Nhiều đời lãnh đạo bị bắt
Ngày 11/6, Tổng công ty máy Động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (VEAM) công bố thông tin ông Phan Phạm Hà, Tổng giám đốc đã bị bắt.
Trước đó ngày 10/6, VEAM nhận được thông báo của cơ quan cảnh sát điều tra – Công an thành phố Hà Nội về việc Đảng viên vi phạm pháp luật liên quan đến Quyết định khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với ông Phan Phạm Hà, Tổng giám đốc, về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. VEAM cũng đã ra thông báo miễn nhiệm tổng giám đốc và kế toán trưởng trong cùng một ngày.
Tháng 11/2019, Bộ Công Thương đã có văn bản đề cử ông Phan Phạm Hà làm người đại diện vốn nhà nước tại VEAM, giới thiệu tham gia HĐQT, giữ chức tổng giám đốc.
Ngày 24/6/2022, Hội đồng quản trị VEAM thông qua quyết định số 39/QĐ-HĐQT về việc bổ nhiệm lại chức danh tổng giám đốc đối với ông Hà.
Ông Phan Phạm Hà, sinh năm 1975, quê Hưng Nguyên, Nghệ An. Trước khi giữ vị trí Tổng giám đốc VEAM, ông Hà là đại diện phần vốn nhà nước, thành viên HĐQT Tổng Công ty Máy và Thiết bị công nghiệp - MIE (Bộ Công Thương), Tổng giám đốc Công ty Cơ khí Hà Nội - Hameco (đơn vị trực thuộc MIE).
Ông Hà có trình độ chuyên môn là cử nhân kế toán, thạc sĩ kinh tế, cao cấp lý luận chính trị.
Việc ông Hà bị bắt đã nối dài lịch sử buồn của doanh nghiệp ngành Công Thương khi liên tiếp các đời lãnh đạo VEAM bị bắt.
Ngày 3/8/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí tại VEAM.
Đồng thời C03 đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt ông Trần Ngọc Hà, nguyên chủ tịch HĐQT, nguyên tổng giám đốc VEAM; ông Lâm Chí Quang, nguyên tổng giám đốc VEAM cùng hàng loạt lãnh đạo, cựu lãnh đạo khác.
Lợi nhuận “khủng” chủ yếu dựa vào ông lớn ô tô, xe máy ngoại
Hàng năm, kết quả kinh doanh hợp nhất của VEAM đều tốt, tuy nhiên nguồn thu nhập chủ yếu do lợi nhuận từ các công ty liên doanh mang lại. Hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhiều đơn vị thuộc VEAM không đạt hiệu quả.
Từ hàng chục năm trước, VEAM đã tham gia liên doanh, liên kết với nhiều doanh nghiệp ô tô, trong đó đáng chú ý trong đó là sở hữu 20% vốn điều lệ Công ty Honda Việt Nam, 30% vốn điều lệ Công ty Toyota Việt Nam và 25% vốn điều lệ Công ty TNHH Ford Việt Nam. Đây là những liên doanh “đẻ trứng vàng” cho VEAM những năm qua. Kết quả kinh doanh của VEAM phụ thuộc rất lớn vào tình hình hoạt động của những “ông lớn” ô tô, xe máy này.
Tính đến cuối năm 2023, giá trị phần vốn chủ sở hữu của VEAM trong các hãng xe nói trên lần lượt là 4.280 tỷ đồng (tại Honda Việt Nam), 545 tỷ đồng (tại Toyota Việt Nam) và 374 tỷ đồng (tại Ford Việt Nam).
Năm 2023 VEAM được chia 5.844 tỷ đồng từ Honda Việt Nam, 660 tỷ đồng từ Toyota Việt Nam và 303 tỷ đồng từ Ford Việt Nam.
Tổng lợi nhuận được chia từ ba liên doanh này năm ngoái (6.807 tỷ đồng), cao hơn lợi nhuận được chia năm 2022 (5.326 tỷ đồng).
Bộ Công Thương đang là cổ đông lớn nhất, nắm giữ hơn 1,175 tỷ cổ phiếu VEA, tương ứng 88,47% vốn điều lệ công ty. Bộ Công Thương với vai trò cổ đông Nhà nước nhận về xấp xỉ 4.900 tỷ đồng lợi nhuận năm 2023, chủ yếu là từ các liên doanh kể trên.
Trong 5 năm qua, VEAM luôn chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ trên 40%, thậm chí là hơn 50% trong những năm 2019 và 2020.
VEAM cũng vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, dự kiến tổ chức vào ngày 20/6 tới đây.
Năm 2024 công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 6.413,8 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 5.488,9 tỷ đồng, giảm gần 19% so với năm 2023 (chưa bao gồm trích lập bổ sung hoặc hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho cuối năm). Nhiệm vụ trọng tâm của VEAM vẫn là đẩy mạnh tiêu thụ các dòng xe đang sản xuất, cũng như các dòng xe mới đưa ra thị trường.
Về tình hình sản xuất kinh doanh các lĩnh vực cụ thể, VEAM đánh giá: Lĩnh vực động cơ và máy nông nghiệp liên tục sụt giảm trong nhiều năm gần đây, kinh doanh ô tô chưa có dấu hiệu khả quan. Nhà máy ô tô VEAM (VM) dự kiến ccòn nhiều khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu tiêu thụ hàng tồn kho lâu năm, các sản phẩm mới đưa ra thị trường còn hạn chế (xem thêm tại đây).
VEAM cũng dự kiến tìm giải pháp về pháp lý, thị trường, tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh tiêu thụ lượng xe tồn tại tại Nhà máy ô tô VEAM (VM) cũng như xe ô tô Changan và máy kéo ISEKI. Đồng thời VM tìm phương án để tiêu thụ xe tồn kho nhanh chóng, hiệu quả, đúng trình tự tuân thủ các quy định của pháp luật; đẩy nhanh tiến độ sản xuất, tiêu thụ xe sản xuất mới với các đối tác, đại lý…
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/6, cổ phiếu VEA tăng 200 đồng lên 47.500 đồng/cổ phiếu.
Ngày 24/5/2022, TAND TP Hà Nội tuyên án vụ sai phạm xảy ra tại Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM).
HĐXX tuyên phạt ông Trần Ngọc Hà (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên, nguyên TGĐ VEAM) 11 năm tù; Lâm Chí Quang (nguyên TGĐ VEAM) 8 năm tù... Các bị cáo bị truy tố tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Tiếp đó, ngày 5/5/2023, TAND TP Hà Nội đưa các bị cáo Phạm Vũ Hải (cựu Phó TGĐ Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), cựu Giám đốc Nhà máy ô tô Veam (VM); Nguyễn Đức Toàn (cựu Phó Giám đốc VM), Trần Ngọc Hà (cựu Chủ tịch HĐTV, TGĐ VEAM) ra xét xử tội Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí. Ngày 28/12/2023, TAND TP Hà Nội tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Thanh Giang (cựu TGĐ, Ủy viên HĐQT Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - VEAM) và Lâm Chí Quang (cựu Chủ tịch HĐQT VEAM) mức án 5 năm tù; Đào Huấn Ngữ (cựu GĐ Công ty Đúc số 1 thuộc VEAM) 33 tháng tù cùng về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. |