Theo hãng tin RT, trong cuộc họp báo cuối năm thường niên diễn ra vào hôm nay (19/12), ông Putin đã bình luận về việc một số chuyên gia quân sự nước ngoài cho rằng tên lửa siêu vượt âm Oreshnik của Nga có thể dễ dàng bị các hệ thống phòng thủ của phương Tây bắn hạ.
"Nếu những chuyên gia phương Tây tin như vậy, họ nên đề xuất với các nhà lãnh đạo ở phương Tây và Mỹ tiến hành một cuộc thử nghiệm công nghệ. Ví dụ, một cuộc đấu tay đôi công nghệ cao của thế kỷ 21. Hãy để họ xác định một mục tiêu bảo vệ ở Kiev, tập trung tất cả các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa của họ ở đó, sau đó chúng tôi sẽ tấn công mục tiêu này bằng tên lửa Oreshnik. Hãy xem điều gì sẽ xảy ra. Chúng tôi đã sẵn sàng cho cuộc thử nghiệm như vậy. Phía còn lại đã sẵn sàng hay chưa?", ông Putin nói.
Cũng theo nhà lãnh đạo Nga, khi xét đến các đặc điểm kỹ thuật của Oreshnik và các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại do phương Tây triển khai, việc ngăn chặn tên lửa hoặc đầu đạn siêu vượt âm của Oreshnik sau khi nó được phóng ra là chuyện không thể.
Ông nói thêm, kết quả của "cuộc đấu tay đôi" này sẽ được cả Nga và Mỹ, nước đang triển khai các hệ thống phòng không tại Ukraine, quan tâm. Khi được hỏi tại sao Oreshnik lại được đặt tên như vậy, ông Putin thú nhận bản thân không biết.
Quân đội Nga đã tiến hành cuộc thử nghiệm chiến đấu đầu tiên đối với tên lửa siêu vượt âm Oreshnik vào ngày 21/11 để tấn công cơ sở công nghiệp quân sự của Ukraine tại thành phố Dnipro. Vào thời điểm đó, Tổng thống Putin cho biết quyết định phóng tên lửa Oreshnik được đưa ra để đáp trả các cuộc tấn công tầm xa của Ukraine vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí phương Tây.
Nhà lãnh đạo Nga cũng cho hay, Oreshnik di chuyển với tốc độ Mach 10 tức 2,95 km/giây, và các hệ thống phòng không hiện đại trên thế giới không thể đánh chặn.