HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng, bị cáo Nguyễn Thanh Long biết rõ test xét nghiệm là của Nhà nước nhưng đã giúp sức, tiếp tay cho Chủ tịch Việt Á Phan Quốc Việt lưu hành.
Bị cáo được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ như tích cực hợp tác với CQĐT, nộp lại toàn bộ số tiền nhận hối lộ 2,25 triệu USD…, điều này cũng thể hiện thái độ ăn năn hối cải của bị cáo.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Thanh Long xuất trình thêm tài liệu mới như bản thân bị hội chứng ngừng thở khi ngủ, tự nguyện khắc phục thay bị cáo Phan Quốc Việt 1 tỷ đồng là tình tiết giảm nhẹ mới.
HĐXX cũng nhận định rằng, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế là một nhà khoa học uy tín, người đặt nền móng cho Quỹ toàn cầu phòng chống AIDS. Bị cáo là người góp phần đào tạo nhiều tiến sỹ y khoa…
Vì vậy, có cơ sở để chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo, giảm nhẹ một phần hình phạt để bị cáo yên tâm cải tại, có cơ hội sửa chữa sai lầm.
HĐXX cũng chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của các bị cáo: Phạm Duy Tuyến (cựu Giám đốc CDC Hải Dương), Nguyễn Nam Liên (cựu Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế), Ngụy Thị Hậu (cựu phó phòng Tài chính kế toán, CDC tỉnh Bắc Giang), Trần Thanh Phong (cựu Phó phòng Tài chính Kế toán CDC Bình Dương), Lê Thị Hồng Xuyên (cựu nhân viên CDC Hải Dương).
Theo đó, bị cáo Tuyến nhận 12 năm tù; Liên: 6 năm 3 tháng tù; Hậu: 30 tháng tù treo; Xuyên: 24 tháng tù treo. Riêng bị cáo Phong được HĐXX cấp phúc thẩm quyết định miễn trách nhiệm hình sự.
HĐXX cấp phúc thẩm bác kháng cáo của các bị cáo: Phan Quốc Việt (Chủ tịch kiêm TGĐ Công ty Việt Á), Vũ Đình Hiệp (phó TGĐ Công ty Việt Á), Trần Thị Hồng (nhân viên Việt Á) và Nguyễn Trường Giang (TGĐ Công ty VNDAT).
Không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của ông chủ Việt Á
Theo nhận định của HĐXX, lời khai của các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm phù hợp với lời khai tại CQĐT, phù hợp với lời khai tại phiên tòa sơ thẩm, lời khai của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, nguyên đơn dân sự, tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án…
Vì vậy, có đủ căn cứ kết luận, bị cáo Phan Quốc Việt đã cấu kết với các bị cáo khác, những người có chức vụ quyền hạn để được tham gia đề tài nghiên cứu chế tạo sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Sau đó, bằng nhiều cách thức, thủ đoạn khác nhau, các bị cáo đã thực hiện chuỗi sai phạm: biến đề tài Nhà nước thành của mình, xin cấp phép lưu hành chính thức, xin cấp số đăng ký lưu hành, sản xuất, bán ra thị trường, thu lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn, hơn 1.235 tỷ đồng.
Theo HĐXX phúc thẩm, hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc xã hội, làm suy thoái, băng hoại đạo đức của một số cán bộ, làm mất lòng tin của nhân dân.
Trong vụ án này, bị cáo Phan Quốc Việt cấu kết với bị cáo khác thực hiện nhiều hành vi vi phạm, cấu kết với các bị cáo bên Bộ Y tế để hiệp thương giá, đưa hối lộ, gây thiệt hại, hưởng lợi số tiền đặc biệt lớn.
Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo đã được áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ: tích cực hợp tác với CQĐT, nộp 100.000 USD, đề nghị được sử dụng tài sản đang bị tạm giữ kê biên để khắc phục hậu quả, bị cáo cũng có công góp phần tích cực đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 tại một số tỉnh, thành phố; bị cáo có nhiều hoạt động tri ân, thiện nguyện…
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Việt khắc phục thêm 200 triệu đồng. Tuy nhiên, bị cáo có 2 tình tiết tăng nặng là lợi dụng dịch bệnh để phạm tội và phạm tội 2 lần trở lên. Trong vụ án này, bị cáo là người chỉ đạo điều hành, đưa ra chủ trương cấu kết với bị cáo khác, bị cáo được hưởng lợi.
Đánh giá mức độ hành vi, vai trò của bị cáo, HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng, tòa án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Việt mức án 29 năm tù về tội “Đưa hối lộ” và “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” là tương xứng, phù hợp với quy định của pháp luật nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ của bị cáo.