Cụ thể, theo CEO Nguyễn Tử Quảng, Deepfake không chỉ là mối đe dọa với người nổi tiếng, mà sẽ còn làm đảo lộn cuộc sống của bất cứ ai, đồng thời làm thay đổi thói quen chia sẻ ảnh cá nhân trên mạng xã hội.

CEO BKAV Nguyễn Tử Quảng:

Đây được xem là một trong những nguy cơ về quyền riêng tư được dự đoán không thể ngăn chặn. Deepfake là những video, hình ảnh, giọng nói, âm thanh bị các phần mềm trí tuệ nhân tạo chỉnh sửa, bóp méo, cắt ghép khiến chúng trông như thật. Ban đầu, DeepFake chủ yếu được dùng để ghép khuôn mặt các nữ diễn viên vào trong những video mang tính khiêu dâm. Tuy nhiên, các công cụ này ngày càng phổ biến, đe dọa không chỉ các ngôi sao, chính trị gia mà cả người dùng bình thường.

Chủ tịch Bkav cho biết, vào năm 2017, một người dùng mạng đã sử dụng thuật ngữ này cho những video giả mạo, sử dụng trí tuệ nhân tạo. Video Deepfake đầu tiên là về cựu tổng thống Mỹ Obama chia sẻ những điều mà thực tế ông không hề nói. Đó là một "Obama" giả. Có những video Deepfake đã có hàng triệu lượt xem. Tổng cộng có 20 diễn đàn chuyên về Deepfake, 100.000 thành viên tiếp cận, 96% video Deepfake là video khiêu dâm, 4% còn lại là video nội dung khác. Vì sao khác biệt về tỷ lệ? Vì video khiêu dâm có vẻ vô hại. Nhưng thực tế, xu hướng này là một quả bom hạt nhân, nguy hiểm khôn lường và tạo tác động cực kỳ lớn, CEO BKAV nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Tử Quảng cho rằng chủ yếu dân mạng sử dụng trí tuệ nhân tạo để giả mạo chính trị gia hoặc nghệ sĩ nổi tiếng. Năm 2019, tại châu Phi, xuất hiện một video giả mạo để nói về sức khỏe của Tổng thống Trung Phi, châm ngòi cho một cuộc đảo chính quân sự.

CEO BKAV Nguyễn Tử Quảng:

Bản chất của Deepfake chinh là Deep Learning, khi năng lực tính toán của máy móc ngày càng nâng cao, công nghệ phát triển cho phép "bộ não" máy tính thông minh hơn. Năm 2010, khả năng sai sót của deep learning vẫn còn cao đến 30% - khó chấp nhận. Đến năm 2012, có sự đột phá khi tỷ lệ sai sót của deep learning chỉ còn 15% - khả dĩ để sử dụng trong thực tế. Các doanh nghiệp bắt đầu nhận thấy tiềm năng của deep learning.

"Có vẻ như đến thời điểm này, thế giới đã tương đối thành công khi bắt chước bộ não người. Tỷ lệ chính xác của công nghệ deep learning ngày càng cao. Các module tại Bkav hiện có thể chính xác đến 98%", ông Nguyễn Tử Quảng nói.

Ban đầu, video Deepfake còn thô sơ. Chúng ta có thể biết được một video là giả hay không, có một số biểu cảm rất "giả". Từ một số chi tiết nhỏ như lông mày, nếp nhăn, cách cử động miệng không tự nhiên, người dùng có thể nhận ra được.

Tuy nhiên, Deepfake đang "tiến hóa". Càng ngày, các video càng "thật". Nhân vật giả trong video Deepfake có thể cử động chính xác tương tự như người thật, giống kể cả về giọng nói. Như vậy, Deepfake đã lấy chất liệu từ hình ảnh đến âm thanh để giả tạo con người, khiến người dùng càng ngày càng khó nhận biết.

"Với tôi, Deepfake chính là "bom hạt nhân". Chỉ trong hai năm xuất hiện, video Deepfake đã có thể tạo ra một cuộc đảo chính. Nếu một doanh nghiệp lớn trên sàn chứng khoán gặp khủng hoảng thông tin, xuất hiện video giả mạo về chủ doanh nghiệp, thì thiệt hại cực kỳ lớn", ông Nguyễn Tử Quảng khuyến cáo.

CEO Bkav nêu một ví dụ vui về video ông xem hôm qua, về rau chân vịt. Rau thì rất tốt, bổ sung vitamin, chất xơ, dinh dưỡng... Tỷ lệ sắt trong rau chân vịt là 2,7% trên một đơn vị tỷ lệ, nhưng một hôm, một nhà khoa học viết sót dấu phẩy, khiến thông tin trở thành 27%. Thông tin đã lan truyền nhanh, dù đã được đính chính. Đây là một nguy cơ.

"Sự thật là gì? Nhiều người nghĩ là thật thì một thông tin dù ban đầu là giả, cũng có thể trở thành sự thật khách quan. Đó là rủi ro lan truyền thông tin giả mạo trên mạng", ông Quảng nói.

Vậy làm sao để ngăn chặn Deepfake?

Ông Nguyễn Tử Quảng cho rằng: "Dĩ độc trị độc". Người thật có những đặc trưng, Deepfake có thể học. Ngược lại, chúng ta cũng có thể dùng chính Deepfake để học đặc trưng của video giả. Bằng mắt thường, chúng ta có thể không nhận ra, nhưng bằng Deepfake, "Deepfake có thể nhận diện Deepfake", ông Quảng nói.

CEO BKAV Nguyễn Tử Quảng:

"Chúng tôi đã nghiên cứu ròng rã 20 năm qua, sử dụng công nghệ cao để ngăn chặn, chống lại rủi ro công nghệ cao. Những kẻ tạo ra video Deepfake cũng sẽ tương tự như hacker. Đó là 'cuộc chiến' liên tục giữa người với người trên không gian mạng. Nhưng trong tương lai, đó sẽ là 'cuộc chiến' giữa máy với máy", đại diện Bkav khẳng định.

Các doanh nghiệp phản ứng thế nào với Deepfake? Google, Facebook cũng đang đau đầu với xu hướng này. Microsoft cũng đang nỗ lực tham gia nghiên cứu. Tại Việt Nam, Bkav đang quan sát, nghiên cứu tất cả mối nguy trên không gian mạng. Công ty đang phát triển các module Deepfake để phát hiện video Deepfake trên mạng. Các trường đại học cũng đang tích cực nghiên cứu chủ đề này.

Vậy doanh nghiệp, người dùng chuẩn bị tinh thần thế nào? Từ góc độ người dùng, cần ý thức bảo vệ thông tin cá nhân. Càng cung cấp nhiều thông tin trên mạng, Deepfake càng dễ đánh cắp và giả mạo người dùng. Dĩ nhiên, không thể hạn chế sử dụng Internet, mạng xã hội. Nhưng hãy chú ý đừng chia sẻ vô tội vạ, nhất là dữ liệu hình ảnh, âm thanh.

CEO BKAV Nguyễn Tử Quảng:

Kế đến, các doanh nghiệp cần có quy trình ứng phó rủi ro do video Deepfake tạo ra. Cần có hệ thống theo dõi Internet, mạng xã hội, khi có video giả về lãnh đạo, doanh nghiệp, cần có công cụ quét và phát hiện thông báo kịp thời khi video chưa bùng nổ. Một khi thông tin đã lan truyền, sẽ rất khó để đính chính.

Tiếp theo, doanh nghiệp cần sẵn sàng quy trình chuẩn để ứng phó. Khi xuất hiện sự cố, cần có bằng chứng, dữ liệu, công nghệ, quy trình để chống lại thiệt hại. Ở góc độ vĩ mô, các nhà làm luật cần bắt tay nghiên cứu, ban hành luật kiểm soát, giám sát, cấm phát tán và xử lý phù hợp để bảo vệ doanh nghiệp, tổ chức, người dân.

"Nhiều doanh nghiệp lớn như Facebook cũng đang nỗ lực, nhưng cùng với đó là sự bất lực bởi không đơn giản để xử lý quả 'bom hạt nhân' này", ông Nguyễn Tử Quảng nói.