Theo Sky News, trong ngày 12/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có những nhận định về chiến dịch phản công của Ukraine tại phiên họp toàn thể của Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF).
"Chiến dịch phản công của họ không đem lại kết quả, thậm chí quân đội Ukraine đang phải chịu tổn thất nặng nề. Một khi cạn kiệt nguồn lực, họ có thể sẽ muốn bắt đầu các cuộc đàm phán", ông Putin nói.
Tổng thống Putin tiết lộ, kể từ khi bắt đầu phản công, Ukraine đã tổn thất 71.000 quân, 543 xe tăng và khoảng 18.000 xe bọc thép.
Cũng theo chủ nhân Điện Kremlin, việc phương Tây viện trợ tiêm kích F-16 cho Ukraine sẽ không làm thay đổi cục diện ở tiền tuyến, khẳng định rằng chúng sẽ chỉ kéo dài cuộc xung đột.
Bên cạnh đó, Tổng thống Nga cũng chỉ trích Mỹ vì quyết định gửi các loại vũ khí gây tranh cãi như bom chùm và đạn uranium nghèo tới Ukraine.
"Mới đây thôi, Washington nói rằng việc sử dụng bom chùm là một tội ác chiến tranh. Giờ thì họ gửi cả chúng và đạn uranium nghèo cho Kiev", ông Putin nói.
Nga tập kích sân bay Ukraine, bắn nổ 5 máy bay chiến đấu
Theo Top War, trong ngày 12/9, không quân Nga đã thông báo về việc sử dụng vũ khí tầm xa độ chính xác cao để tập kích sân bay Dolgintsevo ở vùng Krivoy Rog. Sân bay này là nơi không quân Ukraine đặt các loại máy bay chiến đấu.
"Chúng ta đã thành công bắn nổ 5 chiến cơ của đối thủ, gồm 2 tiêm kích MiG-29 và 3 cường kích Su-25. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng của sân bay này cũng bị hư hại", thông báo của Nga nêu rõ.
Theo nguồn tin của truyền thông Nga, vào đầu tháng 9, quân đội Ukraine được cho là đã triển khai một số UAV tấn công và hàng loạt tên lửa chống radar HARM tới sân bay Dolgintsevo. Hiện phía Ukraine chưa đưa ra bình luận về thông tin của không quân Nga.
Ukraine không hài lòng vì Đức chưa chuyển giao tên lửa tầm xa
Theo Reuters, trong ngày 11/9, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết, việc chuyển giao tên lửa hành trình Taurus tới Ukraine là không quá gấp gáp, bởi "Mỹ đang xem xét gửi tên lửa ATACMS cho Kiev".
"Việc chuyển giao sẽ không tự động diễn ra nếu Mỹ đồng ý viện trợ tên lửa tầm xa ATACMS. Chính phủ Đức cũng chưa đưa ra quyết định chính thức về việc viện trợ tên lửa Taurus cho Ukraine", ông Pistorius nói.
Phản ứng trước tuyên bố của ông Pistorius, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói rằng Berlin "đang lãng phí thời gian". "Tôi không hiểu tại sao quyết định vẫn chưa được đưa ra, chúng tôi đã có thể đạt được nhiều mục tiêu và giảm thiểu tổn thất nếu có tên lửa Taurus", ông Kuleba lên tiếng.