- Nhà thơ Nguyễn Duy chia sẻ, thời rừng vàng biển bạc đã không còn. Việc đánh thức tiềm lực con người là quan trọng nhất. Ông Sáu Dân rất đồng cảm với bài thơ.
Đề thi ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018 vừa qua đã gây tranh cãi khi đưa vào trích đoạn bài thơ “Đánh thức tiềm lực” của nhà thơ Nguyễn Duy với câu hỏi: “ Ta ca hát quá nhiều về tiềm lực/ tiềm lực còn ngủ yên” có còn phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay hay không?
Đây là bài thơ được tác giả sáng tác trong giai đoạn 1980 – 1982. Nhiều ý kiến lo ngại đề thi mang tính đánh đố học sinh, nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng đây là một đề thi hay, mở và có tính đột phá.
Chương trình Góc nhìn thẳng của báo điện tử VietNamNet đã có cuộc trao đổi với nhà thơ Nguyễn Duy để lắng nghe ông chia sẻ về bài thơ này.
XEM VIDEO TALKSHOW TẠI LINH SAU:
Nỗi niềm nhà thơ “Đánh thức tiềm lực” đêm trước Đổi mới
"Thời tôi, đi đâu cũng nói "tiềm năng, tiềm lực rừng vàng, biển bạc", nhà thơ Nguyễn Duy, tác giả bài thơ "Đánh thức tiềm lực" nổi sóng dư luận tuần qua vì được đưa vào đề thi Ngữ văn THPT, chia sẻ.
Nhà báo Huy Minh: Thưa ông, xin được bắt đầu với đề thi văn. Những ngày qua, dư luận tranh cãi mổ xẻ trái chiều nhiều về đề văn và bài thơ của ông. Trọng tâm là câu hỏi: “Quan điểm của tác giả trong 2 dòng thơ "Ta ca hát quá nhiều về tiềm lực/Tiềm lực còn ngủ yên" có còn phù hợp với thực tiễn ngày nay không? vì sao?”. Nhiều người lo ngại đề hỏi như vậy là quá sức với học sinh lớp 12. Là tác giả, ông có suy nghĩ nào về điều này?
Nhà thơ Nguyễn Duy: Thực ra, khi làm bài thơ này, tôi không nghĩ đến điều mà các bạn hỏi đâu. Trong lòng tôi như thế nào, tôi cứ viết như thế. Tôi cũng không nghĩ là có một ngày, người ta lại đưa nó vào một đề thi. Không biết tâm lí học sinh sẽ giải đề thi này ra sao.
Bài thơ là cảm xúc cách đây gần 40 năm, không phải cảm xúc của ngày hôm nay. Cho nên, người ta tranh luận thế này, thế kia về bài thơ cũng là lẽ bình thường.
Cũng như khi bài thơ này xuất hiện, nó cũng gây ra cuộc tranh luận khá dữ dội. Trước đó, chưa có bài thơ nào làm theo kiểu như thế này cả, và bây giờ cũng chưa có bài thơ nào kiểu như thế này được đưa vào bài thi văn phổ thông cả. Cho nên, có thể nói là nó hoàn toàn mới và nó mở.
Cả một thời văn chương chính thống của chúng ta là nền văn chương tụng ca. Thời tôi làm bài thơ này, đi đâu cũng nói đến “tiềm năng, tiềm lực, rừng vàng biển bạc”.
Trong nhà trường, các “thầy giáo giảng rằng nước ta giàu lắm/ Lớp lớp trẻ con cứ thế học thuộc bài”.
Nhà thơ Nguyễn Duy, tác giả bài thơ “Đánh thức tiềm lực” được trích đoạn trong đề thi môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018 |
Tôi thấy nếu tiềm lực mà không đánh thức được thì nước vẫn nghèo như thế thôi. Từ đó, tôi tự nghĩ rồi làm nay một câu, mai một câu và được hoàn thành trong 2 năm.
Nhà báo Huy Minh: Vâng, phải chăng ông đánh giá cao dụng ý của người ra đề thi này khi nhận xét nó là mới và mở?
Nhà thơ Nguyễn Duy: Từ trước đến nay, chủ đề về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về thiên nhiên, về đất nước, về quê hương đã trở nên bình thường quen thuộc rồi, tự nhiên đùng một cái lại có câu chuyện về thế sự đặt ra trong một cuộc thi văn của PTTH.
Tôi thấy, rõ ràng hội đồng ra đề thi, đã phải xét đến yếu tố đổi mới và cởi mở, đến yêu cầu cấp thiết của thời đại. Điều đó rất quan trọng, nhưng lúc này có một điều quan trọng khác cần được trao đổi là trách nhiệm công dân đối với cộng đồng xã hội và đối với đất nước.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, đây cũng chỉ mới là gợi mở thôi, mang tính thí điểm, là thử thôi. Việc thử này cũng rất cần thiết vì cũng phải tạo cho lớp trẻ làm quen với đề tài văn chương thế sự này và cũng là một sự thử sức lớp trẻ trong một cuộc thi.
Nhà báo Huy Minh: Thưa ông, như lời đầu ông chia sẻ, ẩn ý của ông ở cụm từ “đánh thức tiềm lực” hẳn không phải là chuyện “rừng vàng biển bạc”. Xin ông chia sẻ thêm ẩn ý của mình đằng sau 4 chữ “đánh thức tiềm lực”?
Nhà thơ Nguyễn Duy: Tôi nghĩ, việc “ta ca hát quá nhiều về tiềm lực” là một thực tế, “tiềm lực còn ngủ yên” là một thực tế.
Đến bây giờ, cách 40 năm từ khi bài thơ ra đời thì xã hội đã biến đổi và tâm lí của con người cũng đã biến đổi.
Tài nguyên thiên nhiên bây giờ không còn giữ được niềm hy vọng cao độ khi tôi làm bài thơ này nữa. Tiềm lực tài nguyên không còn như thời tôi làm bài thơ này nữa, nhưng việc đánh thức tiềm lực trong con người là điều quan trọng hơn cả. Vì nếu tiềm lực trong con người không thức dậy được thì tiềm lực của đất đai cũng không thức dậy được.
Tôi dành phần mở đầu nói như vậy và để giải quyết vấn đề thì tôi dành ở nửa cuối bài thơ với tâm huyết của tôi mạnh mẽ hơn.
Nhà báo Huy Minh: Vâng phải đọc hết đầy đủ bài thơ mới có thể hiểu được thông điệp của tác giả. Tôi thấy ở đó đau đáu nỗi niềm của ông về ý thức, trách nhiệm của mỗi con người đối với đất nước mình để có thể “thoát nghèo” sau chiến tranh?
Nhà thơ Nguyễn Duy: Lúc đó chỉ đơn thuần là tôi muốn trình bày cảm xúc của tôi trước hiện thực của đất nước, cái lăn tăn giữa ước mơ và hiện thực.
Cũng thống nhất với tôi, ông Võ Văn Kiệt có nói là đây không phải chuyện chống tiêu cực hay biểu dương tích cực mà đây là vấn đề văn hóa, đây là vấn đề con người. Con người có thức dậy được thì đất đai mới thức dậy được. Đó là câu nói của ông Võ Văn Kiệt chia sẻ với bài thơ của tôi, tôi có ghi lại trong hồi ức đưa cho ông ấy đọc lại.
Vấn đề của bài thơ không phải nằm ở đoạn đầu. Đoạn mở đầu chỉ là những gợi mở và những người ra đề thi này đã đặt đúng đoạn đấy vào việc khai khác bài thơ gợi cho học trò, gợi cho các em tiếp tục tìm hiểu bài thơ.
“Tôi lớn lên trong bờ bãi sông Hồng
trong màu mỡ phù sa máu loãng
giặc giã từ con châu chấu con cào cào
mương máng đê điều ngổn ngang chiến hào
trang sử đất ngoằn ngoèo trận mạc
giọt mồ hôi nào có gì to tát
đã một thời mặn chát các dòng sông...
Cho đến lúc tôi làm bài thơ này, thực trạng đất nước vẫn đang là như thế, so với ngày hôm nay là đã khác đi nhiều rồi. Thực trạng là giữa ước mơ và hiện thực quá cách xa nhau và con người đóng góp để ước mơ gần lại với hiện thực lại quá ít ỏi. Đây mới là bắt đầu của giai đoạn mới.
Lúc này
tôi và em không còn là lũ trẻ con nữa
ta biết buồn để biết lạc quan
phải nhắn lại sau ta cho lớp lớp trẻ con
dù sau này dầu mỏ đã phun lên
quặng bôxít cao nguyên đã thành nồi thành xoong
thành tàu bay hay tàu vũ trụ
dù sau này có như thế… như thế... đi nữa
thì chúng ta vẫn cứ nên nhắn lại
đừng quên đất nước mình nghèo…
…Tôi muốn được làm tiếng hát của em
tiếng trong sáng của nắng và gió
tiếng dẻo dai đòn gánh nghiến trên vai
tiếng trần trụi của lưỡi cuốc
lang thang
khắp đất nước
hát bài hát
“Đánh thức tiềm lực”
“Đánh thức tiềm lực” là nặng về sau, còn phần mở đầu nhẹ hơn và đến bây giờ có thể nói là có phần nào lạc hậu. Nhưng cái phần sau và phần kết của bài thơ thì không lạc hậu và không bao giờ lạc hậu.
Tôi nghĩ là đánh thức tiềm lực để xây dựng một đất nước, một quốc gia, một dân tộc là công việc mang tính chất vĩnh cửu liên tục chứ không phải công việc nhất thời của một giai đoạn nào.
Nhà báo Huy Minh và nhà thơ Nguyễn Duy |
Nhà báo Huy Minh: Xin ông chia sẻ thêm về số phận của bài thơ kể từ khi ra đời cho đến nay trong gần 40 năm qua? Hình như có lúc nó bị cấm lưu hành?
Nhà thơ Nguyễn Duy: Bài thơ này ra đời giống như một thành tựu của hoạt động bí mật trong thời gian đó. Đây là một bài thơ mang tính phản biện xã hội. Nó khác hẳn mạch thơ thời trước đổi mới.
Đây là bài thơ tôi lặng lẽ làm trong 2 năm 1980 - 1982. Nhân cuộc tiễn ông Võ Văn Kiệt từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội thì tôi, ông Nguyễn Quang Sáng, ông Trịnh Công Sơn, ông Trần Long Ẩn và một, hai anh em nữa cùng làm bữa tiệc mời ông Võ Văn Kiệt đến để uống một chén rượu chia tay với chúng tôi. Ông ấy tới một mình với một cậu lái xe.
Hôm đó, tôi công bố bài thơ này với đề từ là “Tiễn đưa anh Sáu Dân đi làm kinh tế”.
Lúc đó hoàn toàn là một cuộc nội bộ với nhau thôi. Sau đó, tôi được Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh mời đọc ở Lễ kỷ niệm ngày học sinh, sinh viên ngày 9 tháng Giêng năm 1983. Người ta đã ghi âm và phát tán cuốn băng đó. Nó thành một sự kiện và có nơi cho phát hành, có nơi lại không cho phát hành.
Thực ra, bài thơ này chưa hề bị cấm bao giờ, chỉ có là khi ra đời bài thơ này nó lạ và mạnh mẽ nên hầu hết các tờ báo đều từ chối, ngại không dám in, chỉ có tờ “Văn nghệ Đồng Nai” của ông Xuân Sách thì in vào tháng 12/1984. Báo Tuổi trẻ mãi đến sau Đại hội VI năm 1986 mới in toàn văn và nó cũng gây một chấn động dư luận về văn chương hồi đó.
Sau đó, bài thơ được sử dụng trong nhiều tuyển tập và được dịch ra một số tiếng nước ngoài, không có vấn đề gì.
Tôi kể thêm một câu chuyện là năm 1983, tôi được mời dự Hội nghị Tổng kết 3 năm của ngành xuất khẩu thủy sản, tôi đọc bài thơ này. Lúc đó chưa có máy computer như bây giờ mà chỉ có máy rô-nê-ô thôi . Tôi đọc bài thơ này và họ đánh máy tại chỗ, in 500 bản rô-nê-ô phát cho các đại biểu coi như một tham luận của một Hội nghị kinh tế.
Suốt mấy chục năm vừa rồi có lúc nó chìm xuống, có lúc nó lại nổi lên, nhưng nó vẫn âm ỉ tạo dư luận trong đời sống văn chương.
Nhà báo Huy Minh: Thưa ông, vậy, ông Võ Văn Kiệt, tức ông Sáu Dân lần đầu tiên nghe bài thơ này của ông đã phản hồi đánh giá thế nào?
Nhà thơ Nguyễn Duy: Trước đó tôi cũng đã đọc những bài thơ cũng gai góc và nặng mà có thể là không có nhà thơ nào dám đọc trước mặt những người lãnh đạo một bài thơ như vậy.
Ông ấy đã quen với một số bài thơ ngắn của tôi rồi. Đến ngày tôi đọc xong thì ông có nói là “nặng lắm nhưng mà chịu được”. Đó là điều quan trọng mà tôi ghi nhận được ở ông ấy, ông nghe thơ mà như vừa trải qua một cuộc tra tấn ấy.
Như thế, chính ông ấy là nơi để mình tin rằng những điều khó nghe ngay từ lúc đó cũng đã có những người nghe, người biết nghe và biết chia sẻ.
Ở bất kỳ chỗ nào có mặt ông Võ Văn Kiệt và tôi ở đấy thì ông ấy cũng đề nghị tôi đọc bài thơ “Đánh thức tiềm lực”, rất nhiều lần, kể cả ngày sinh nhật của 75 tuổi của ông ở Dinh Độc Lập, đi về vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà có tôi đi cùng thì bao giờ ông cũng mời tôi đọc bài thơ này. Ông ấy đồng cảm với bài thơ này.
Nhà báo Huy Minh: Có nhiều ý kiến bài thơ này được ông viết theo đặt hàng?
Nhà thơ Nguyễn Duy |
Nhà thơ Nguyễn Duy: Không có ai đặt hàng, không tuyên truyền về gì hết, chỉ nói về tấm lòng và tâm huyết của mình trước thực trạng của đất nước, với tinh thần xây dựng rất cao, không có tiêu cực chút nào, rất tích cực.
Nếu từng câu, từng chữ đem ra ứng dụng trong giai đoạn đó thì đều là ứng dụng tích cực nhưng đứng ở những góc độ khác nhau thì người tiếp nhận sẽ có những suy nghĩ khác nhau về bài thơ. Đối với tôi, đó cũng là bình thường thôi.
Ai khen tôi cũng không lấy đó làm mừng mà ai chê, tôi cũng không lấy thế làm buồn. Tôi thấy mình đã làm được điều thật ở trong lòng của mình.
Tôi nghĩ cái gì viết mà chỉ từ miệng lưỡi thôi thì không thành công. Nó phải từ trong máu thịt, trong gan ruột thì mới thành công được, mà cái này tôi cũng không nghĩ nó có thành công hay không nhưng nó là gan ruột là máu thịt của tôi chứ không phải là bài thơ của miệng lưỡi.
Nhà báo Huy Minh: Thưa ông, với sự thành công của bài thơ này, ông nghĩ sao về dòng văn chương thế sự nên có vị trí hơn trong nhà trường, đến gần hơn với thế hệ trẻ?
Nhà thơ Nguyễn Duy: Tôi nghĩ là rất nên mà bây giờ mới làm là muộn. Đáng lẽ ra phải làm sớm hơn, nhưng dù sao muộn còn hơn không.
Đây cũng là một sự đánh thức thế hệ học sinh làm quen với cái mới, nhập cuộc với cái mới và nhận thức trách nhiệm công dân của mỗi người.
Bài thơ này, lẽ ra người ta phải đưa vào nhà trường cách đây vài chục năm nhưng nay mới đưa được. Tôi nghĩ phần sau của bài thơ có thể cũng phải một thời gian dài nữa mới đưa vào được.
Nhà báo Huy Minh: Xin cảm ơn ông đã chia sẻ với VietNamNet!
VietNamNet
Thực hiện: Lê Na- Phạm Huyền- Huy Minh
Video: Văn Châu, Bạt Tuấn
Ảnh: Đức Liên, Văn Châu
Email: [email protected]
Đề văn THPT quốc gia 2018: Thí sinh sẽ được chấm bao nhiêu điểm?
Trước đề thi Ngữ văn THPT quốc gia 2018 được đánh giá tốt hơn hẳn về tính phân hóa, kiểm tra được kiến thức, kỹ năng mà vẫn giữ được đặc trưng môn học, các giáo viên đã có những dự kiến về điểm số của thí sinh.
Không chỉ đề Văn, đề Toán thi vào lớp 10 Hà Nội cũng bị lọt ra ngoài
Không chỉ đề Văn, đề Toán thi vào lớp 10 ở Hà Nội năm học 2018-2019 cũng bị lọt ra ngoài sau khi các thí sinh bắt đầu bài thi chưa được bao lâu.
Đề Văn thi vào lớp 10 Hà Nội có câu hỏi gây khó cho nhiều thí sinh
Kết thúc buổi thi môn Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội năm học 2018-2019, nhiều học sinh chia sẻ gặp khó với một câu hỏi thử thách khả năng ghi nhớ.
Đề Văn thi vào lớp 10 ở Hà Tĩnh năm 2018
Hôm nay 6/6, các học sinh Hà Tĩnh đã trải qua đã bài thi môn Ngữ văn trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2018-2019.
Nhà thơ Nguyễn Duy: "Tôi rất mừng khi ra đề thi THPT quốc gia như vậy"
Trao đổi với VietNamNet trưa 25/6, nhà thơ Nguyễn Duy - tác giả "Đánh thức tiềm lực" khá bất ngờ và vui mừng khi đoạn trích trong bài thơ xuất hiện trong đề thi THPT quốc gia 2018.