Những phát biểu của ông Tập, được đăng tải trong một bài viết của tờ báo Rodong Sinmun của Triều Tiên hôm 19/4. “Dù tình hình thế giới có thay đổi thế nào”, Trung Quốc vẫn sẽ “kiên quyết ủng hộ Chủ tịch Kim Jong Un lãnh đạo đảng và người dân Triều Tiên trong việc áp dụng hướng đi mới”, bài viết ghi.
Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc sẽ “kiên quyết ủng hộ" nhà lãnh đạo Kim Jong Un. |
Ngoài việc thể hiện mong muốn của đôi bên trong việc tăng cường “liên lạc và trao đổi chiến lược”, ông Tập cũng cho biết Bắc Kinh sẽ tiếp tục ủng hộ Bình Nhưỡng trong đàm phán với các quốc gia khác. “Chúng tôi sẽ chủ động góp phần xây dựng hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng trong khu vực bằng việc tăng cường liên lạc và hợp tác với Triều Tiên”, ông Tập nói.
Trung Quốc cũng sẽ làm việc với các quốc gia chủ lực khác “bằng cách cùng nhau tăng tốc tiến trình đối thoại và đàm phán về các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên”, ông cho biết.
Phát biểu trước chuyến thăm hai ngày bắt đầu từ 20/6 của ông Tập tới Bình Nhưỡng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng hôm 18/6 nói rằng kết quả của cuộc họp Trump – Kim lần thứ 2 “là khá bất ngờ”, và rằng Trung Quốc khuyến khích cả hai bên tiếp tục đối thoại.
Tuần trước, ông Trump cho biết ông đã nhận được một bức thư “tuyệt đẹp” từ ông Kim, đã giúp “làm lành” thái độ giữa hai phía. Hồi tháng 5, người đứng đầu Nhà Trắng nói rằng Bình Nhưỡng “chưa sẵn sàng để đàm phán”.
Một vấn đề lớn gây bế tắc trong quá trình đàm phán là vấn đề về các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Bình Nhưỡng yêu cầu dỡ bỏ các lệnh này, là điều kiện để phi hạt nhân hóa. Trong khi đó, Washington kiên quyết áp dụng các lệnh này cho đến khi Triều Tiên đưa ra được bằng chứng rõ ràng là quá trình phi hạt nhân hóa đang được thực hiện.
Ông Tập nói Trung Quốc sẽ "góp phần gây dựng hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng trong khu vực". |
Ông Tập nói Trung Quốc sẽ tiếp tục ủng hộ Triều Tiên trong việc “nêu lên những lo ngại xác đáng qua đối thoại”. “Dù gió và mây trên chiến trường quốc tế có thay đổi thế nào, hai đảng và nhân dân của chúng tôi sẽ kế thừa và phát huy tình bạn truyền thống giữa Trung Quốc và Triều Tiên”.
Zhao Tong, một giáo sư tại Trung tâm nghiên cứu chính sách quốc tế Carnegie-Tsinghua cho biết, tuy mục đích chính của chuyến viếng thăm của ông Tập là để tái khẳng định mối quan hệ mật thiết với Triều Tiên, song thời điểm chuyến thăm diễn ra là một tính toán để cho thấy Bắc Kinh vẫn có vai trò lớn trong cuộc đàm phán với Mỹ.
“Khi cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng, Trung Quốc muốn duy trì tầm ảnh hưởng địa chính trị trên bán đảo Triều Tiên. Bằng cách phô diễn mối quan hệ đặc biệt với Triều Tiên ở một thời điểm mà cả Washington và Seoul đều chưa thể tái thiết lập đối thoại ở mức cao với Bình Nhưỡng, Bắc Kinh đang ra dấu hiệu cho Washington thấy nước này vẫn là một đối tác có lợi, có khả năng đóng góp và không thể thiếu trong việc giải quyết các vấn đề quan trọng của khu vực”, ông Zhao cho biết.
Anh Thư