Ngày 17/10, Qualcomm đã tổ chức Hội nghị 4G/5G Summit tại Hong Kong. Đây là lần thứ 11 Qualcomm tổ chức hội nghị toàn cầu về các thế hệ viễn thông di động. Năm nay, 4G/5G Summit có sự tham gia của hơn 2.400 khách mời trên toàn thế giới, gồm các đối tác của Qualcomm, các nhà mạng lớn, các nhà sản xuất thiết bị và dịch vụ. Điểm nhấn của Hội nghị năm nay chính là sự phát triển của 5G và các ứng dụng Internet of Things (IoT).

Công nghệ 5G thực sự đã có bước phát triển nhanh hơn kỳ vọng ban đầu. Cách đây 1 năm, hầu hết các công ty viễn thông hàng đầu đều dự đoán đến năm 2020 mới bắt đầu triển khai 5G, nhưng thực tế, với bước phát triển mới thì năm 2019, 5G được cho là sẽ thương mại hóa. Ngay tại sự kiện 4G/5G Summit ngày hôm nay, Qualcomm đã công bố việc đạt kết nối dữ liệu 5G trên bộ modem chipset Snapdragon X50 5G. Ngoài ra, Qualcomm cũng ra mắt thiết kế tham chiếu đầu tiên của smartphone 5G cho kết nối di động thế hệ mới. Qualcomm cho biết sẽ thương mại hóa kết nối 5G vào năm 2019.

Sherif Hanna, lãnh đạo của Qualcomm về marketing kỹ thuật, cho rằng thế hệ công nghệ di động tiếp theo sẽ mở ra cánh cửa chưa từng thấy về tốc độ và khả năng đáp ứng. “Trên quy mô lớn, 5G sẽ hỗ trợ các dịch vụ IoT và các dịch vụ quan trọng khác. Modem Snapdragon X50 5G chỉ là sự bắt đầu”, ông Sherif Hanna nói.

"Đạt được kết nối dữ liệu 5G đầu tiên trên thế giới với chipset modem Snapdragon X50 5G trên tần số 28GHz mmWave là một cột mốc quan trọng với Qualcomm và thế giới”, ông Cristiano Amon, phó chủ tịch của Qualcomm Technologies cho biết tại sự kiện. "Mốc quan trọng này và thiết kế tham khảo điện thoại thông minh 5G của chúng tôi cho thấy Qualcomm Technologies đang thúc đẩy 5G NR trong các thiết bị di động để nâng cao trải nghiệm băng thông rộng di động cho người tiêu dùng trên toàn thế giới."

Trả lời về câu hỏi 4G gần như còn “rất mới” tại Việt Nam khi chỉ vừa triển khai và công bố được 8 tháng nay, ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia cho biết, tiến lên 5G là một bước phát triển kế tiếp của 4G, dựa trên nền tảng của 4G. Để đi lên 5G, phải dựa vào 4G  và chúng ta không thể lên 4G khi công nghệ 4G vẫn chưa tốt, độ phủ kém, chất lượng kém. Do vậy, cần phải hoàn thiện về công nghệ mạng lưới 4G thì mới lên được 5G.

Nói về việc phát triển 4G ở Việt Nam, ông Thiều Phương Nam cho rằng tốc độ phát triển 4G ở Việt Nam có thể xem là “kỷ lục”, bởi vì các nhà mạng Việt Nam vừa nhận giấy phép 4G vào khoảng cuối năm 2016, và hiếm có quốc gia nào sau khi nhận giấy phép 4G trong vòng 6 tháng như Việt Nam, mà hạ tầng mạng lưới đã được phát triển mạnh, độ phủ 4G đã rất rộng, hầu khắp cả nước, tốc độ. Tất nhiên, Việt Nam cũng gặp thuận lợi là triển khai 4G khi công nghệ cũng như thiết bị 4G trên thế giới đã sẵn sàng. Dù vậy vẫn phải nói sự phát triển 4G ở Việt Nam đạt mức kỷ lục, triển khai rất nhanh.

Ông Nam khẳng định 5G chính là xu hướng của thế giới, và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển này. Sự phát triển 4G và nền tảng 4G tại Việt Nam tốt là một điều kiện rất thuận lợi. Tuy vậy, thời điểm 5G dự kiến sẽ thương mại hóa trên thế giới là năm 2019, và chỉ còn 2 năm nữa. “Trong 2 năm này, để chuẩn bị cho sự phát triển và thương mại hóa 5G sẽ có rất nhiều việc phải làm. Và nói chuyện triển khai 5G tại Việt Nam từ bây giờ không hề sớm”, Tổng giám đốc của Qualcomm ở vietj Nam, Lào và Campuchia khẳng định. Để triển khai thành công, cần có sự chuẩn bị của cơ quan quản lý, chính phủ, đặc biệt trong việc phân bổ tần số cho 5G.

“Chính phủ cần đi trước 1 bước, các chính sách cần nhiều thời gian chuẩn bị, phân bổ băng tần trung và cao cho 5G. Công tác chuẩn bị băng tần là việc đầu tiên chính phủ cần làm cho 5G” lãnh đạo Qualcomm cho biết.