Một năm thăng trầm
Tổng kết năm 2023, ông nói: tình hình kinh tế xã hội tiếp tục phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước; cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của kinh tế toàn cầu.
Kết quả đó rõ ràng là đáng ghi nhận sau khi tình hình kinh tế bỗng đột ngột xấu đi nhanh kể từ đầu quý 4/2022 với lãi suất tăng cao; các thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp đột ngột đảo chiều và nhiều vụ án lớn dồn dập diễn ra. Niềm tin của doanh nhân, của thị trường bị bào mòn nghiêm trọng.
Ngày 9/5, tại phiên thảo luận về kinh tế, xã hội của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ông nói: “Nhiều doanh nghiệp lớn chúng tôi biết đã phải bán gần hết tài sản, những gì bán được là đã bán và bán có 50% giá thực. Đấy là việc rất đáng lo ngại”.
Từ “lo ngại” được ông lặp lại một lần nữa để cảnh báo tình hình: “Người mua là ai? Người mua toàn là nước ngoài. Đấy là câu chuyện chúng tôi đã cảnh báo rất nhiều lần về việc thâu tóm của nước ngoài, rất nguy hiểm, nhất là đối với những doanh nghiệp lớn mà chúng ta cần phải giữ, cần phải hỗ trợ cho nền kinh tế. Đấy là vấn đề chúng tôi rất lo ngại”.
Có lẽ, phát biểu thẳng thắn trên không làm hài lòng nhiều người, nhưng là tư lệnh chịu trách nhiệm đối với môi trường kinh doanh và sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam, ông Dũng cần phải nói đúng và nhìn nhận đúng tình thế, để từ đó có thêm nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Tại buổi lễ tổng kết của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cuối tuần trước, ông thông báo cả năm 2023 có gần 218 nghìn doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại thị trường; thu hút FDI đạt 36,6 tỷ USD, tăng hơn 32%; vốn FDI thực hiện đạt 23,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Áp lực giải ngân đầu tư công luôn đặt lên ngành kế hoạch và đầu tư trong suốt cả năm vì nguồn này là một trong những trụ cột chính cho tăng trưởng và phát triển trong bối cảnh đầu tư tư nhân hao hụt. Rất may, tỷ lệ giải ngân đạt 95%.
Trên đây chỉ là một vài con số có được từ nỗ lực cải cách thể chế, luật pháp mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiên trì làm, có lúc lui, lúc tiến, trong những năm qua.
Ông nói: “… có nhiều điểm mới Bộ chúng ta đã tham mưu cho cấp có thẩm quyền để phê duyệt, tổ chức thực hiện. Chúng ta từ bỏ lợi ích riêng để vì cái chung của đất nước như nhiều người thường nói Bộ Kế hoạch và Đầu tư “đã lấy đá ghè chân mình”.
Một chuyện chưa kể
Có lẽ, không nhiều người biết câu chuyện phía sau của câu nói trên. Hồi giữa nhiệm kỳ trước, có một luồng ý kiến cho rằng Việt Nam đã chuyển mình mạnh mẽ sang kinh tế thị trường nên không cần ngành “kế hoạch” vì gợi nhớ đến “kế hoạch hóa”. Có ý kiến cho rằng, nên đổi tên khác để phục vụ mục tiêu là cơ quan đổi mới và phát triển. Thậm chí, có ý kiến đề xuất nhập với bộ, ngành khác;… Áp lực là rất lớn.
Trong vai trò tư lệnh, ông Dũng đã gặp nhiều người có trách nhiệm để trình bày về vai trò, chức năng và nhiệm vụ của Bộ trong tham mưu và quản lý. Tất cả các lý do đưa ra đều thuyết phục. Bên cạnh đó, ông Dũng tổ chức nhiều cuộc gặp để các chuyên gia, nhà khoa học thảo luận.
Trong một cuộc họp, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung đã có một bài phát biểu mạnh mẽ về việc cần thiết có một cơ quan cải cách như Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc, Ban phát triển kinh tế Singapore; Ủy ban kế hoạch kinh tế của Hàn Quốc (1961-1994) hay Bộ Công nghiệp và Thương mại (MITI) của Nhật Bản (1950-1970), những cơ quan cải cách có đóng góp rất lớn vào thành công vượt trội của các quốc gia.
Ông Cung nói, trong hơn 30 năm qua, những thời điểm phát triển vượt bậc của đất nước đều gắn liền với những đổi mới có tính quyết định về chính sách và thể chế; mà ở đó đều có ghi dấu ấn đậm nét về sự đóng góp của ngành kế hoạch và đầu tư.
Kết quả là luồng ý kiến đó đã nhạt đi, rồi biến mất.
Lấy đá ghè chân
Tại hội nghị cuối tuần trước, ông Dũng nói, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định: "Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tổng tham mưu có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng". Nhận định trên được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại trong chính hội nghị trên.
Nhận định đó tổng kết cả quá trình dài của những thay đổi trong nhiều lĩnh vực quản lý.
Trong đầu tư công, ngành kế hoạch và đầu tư đã tham mưu để cắt giảm từ khoảng 60 chương trình mục tiêu giai đoạn 2011-2015 xuống 21 chương trình giai đoạn 2016-2020, đến nay chỉ còn 03 chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2025. Cắt giảm khoảng 12.000 dự án sử dụng ngân sách trung ương trong giai đoạn 2016-2020 xuống dưới 5.000 dự án trong giai đoạn 2021-2025 để tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm những dự án lớn, quan trọng, nền tảng kết cấu hạ tầng của nền kinh tế, quan tâm thực hiện mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 3.000 km đường cao tốc và đến năm 2030 có khoảng 5.000 km.
Nhờ đó đã khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, chia cắt, lợi ích cục bộ để tập trung nguồn lực đầu tư các công trình, dự án lớn, đường cao tốc, liên vùng, ven biển… các “quả đấm thép” cho đột phá hạ tầng của đất nước và các địa phương.
Bên cạnh đó, nhờ Luật Quy hoạch mà hơn 20 nghìn quy hoạch đã bị cắt giảm xuống còn 111 quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và 39 quy hoạch kỹ thuật, chuyên ngành; từ 50 quy hoạch ngành cấp tỉnh tích hợp trong 1 quy hoạch tỉnh duy nhất. Hơn 3.000 quy hoạch sản phẩm các loại đã bị cắt bỏ, giúp loại bỏ hàng nghìn điều kiện kinh doanh và giấy phép con.
Nhờ “ghè chân mình”, cắt đi bớt quyền trong công tác kế hoạch hóa, quản lý nhà nước, tăng cường phân cấp, phân quyền Bộ giờ có thể tập trung vào nghiên cứu những vấn đề lớn của đất nước ở tầm vĩ mô, như chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, thể chế, mô hình kinh tế mới…
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận xét, một trong những dấu ấn quan trọng của Bộ là trình cấp có thẩm quyền ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội có quy mô 347.000 tỷ đồng, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước và đã tham mưu cắt giảm gần 5.000 dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn; đồng thời định hướng đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, manh mún, kéo dài, kém hiệu quả; đẩy mạnh các hoạt động hợp tác công-tư.
Trong Chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Bộ có số lượng đề án được giao nhiều nhất (chiếm trên 16%). Đến nay, Bộ đã hoàn thành 100% các đề án, nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong Chương trình công tác, không nợ đọng.
Nghị quyết 02 về cải cách môi trường kinh doanh, sau một năm bị vắng bóng, đã được nối lại từ đầu 2024, tạo áp lực lên cải cách ở các bộ, ngành và địa phương.
Còn những tâm tư
Dù vậy, các luật đầu tư và quy hoạch sẽ có hiệu quả hơn nếu bỏ đi các quy định phức tạp, chồng chéo, gây cản trở cho nhiều dự án phát triển của cả công lẫn tư.
Với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tăng trưởng kinh tế năm 2023 mặc dù rất tích cực, nhưng là năm thứ 3 liên tiếp đạt dưới mục tiêu bình quân chung Kế hoạch 5 năm (6,5-7%) và Chiến lược 10 năm (khoảng 7%). Bên cạnh đó, GDP bình quân đầu người năm 2023 chỉ đạt 4.284 USD, cách khá xa mục tiêu đến năm 2025 đạt khoảng 4.700-5.000 USD.
Trên nền tảng đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng 5 năm là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, kéo theo nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình, ông nhận xét.
“Mục tiêu đến năm 2025 là nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đến năm 2030 là nước công nghiệp hiện đại cũng là rất thách thức nếu không có sự đột phá, đổi mới”, ông khẳng định.
Tư Giang