Như đã đưa tin, hôm qua (19/12), cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã tống đạt các quyết định tố tụng đối với bị can Phùng Đình Thực, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Ngoài các tội danh đang được điều tra, theo nguồn tin, ông Thực cũng đã từng ký một văn bản đại diện tập thể lãnh đạo PVN nhận xét khá chi tiết về ông Trịnh Xuân Thanh.

Theo cơ quan An ninh Điều tra, qua điều tra vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Tham ô tài sản”, xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), ngày 19/12, cơ quan này đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Phùng Đình Thực về tội: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự, do những sai phạm của ông Thực trong quá trình chỉ đạo thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

{keywords}

Phần cuối văn bản nhận xét của ban lãnh đạo PVN về Trịnh Xuân Thanh do ông Thực ký, khi đó là Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN

Ngoài những tội danh trên, đáng chú ý, theo nguồn tin riêng của Dân trí, ông Thực đã từng đại diện cho tập thể lãnh đạo PVN ký một văn bản nhận xét cán bộ về riêng Trịnh Xuân Thanh- bị can đã bị khởi tố và hiện bị tạm giam vì tội cố ý làm trái quy định của nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo văn bản này (ký, đóng dấu ngày 4/9/2013), ông Trịnh Xuân Thanh được nhận xét, về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống như sau: "Chấp hành chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước; có ý thức học tập, nâng cao trình độ; tích cực tham gia sinh hoạt Đảng và các hoạt động khác ở nơi cư trú".

Về năng lực công tác, theo đánh giá của tập thể lãnh đạo PVN mà ông Thực ký, lúc đó trên cương vị Chủ tịch Hội đồng thành viên, từ tháng 11/2007 đến thời điểm ký văn bản (tháng 9/2013), ông Trịnh Xuân Thanh đã qua các chức vụ: Phó bí thư, Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT PVC.

{keywords}
Ông Phùng Đình Thực (mặc áo khoác đen) trong một lần xuống nhà máy PVTex. Ảnh: Website PVTex

Từ tháng 11/2007 đến năm 2012, thảo bản đánh giá trên, với các cương vị trên, ông Trịnh Xuân Thanh được đánh giá: "Đồng chí cùng tập thể lãnh đạo Tổng công ty lãnh đạo và xây dựng đơn vị vượt qua khó khăn và đã đạt được những kết quả nhất định trong giai đoạn trước năm 2012".

Tuy nhiên, bản nhận xét, đánh giá cán bộ trên cũng dành một đoạn nhận xét về một số vấn đề mà ông Trịnh Xuân Thanh phải chịu trách nhiệm trong giai đoạn sau (2012-2013), là thời gian PVC bắt đầu lâm vào tình trạng thua lỗ nghiêm trọng.

Cụ thể, ban lãnh đạo PVN đánh giá: "Từ 2012 đến 5/2013, bên cạnh nguyên nhân khách quan là tình hình kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản, còn có nguyên nhân chủ quan là do một số hạn chế trong công tác quản lý nhưng chậm khắc phục nên Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí đã không hoàn thành kế hoạch, làm ăn thua lỗ, hoạt động của đơn vị gặp nhiều khó khăn, một số cán bộ cấp dưới mắc sai phạm".

Cũng theo bản báo cáo này, với tình trạng trên, ban lãnh đạo PVN thời kỳ đó đã nhận xét: "Mặc dù đã cố gắng cùng tập thể lãnh đạo đơn vị đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ nhưng với cương vị là Chủ tịch HĐQT Tổng công ty, đồng chí Trịnh Xuân Thanh có phần trách nhiệm".

Được biết, bản nhận xét, đánh giá cán bộ trên cũng là một phần trong hồ sơ cán bộ về Trịnh Xuân Thanh, đã giúp ông này sau đó được đưa về Bộ Công Thương, liên tục được bổ nhiệm qua nhiều chức vụ khác nhau để sau đó tiếp tục được thuyên chuyển vào Hậu Giang, được bổ nhiệm làm các chức vụ: Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch tỉnh...trước khi bị phát hiện các sai phạm, bỏ trốn ra ngoài.

Được biết, gần đây nhất, Bộ Công Thương đã gửi văn bản, yêu cầu PVN làm rõ trách nhiệm về việc bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, quy định trong thời kỳ trước đây. Theo đó, Bộ này cho rằng, việc lãnh đạo PVN chỉ nhận trách nhiệm: "Rút kinh nghiệm sâu sắc" là chưa đầy đủ.

(Theo Dân trí)