Ông Nguyễn Ngọc An có dáng người nho nhã, gương mặt và ánh mắt sáng, đôi chân thoăn thoắt nên được ban tổ chức lễ hội Tịch điền 4 lần giao đóng vai Vua Lê Đại Hành xuống đồng đi cày.
Ông An chia sẻ: "Tôi vẫn nhớ như in lần đầu tiên được gọi tên để khoác long bào cày ruộng, hồi hộp lắm. Đêm trước ngày diễn ra hội là đêm tôi trằn trọc và lo lắng.
Dù đã được tập duyệt nhiều lần trước đó, bản thân tôi cũng không lạ lẫm với con trâu, cái cày, thế nhưng tâm trạng bồn chồn là điều không thể tránh khỏi.
Đến nay, khi đã trải qua 4 lần đóng vai Vua Lê Đại Hành khoác long bào, đi cày trước đông đảo người dân Hà Nam, bản thân tôi đã thấy tự tin hơn nhiều”.
"Bản thân tôi và gia đình lấy làm vinh dự, tự hào khi lần thứ 4 được đóng vai Vua Lê Đại Hành tham dự lễ Tịch điền.
Việc chuẩn bị sức khỏe, tinh thần tốt là điều rất cần thiết. Tôi là người đầu tiên cày, sau đó các vị quan chức, lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước xuống cày, nghĩ lại tôi thấy phấn khởi lắm.
Hy vọng những năm sau nữa tôi vẫn đủ sức khỏe để tham dự lễ Tịch điền và vui hơn nữa nếu được chọn đóng vai Vua Lê Đại Hành lần thứ 5, thứ 6...", lão nông 73 tuổi nói.
Chia sẻ thêm về gia đình, ông Nguyễn Ngọc An cho biết bản thân có 2 người con trai, 4 cháu nội. Vợ ông là y sĩ bệnh viện huyện Duy Tiên nhưng đã nghỉ hưu. Ông là bộ đội phục viên về tham gia sản xuất tại xã. Gia đình được cấp 3 sào ruộng, trước đây ông vẫn cày cấy. Tuy nhiên, những năm gần đây do tuổi cao nên ông bàn giao lại cho con cháu trông nom, canh tác.
Hòa chung không khi vui tươi sau lễ Tịch điền 2023, ông An nói: "Bước sang năm mới tôi mong muốn nhân dân tỉnh Hà Nam nói riêng và cả nước nói chung đều vui vẻ, hạnh phúc".
Ông Phạm Huy Hoàng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Duy Tiên (Hà Nam) cho biết: "Thực sự không có tiêu chí cứng về chọn người đóng vai Vua Lê Đại Hành nhưng phải chọn được người có sức khoẻ, biết cày, hiền lành, đức độ, gia đình hạnh phúc, con cháu đề huề, sum vầy... Thứ hai, phải có dáng đi thể hiện sự oai phong, bệ vệ, toát lên khí chất của một vị vua. Thứ ba, bản thân người đó phải được sự tín nhiệm của nhân dân trong làng”.
Năm nay có một chi tiết mới mà ban tổ chức phải rất cẩn thận, cân nhắc mãi, đó là việc những năm trước ông An tóc đen thì giờ tóc bạc trắng nên phải chuyển râu đen sang trắng trên mặt nạ cho phù hợp.
Ông Nguyễn Ngọc An năm 2022 với bộ râu đen và năm 2023 (ảnh bên phải) với bộ râu trắng cho phù hợp với mái tóc bạc.
Theo sử sách ghi lại, mùa xuân năm Đinh Hợi (987), Vua Lê Đại Hành là vị vua đầu tiên trong các triều đại phong kiến Việt Nam đã chọn vùng đất Đọi Sơn linh thiêng để tổ chức lễ Tịch điền, khuyến khích, nhắc nhở thần dân coi trọng, chăm lo sản xuất nông nghiệp, cái gốc của sự ấm no, hạnh phúc.
Kể từ đó, lễ Tịch điền trở thành một lễ hội văn hóa truyền thống được các triều đại chú trọng tổ chức, là một nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đề cao vai trò của sản xuất nông nghiệp.
Theo thứ tự, người đóng vai vua Lê Đại Hành dẫn trâu cày 3 sá ruộng (đường cày), rồi tới lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo tỉnh cày 5 sá, lãnh đạo huyện cày 7 sá, lãnh đạo xã và cuối cùng là các bô lão cày 9 sá. Theo sau đường cày là các thôn nữ gieo hạt giống.