ta không hô hào phát triển doanh nghiệp chung chung nữa, không chỉ chăm chăm ưu tiên cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nữa mà đã định vị được vai trò của các tập đoàn tư nhân lớn. Lâu nay, chúng ta toàn tập trung vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa chứ không dám đề cập, định vị vị thế của các doanh nghiệp tư nhân lớn. Nhưng đến bây giờ, những doanh nghiệp này bắt đầu được nhìn nhận về vai trò dẫn dắt, trụ cột trong nền kinh tế. Chúng ta chỉ cần hỗ trợ họ, tin cậy và tạo điều kiện cho họ thì họ giúp được nhiều vấn đề của nền kinh tế, thế vào những vị trí của các doanh nghiệp nhà nước.

- Ý ông là các tập đoàn tư nhân lớn đang giúp định vị lại cấu trúc nền kinh tế, giúp đưa những giá trị của Viêt Nam ra thế giới?

Những tập đoàn lớn đang thể hiện sức vươn lên rất mạnh mẽ, ví dụ như Vingroup, Sungroup, FLC, Thaco, Hòa Phát… đang thực hiện khẩu hiệu tiến ra toàn cầu “go global”.

Chẳng hạn, TH đang vươn ra ngoài, dựa vào năng lực của mình, tập trung vào công nghệ cao nhất. FPT lâu nay đã vươn ra ngoài rồi nhưng mà ít được nhắc đến, vì sao báo chí không nhắc tới việc này? FPT chọn những thị trường cao nhất như Mĩ, Nhật, Pháp, EU tức là những cái tọa độ cạnh tranh khốc liệt nhất về công nghệ, về trình độ. Thaco đã bắt đầu xuất khẩu xe ô tô made in Việt Nam. Ngay cả tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng thể hiện mong muốn hai năm nữa bán xe Vinfast ra ngoài. Viettel lại chọn những thị trường rất kém phát triển, lắm chông gai để đầu tư như Peru, Myanma…

Như vậy, doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư ra ngoài theo cách rất khác trước, khi các doanh nghiệp nhà nước như dầu khí hay doanh nghiệp tư nhân như Hoàng Anh Gia Lai gặp nhiều khó khăn, thất bát... Lần đầu tư này của các doanh nghiệp tư nhân lớn đang tạo ra sức thúc đẩy, hay động lực rất mạnh để gây cảm hứng. Đầu tư là có thua có thắng nhưng cảm hứng đi ra ngoài, đưa sự hiện diện của Việt Nam ra thế giới khác đi so với trước.

Họ đi ra thế giới không có nghĩa là rời bỏ thị trường Việt Nam. Các doanh nghiệp vẫn duy trì những “phần hồn, phần xác” của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng, các chuỗi giá trị sản phẩm. Họ tạo thành liên kết, các chuỗi để nuôi dưỡng doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam.

Nếu không có các tập đoàn lớn thì không thiết lập được các trụ cột, không nuôi dưỡng được các doanh nghiệp trong nước tham gia. Tức là họ định hình được một cấu trúc, tạo các chuỗi để các doanh nghiệp khác cùng phát triển. Đây là những mô hình từng có ở Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc gần đây. Chẳng hạn, Alibaba thành một trụ cột, lập chuỗi để cung ứng; chuỗi đấy nó lại đẻ ra những chuỗi khác để cộng sinh, phát triển.

Trong khi đó, cấu trúc mới này sẽ giúp phân vai rất rõ rằng, doanh nghiệp nhà nước chỉ làm những việc mà tư nhân không làm và phải làm cho được những việc đấy. Đó là bức tranh đang được vẽ lên, phác họa diện mạo kinh tế ở nước ta với các doanh nghiệp tư nhân lớn đang đóng vai trò ngày càng quan trọng ở các trung tâm kinh tế lớn của đất nước.

- Như ông phân tích thì rõ ràng các tập đoàn tư nhân lớn cũng đang giúp khắc họa, làm nổi bật một vài địa phương như là cực tăng trưởng mới?

Gần đây, nhìn các công trình của FLC trên vùng cát trắng, tôi nghĩ họ phải như thế nào mới quyết định làm những công trình này. Nhưng nếu không có những người như vậy, sẽ không có sân bay Vân Đồn, không có hệ thống Vinpearl, không có ô tô Việt, không có những sản phẩm sữa, gạo, bia có thể cạnh tranh ngang ngửa hàng nhập, thậm chí giữ được thị trường nội địa trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của các doanh nghiệp ngoại có bề dầy kinh nghiệm, dày vốn...

Nhưng năm vừa rồi, tôi đã thấy những trụ cột nổi lên, trong ngành bất động sản, du lịch có SunGroup, FLC, công nghiệp ô tô có VinFast, có Thaco, sản phẩm tiêu dùng có TH Truemilk... Ngay cả trong hàng không, các bước đi của VietJet Air, FLC, Viettravel và VinGroup cũng đang tạo nên những cảm xúc mới, trước kia không có.

Hãy nhìn Đà Nẵng, Quảng Ninh, Quảng Nam, Hải Phòng... xem, các địa phương này đã thay đổi như thế nào khi chọn các doanh nghiệp tư nhân lớn đầu tư theo mô hình chuỗi. Khi các doanh nghiệp lớn đầu tư bài bản, các doanh nghiệp đi sau buộc phải đáp ứng các chuẩn mực, tiêu chí để tham gia cuộc chơi. Diện mạo ngành nghề, địa phương sẽ được định dạng rõ nét, thay vì cách phát triển dàn hàng ngang để tiến.

Đây cũng là bài học cơ chế, chính sách mà cả Chính phủ, các địa phương có thể nghiên cứu khi xây dựng các chương trình xúc tiến đầu tư.

- Nhiều năm nay chúng ta đã thỏa mãn với trình độ sản xuất ở mức gia công. Ông có nghĩ là những sản phẩm của Việt Nam rồi sẽ tiến lên ở những nấc thang có giá trị hơn, hay hàng Việt Nam sẽ có chỗ đứng trong thị trường trong nước và quốc tế?

Chúng ta đã xuất khẩu tới hầu hết quốc gia trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng. Điều đó cho thấy năng lực của các doanh nghiệp chúng ta.

Có điều cần khẳng định là Việt Nam hoàn toàn có thể làm được những sản phẩm tốt đẳng cấp thế giới, chất lượng thế giới và người Việt Nam có khát vọng làm ra những sản phẩm như thế.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, phải thúc đẩy niềm tự hào với sản phẩm Việt, thương hiệu Việt, để sản xuất ra những sản phẩm, dịch vụ xứng đáng. Ở góc độ người tiêu dùng, cần có tinh thần của người Việt trong lựa chọn sản phẩm của doanh nghiệp Việt.

Nói thì đơn giản, nhưng bản chất câu chuyện ở đây là một môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch. Trong môi trường này, doanh nghiệp nào làm sai trái sẽ bị xử lý rất nặng, doanh nghiệp nào làm tốt sẽ được hưởng lợi, được tạo điều kiện tốt hơn, năng lực cạnh tranh nâng cao hơn... Trong môi trường ấy, doanh nghiệp sẵn sàng bắt tay với nông dân để phát triển thị trường nông sản, thủy sản...

Khi đó, lựa chọn hàng Việt sẽ không phải là một phong trào được kêu gọi, mà là sự tự hào của người Việt Nam về sản phẩm của người Việt. Tác động tích cực sẽ được lan truyền tới từng doanh nghiệp, tới người tiêu dùng.

Xin cảm ơn ông.

Lan Anh thực hiện