Nội dung bức thư nêu một cách hệ thống những vấn đề quan trọng của đất nước phải giải quyết trong tình hình và nhiệm vụ mới.
Xem lại bài 1: Nhà lãnh đạo dám chịu trách nhiệm “phá rào”
Đổi mới tư duy để phù hợp với thực tiễn
Thư tập trung vào các chủ đề: Cần hiểu đúng và nắm vững xu thế vận động của thế giới - nhất là quá trình toàn cầu hoá kinh tế đang diễn ra, để từ đó lựa chọn cho đất nước con đường phát triển phù hợp và tranh thủ những thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế, cần xây dựng nhà nước pháp quyền dân chủ để triển khai và đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá đất nước, Đảng cần thay đổi chính mình về đường lối, tổ chức để thực hiện được trọng trách trong tình hình, nhiệm vụ mới của đất nước.
Bức thư nhấn mạnh phát huy những giá trị của tinh thần dân tộc và dân chủ để thực hiện được đại đoàn kết dân tộc và giải phóng được sức mạnh của quốc gia. .
Trả lời tạp chí Xây dựng Đảng năm 2005 trong cuốn sách “Võ Văn Kiệt: Người thắp lửa” của nhà xuất bản Trẻ, ông Kiệt đã nhận thấy, tình trạng thiếu dân chủ, quen “hành dân” và hành hạ lẫn nhau của bộ máy nhà nước các cấp là một thực tế nhức nhối. Vì không tạo được mối quan hệ gắn bó với dân nên nạn tham nhũng càng có điều kiện hoành hành.
Ông cho rằng không gì có thể lọt khỏi tai mắt của dân, nhưng vì một bộ phận không nhỏ đảng viên, kể cả đảng viên giữ những trọng trách, xa dân nên không tiếp nhận được ý kiến đóng góp của dân nhằm xây dựng Đảng, nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo để từ đó mà vun đắp, giữ gìn lòng tin của dân đối với Đảng.
Có hiện tượng đáng buồn, đáng phẫn nộ, đó là do sự thoái hoá, biến chất của một bộ phận không nhỏ đảng viên có chức, có quyền - cái mà người ta gọi là sự tha hoá của quyền lực, sự tha hoá của người cầm quyền.
Điều kiện tiên quyết là biết khởi động sức mạnh tiềm tàng trong toàn Đảng và trong nhân dân. Để phát huy sức mạnh đó, cần phát huy khả năng dám nghĩ, dám nói trong Đảng và trong dân bằng những chính sách cởi mở và đúng đắn, để mọi nguồn lực đều được khơi dậy, kể cả nguồn lực của đồng bào ta đang sống ở nước ngoài.
Kinh tế thị trường nói chung đã hàm chứa trong nó cả thời cơ và thách thức. Đối với đất nước ta, qua bài học kinh nghiệm từ sự nghiệp đổi mới, kinh tế thị trường là vận hội lớn nếu ta hiểu đúng và có chủ trương đúng. Chúng ta có khả năng phát huy đến mức cao nhất thế mạnh của thị trường, đồng thời cũng có khả năng hạn chế ở mức thấp nhất những khuyết tật của thị trường cùng những hiểm hoạ của một thị trường hoang dã.
Ông nhắc nhở mọi người mạnh dạn đổi mới tư duy để nhận thức đúng, kịp thời bối cảnh mới mà đất nước đang phải đương đầu, đòi hỏi cán bộ đảng viên cần tỉnh táo và có bản lĩnh tạo mọi điều kiện cho sự bừng nở lành mạnh và rộng khắp các hoạt động của thị trường nhằm chuyển đổi diện mạo kinh tế, tạo sức bật mạnh cho tăng trưởng nhanh và bền vững.
Ông cho rằng trong xây dựng Đảng cần mạnh dạn nhìn thẳng vào vấn đề dân chủ trong Đảng, vấn đề công tác tư tưởng và công tác tổ chức của Đảng, để chỉ ra cho được những yếu kém nhằm mạnh dạn và kiên quyết khắc phục.
Vào những dịp khác nhau, ông đề xuất cần áp dụng triệt để nguyên tắc tự do ứng cử, tự do đề cử và bỏ phiếu kín trong mọi việc bầu cử người vào các cơ quan của Đảng. Người được bầu phải là người có năng lực và phẩm chất xứng đáng nhất với nhiệm vụ được giao. Không lệ thuộc cơ cấu vùng miền, ngành và địa phương.
Để thực sự phát huy dân chủ ở mức cao nhất, động viên ý chí và nâng cao tính Đảng của từng đảng viên tham gia gánh vác công việc của Đảng mà không xen lợi ích cá nhân vào, nên khuyến khích tự do ứng cử, đề cử những đảng viên không phải là đại biểu của đại hội. Đồng thời, khuyến khích người đề cử hay người ứng cử trình bày rõ về mình để đại hội có cơ sở cân nhắc và quyết định… Ông nhấn mạnh, với sự trung thực và chân thành lắng nghe tiếng nói của đảng viên và quần chúng, khách quan và thực sự cầu thị, nhất định sẽ chọn được những người ưu tú đủ năng lực và uy tín xứng đáng tham gia Ban chấp hành Trung ương…
“Luôn đặt mình trong nguyên tắc của Đảng”
Trong cuốn sách Ông Sáu Dân trong lòng dân của nhà xuất bản Tri thức, nhà ngoại giao Nguyễn Trung - nguyên Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan và CHLB Đức, nguyên Tổng thư ký Hội đồng Kinh tế đối ngoại của Chính phủ, nguyên trợ lý của Thủ tướng Võ Văn Kiệt chia sẻ, những năm cuối đời, nhất là từ sau Đại hội 10, điều day dứt tâm can của ông Kiệt là nỗi lo và suy tư của ông về Đảng. Đôi lần ông tâm tình: Nếu coi điều day dứt này là thách thức phải đối mặt, thì đây là thách thức lớn nhất của cả đời mình kể từ khi lớn lên biết làm người. Mọi thách thức đã trải qua không ăn nhằm gì!
Ông Trung kể, chia sẻ điều trăn trở day dứt nhất này, không biết bao nhiêu lần ông mời các lính cũ của mình, lúc trong Nam, lúc ngoài Bắc, chỉ để nêu một câu hỏi: Phải đổi mới Đảng như thế nào?
Trong các phát biểu chính thức trong Đảng, các bài viết, nhiều lần ông khẳng định: Đi vào thời kì xây dựng và bảo vệ đất nước trong hoà bình, nghĩa là trong tình hình mới và nhiệm vụ mới của quốc gia, Đảng phải đổi mới chính mình một cách triệt để về đường lối và về tổ chức. Đây là đòi hỏi tất yếu để thực hiện được vai trò lãnh đạo. Nhất nhất Đảng phải nắm vững phương châm: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng.
Ông Lê Đăng Doanh cũng chia sẻ trong cuốn sách “Ông Sáu Dân trong lòng dân”: Là người yêu tự do, có cá tính mạnh mẽ nhưng ông Sáu Dân luôn tự đặt mình trong nguyên tắc của Đảng. Một trong những ví dụ nổi bật là việc năm 1988, Quốc hội đồng thời đề cử ông Đỗ Mười và ông Sáu Dân để lựa chọn, bầu vào chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thay ông Phạm Hùng vừa tạ thế.
Ông Đỗ Mười được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng với đa số phiếu. Theo sự phân công của Bộ Chính trị, ông Sáu Dân giữ cương vị Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Bộ trưởng bên cạnh ông Đỗ Mười. Không ít người đã lo lắng về khả năng hợp tác giữa hai ông, nhưng với tinh thần trách nhiệm nghiêm túc, tính nguyên tắc của cả hai, cuối năm và cuối nhiệm kỳ, trong cuộc họp kiểm điểm của Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng, mọi người đều bày tỏ vui mừng vì ông Sáu Dân đã hoạt động rất nghiêm túc và tôn trọng, đoàn kết với ông Đỗ Mười.
Ông Sáu Dân nói riêng với chúng tôi: Nhiều người quá khen tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, tính nguyên tắc của mình, mình phải trả lời rằng tôi luôn là một đảng viên có kỉ luật, có ý thức trách nhiệm chứ có gì mà phải khen.
Ông Doanh cũng chia sẻ thêm, ông Sáu Dân luôn suy nghĩ, trăn trở, đọc nhiều, nghe nhiều và luôn lật đi lật lại những vấn đề mà nhiều người coi là “cấm kị”. Ông tôn trọng ý kiến tự do suy nghĩ của người khác. Trong năm 1995, ông Sáu đã phát biểu một số ý kiến rất quan trọng về hàng loạt vấn đề cốt lõi về con đường phát triển của Đảng và đất nước. Lúc đó, các ý kiến chưa được đa số chấp nhận, nhưng ngày nay, thực tế cho thấy đó là những vấn đề thực sự phù hợp với nguyện vọng của dân.
Bài 3: Thủ Tướng Võ Văn Kiệt, nhà lãnh đạo cải cách tâm huyết
Chú thích:
[1] Toàn văn bức thư: https://dantri.com.vn/xa-hoi/thu-thu-tuong-vo-van-kiet-gui-bo-chinh-tri-20-nam-truoc-20150810100333362.htm
Lan Anh