Theo ông Tập, chìa khóa then chốt cho việc hiện đại hóa ở Trung Quốc là duy trì vai trò lãnh đạo của Đảng.
“Việc này bao hàm những yếu tố chung trong quá trình hiện đại hóa của tất cả các quốc gia, nhưng mang những đặc trưng riêng biệt dựa trên tình hình của Trung Quốc. Mô hình hiện đại hóa của Trung Quốc là việc hiện đại hóa về dân số khổng lồ; sự thịnh vượng chung; sự tiến bộ về vật chất và văn hóa-đạo đức; sự hài hòa giữa con người-thiên nhiên và sự phát triển theo đường lối hòa bình”, tờ China Daily dẫn lời ông Tập Cận Bình phát biểu.
Giới quan sát nhận định rằng, ông Tập trong bài phát biểu khai mạc Đại hội NCCCP đã trình bày một cách toàn diện và có hệ thống về việc hiện đại hóa Trung Quốc, từ đó tạo ra một hệ thống lý thuyết hoàn chỉnh nhằm phá vỡ thế độc quyền của các quốc gia phương Tây về học thuyết hiện đại hóa.
“Theo nhận định của tôi, mô hình hiện đại hóa theo đường lối phương Tây chủ yếu được thúc đẩy bởi lợi ích tư nhân và không được lên kế hoạch. Trong khi đó, quá trình hiện đại hóa ở Trung Quốc phải có vai trò quan trọng từ Đảng và việc này phải được lên kế hoạch. Chúng ta đã có thể chứng kiến quá trình đó thành công như thế nào”, chuyên gia Martin Jacques làm việc tại Khoa Chính trị và Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Cambridge của Anh, nói.
“Mô hình hiện đại hóa trên của Trung Quốc đã cho các quốc gia đang phát triển hai bài học lớn. Thứ nhất, mô hình đó đã cho thấy một quốc gia đang phát triển có thể tự tạo ra đường lối hướng tới hiện đại hóa. Thứ hai, sự thật là Trung Quốc đã đạt được thành công, đồng nghĩa với việc họ có thể hỗ trợ cho các quốc gia đang phát triển trong công cuộc hiện đại hóa”, ông Jacques nói thêm.
Trong khi đó ông Từ Bộ, viện trưởng Viện Nghiên cứu quốc tế trực thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, lại nhận xét rằng việc hiện đại hóa ở ‘quốc gia tỷ dân’ mang “ý nghĩa tiên phong to lớn trong quá trình hiện đại hóa toàn cầu”.
“Mô hình hiện đại hóa ở Trung Quốc đã phá vỡ lý thuyết ‘lấy phương Tây làm trung tâm’, và đưa ra sự lựa chọn mới cho người dân ở nhiều quốc gia đang phát triển. Những quốc gia đang phát triển, hầu hết đều phát triển muộn, nên ‘học cách đi đường vòng’”, ông Từ nói.
Dù vậy, chuyên gia kỳ cựu Ei Sun Oh làm việc tại Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Singapore lại cho rằng dù mô hình hiện đại hóa ở Trung Quốc được thực hiện một cách cẩn thận “nhưng vẫn cần tránh các ‘cạm bẫy’ liên quan tới việc hiện đại hóa như sự phát triển một cách mù quáng, cũng như chú ý đến tính bền vững của môi trường”.
Theo chuyên gia Martin Jacques, mục tiêu phát triển của Trung Quốc từ nay tới năm 2035 sẽ là đưa mức GDP bình quân đầu người (GDP per capita) sẽ ngang hàng với các quốc gia ở châu Âu.
“Tức Trung Quốc sẽ phá bỏ sự cách biệt giữa các nước phát triển và nhiều quốc gia đang phát triển, cũng như định hình bản chất và các chuẩn mực của quá trình toàn cầu hóa. Đồng thời, Bắc Kinh sẽ cung cấp nhiều nguồn lực và điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các nước đang phát triển”, ông Jacques nhấn mạnh.