Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa tự nhận hình thức nghiêm khắc phê bình trước Thủ tướng vì để dự án thu phí tự động không dừng chậm tiến độ.

Một trong những lý do khiến dự án chậm là do dịch vụ này đem lại tiện ích cho chủ phương tiện nhưng để thực hiện được thì còn quá nhiều việc phải làm. 

Anh Lê Văn Nam ở Ba Đình (Hà Nội) chia sẻ, dịch vụ thu phí tự động không dừng khi mới triển khai được cho sẽ đem nhiều tiện ích như: Giảm thời gian, tránh ùn tắc giao thông tại trạm thu phí và công khai minh bạch nguồn thu.

Tuy nhiên, khi triển khai đã bộc lộ những bất cập khiến chủ phương tiện không thực sự mặn mà tiếp nhận dịch vụ.

Việc dịch vụ đưa vào quy định bắt buộc chủ phương tiện phải nạp tiền trước qua thẻ giao thông, không liên thông với thẻ ngân hàng và mất phí SMS hàng tháng từ thẻ giao thông… khiến chủ phương tiện ngại sử dụng dịch vụ này.

{keywords}
Theo Cục Đăng kiểm VN, đến nay cả nước có hơn 830.000 phương tiện dán thẻ thu phí tự động không dừng

“Công việc của tôi phải đi qua trạm BOT hàng ngày nhưng thấy dịch vụ rườm rà, chưa thực sự tiện ích nên dù dán thẻ E-tag hơn 3 năm nay tôi vẫn không nạp tiền vào tài khoản.

Các dự án BOT giao thông chủ yếu là tiền vay của ngân hàng, tại sao các ngân hàng không liên kết với nhà đầu tư trừ tiền trực tiếp qua thẻ ngân hàng mà lại bắt buộc phải lập tài khoản giao thông rồi tự nạp tiền vào mới sử dụng được dịch vụ”, anh Nam băn khoăn.

Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN Nguyễn Văn Quyền cho biết, thời gian qua các doanh nghiệp (DN) vận tải rất quan tâm đến vấn đề thu phí không dừng. Tuy nhiên, quá trình triển khai dịch vụ lại chưa thực sự đem lại tiện ích cho các DN vận tải.

Các cơ quan quản lý dường như đang lạm dụng các giải pháp hành chính và tập trung vào vấn đề công nghệ nhiều hơn, trong khi lại chưa quan tâm đến vấn đề thị trường.

“Muốn bán được dịch vụ phải nghiên cứu thị trường xem người ta cần gì, mong muốn gì. Vấn đề này trong thời gian qua dường như chưa quan tâm đúng mức nên mới có chuyện đến nay có hơn 830.000 phương tiện của DN, người dân đã gắn thẻ E-tag nhưng không sử dụng. 

Đứng ở góc độ thị trường, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN cho rằng, dịch vụ thu phí tự động nên đưa ra cả hình thức trả tiền trước và trả sau tạo thuận tiện cho người dùng, không nên đưa ra một hình thức thanh toán rồi ép người dùng phải thực hiện. 

Hình thức trả sau thì có hình thức ký hợp đồng, thông báo tài khoản, xe đi qua cứ tích vào rồi DN vận tải sẽ trả.

Sẽ liên thông trừ tiền qua tài khoản ngân hàng

Về việc tại sao khách hàng đi mà không trừ tiền trực tiếp từ tài khoản của ngân hàng mà phải chuyển vào tài khoản giao thông, Phó tổng giám đốc công ty VETC Hồ Trọng Vinh cho biết, kinh nghiệm của các nước, tài khoản ngân hàng khi xe đi qua trạm sẽ không đủ thời gian để trừ trực tiếp qua hệ thống ngân hàng để kiểm tra số dư.

Xe đi qua trạm chỉ 0,02 giây cũng không đủ thời gian để truy nhập nhiều lớp bảo mật của ngân hàng.

Tuy nhiên, giải pháp của VETC tới đây là liên kết với ngân hàng để ngân hàng tự động trừ một số tài khoản dư nào đó để phục vụ cho việc chủ tài khoản sử dụng thẻ ETC.

Về việc chủ xe phải trừ phí SMS từ thẻ giao thông 8.800 đồng/ tháng, ông Vinh giải thích, giai đoạn đầu nhiều đơn vị yêu cầu VETC phải thông báo cho khách hàng số tiền hàng tháng và đơn vị đã thực hiện thông báo tin nhắn và thu phí cước phí như dịch vụ viễn thông.

Tuy nhiên, đến nay VETC đã triển khai 2 giải pháp, khách hàng có thể đăng ký SMS hoặc không, để không bị trừ phí.

Ở góc độ cá nhân, ông Nguyễn Viết Huy Vụ trưởng Đối tác Công tư (PPP - Bộ GTVT) thừa nhận, dịch vụ thu phí tự động vẫn còn bất cập. Thứ nhất dịch vụ mất phí, thứ hai là việc hoàn thành thu phí không dừng chưa đồng bộ.

Ông Huy cho hay, Quyết định 07 sửa đổi bổ sung thêm trách nhiệm của một số cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Ngân hàng Nhà nước về quản lý dòng tiền. Ví dụ như lãi, tại sao chủ phương tiện nộp tiền vào lại không được hưởng lãi…

Phạt xe không dán thẻ đi vào làn thu phí tự động

Một lãnh đạo Bộ GTVT thừa nhận, triển khai thu phí tự động trên thực tế gặp khó khăn, vướng mắc dẫn tới không đạt lộ trình Thủ tướng giao.

Khó khăn chủ yếu liên quan tới pháp lý, đàm phán để lắp đặt hệ thống thu phí tự động.

Bộ GTVT đã đề xuất các giải pháp về mặt pháp lý để tháo gỡ vướng mắc trong triển khai thu phí tự động qua việc sửa đổi Quyết định 07 của Thủ tướng.

Dự thảo sửa đổi đưa ra lấy ý kiến đề xuất, các trạm thu phí đang hoạt động phải vận hành thu phí tự động sau 1 năm kể từ ngày chọn được đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động.

Với trạm thu phí mới, chỉ được thu phí khi đã triển khai thu phí tự động. Trạm thu phí nào chậm triển khai sẽ bị dừng thu phí. 

Dự thảo cũng bổ sung quy định nộp phí theo tháng, quý. Chủ phương tiện cũng được sử dụng dịch vụ thu phí tự động khi chưa nộp tiền vào tài khoản giao thông, đơn vị thu phí sẽ ghi nợ và thông báo với chủ phương tiện; tối đa 10 ngày từ khi nhận thông báo, chủ phương tiện phải chuyển tiền trả phí.

Trường hợp chủ phương tiện không nộp, đơn vị thu phí có quyền khởi kiện, đòi nợ.

Ngoài ra, Nghị định 100 có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, cũng bổ sung quy định: Phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng, tước bằng lái 1 - 3 tháng đối với người lái xe không hoàn thành đủ điều kiện để thu phí tự động mà đi vào làn thu phí tự động.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tự nghiêm khắc phê bình vì để chậm thu phí không dừng

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tự nghiêm khắc phê bình vì để chậm thu phí không dừng

Để chậm tiến độ triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể và Thứ trưởng phụ trách kiểm điểm, tự nhận hình thức nghiêm khắc phê bình, rút kinh nghiệm.

Vũ Điệp