Chiều 18/4, phiên tòa xét xử cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn và các đồng phạm khép lại phần tranh luận. Trước khi nghị án, HĐXX cho các bị cáo được nói lời sau cùng.
Được quyền nói lời sau cùng, cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội trình bày: "Trong vụ án này, tôi nhận thức sâu sắc vai trò của mình, tôi không có biện hộ nào cho hành động mà mình đã gây ra, chỉ mong quý tòa có đánh giá nhân văn hơn nữa, cho tôi sớm được trở về với gia đình, xã hội, tiếp tục được đóng góp, nghiên cứu khoa học, đào tạo cho nhiều bác sĩ tim mạch có trình độ cao".
Ông Nguyễn Quang Tuấn cho biết, ngay khi xảy ra sai phạm tại Bệnh viện Tim Hà Nội, bị cáo đã cảm thấy rất ăn năn. "Bị cáo xin lỗi toàn bộ cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Tim Hà Nội và Bệnh viện Bạch Mai. Hành vi của bị cáo đã làm tổn thương họ, làm ảnh hưởng đến uy tín của 2 bệnh viện", ông Nguyễn Quang Tuấn nói.
Thừa nhận những sai phạm của bản thân trong vụ án, ông Tuấn mong các cán bộ, nhân viên y tế của 2 bệnh viện mà ông từng làm giám đốc lấy đó làm bài học đau buồn, tránh vấp phải lỗi lầm tương tự. Ông Tuấn mong muốn HĐXX xem xét giảm nhẹ tội cho các bị cáo trong vụ án, đặc biệt là 4 cựu cán bộ của Bệnh viện Tim Hà Nội.
Trong lời nói sau cùng, ông Nguyễn Quang Tuấn nhắc lại quá trình công tác với nhiều đóng góp của bản thân như: Được công nhận là Giáo sư ngành tim mạch Việt Nam; là Chủ tịch Hội tim mạch Hà Nội; Thành viên Ban chấp hành - Chủ tịch danh dự Hội can thiệp tim mạch Việt Nam; Thành viên Ban cố vấn Hội Tim mạch học can thiệp châu Á – Thái Bình Dương; Thành viên Hội tim mạch học can thiệp Hoa Kỳ; Thành viên trường môn tim mạch học Hòa Kỳ.
Bị cáo Tuấn nhắc đến việc bản thân đã tích cực tham gia đào tạo, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho các cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hà Nội và 35 tỉnh thành trên cả nước…
“Khi tôi làm Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, thời điểm đó, BV nhỏ, thuộc Sở Y tế Hà Nội và chủ yếu liên quan đến phẫu thuật tim. Tôi và các đồng nghiệp đã tâm huyết phát triển Bệnh viện Tim Hà Nội trở thành nơi chuyên về tim hoàn chỉnh nhất ở Việt Nam, gồm 5 chuyên khoa. Bệnh viện được công nhận là bệnh viện đầu ngành về tim mạch Việt Nam”, lời bị cáo Nguyễn Quang Tuấn.
Lời nói sau cùng, ông Tuấn cũng kể về những việc làm từ thiện của mình khi đã cùng đồng nghiệp làm nhiều công tác từ thiện như: Khám sàng lọc cho bệnh nhân, nhiều trẻ em ở vùng sâu, vùng xa; tham gia chương trình “Trái tim cho em”…
Trình bày lời nói sau cùng, bị cáo Hoàng Thị Ngọc Hưởng (cựu Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội) nói: “Để xảy ra sai xót, bị cáo rất ăn năn hối cải. Khi mình sắp về hưu rồi lại để xảy ra chuyện như thế này, bị cáo suy nghĩ rất nhiều.
Bị cáo thấy cả ban lãnh đạo bệnh viện đã cố gắng phát triển chuyên môn, tạo công ăn việc làm, cơ hội cống hiến cho 700 cán bộ. Thời điểm đó 50% lãnh đạo bệnh viện vi phạm pháp luật cũng làm mất đi hình ảnh, cũng là điều đáng tiếc”.
Bà Hưởng mong HĐXX tạo điều kiện để mình sớm được về với gia đình, về với xã hội để làm được điều có ích. “Chỉ vì cơ chế mua sắm, chỉ vì không muốn đóng cửa bệnh viện mà các bị cáo đã có những sai phạm như vậy, mong HĐXX xem xét”, lời cựu Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội.
Bị cáo Nghiêm Tuấn Linh (cựu Phó trưởng phòng vật tư y tế Bệnh viện Tim Hà Nội) trong lời nói sau cùng đã cho rằng: “Do cơ chế tại thời điểm đó không được rõ ràng như bây giờ về vấn đề lập danh mục, kế hoạch đấu thầu… Do đó, hầu hết các đơn vị đều phải thuê thẩm định giá. Bị cáo nghĩ đơn giản có chứng thư thẩm định giá là đủ điều kiện phê duyệt đấu thầu”.
Trong lời nói sau cùng của mình, nhiều bị cáo khác bày tỏ sự hối hận, đã không cầm được nước mắt khi nhắc đến gia đình. Họ gửi lời xin lỗi và mong được hưởng lượng khoan hồng để sớm được đóng góp có ích cho xã hội.
HĐXX nghỉ nghị án và sẽ tuyên án vào 14h ngày 21/4.