Những người làm sách từng bị gọi là "đầu nậu"
Khởi nghiệp làm sách từ đầu những năm 2000, đến nay ông đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề xuất bản. Đâu là những dấu mốc đáng chú ý trong hành trình này, thưa ông?
- Tôi được sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, nên cả tuổi thơ của tôi gắn bó với thủ đô. Những cuốn sách đầu tiên tôi được đọc chính là những cuốn mà cha mẹ tôi đưa cho. Mẹ tôi mượn những cuốn sách từ đồng nghiệp ở trường Đại học Dược, từ hiệu sách nhỏ cho thuê trên đường Tuệ Tĩnh, còn cha tôi mượn sách từ Thư viện Quân đội trên đường Lý Nam Đế, nên tôi may mắn tiếp xúc với sách từ rất nhỏ.
Nhờ sự nuôi dưỡng đó mà qua những năm tháng gian khó của thời bao cấp, từ một cậu bé thích đọc sách, coi sách vở là người bạn trong những ngày tháng thiếu ăn, dần dần tôi trở thành một người viết sách rồi tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời, của sách vở đối với sự phát triển của con người nên đã trở thành một người làm xuất bản. Có lẽ đó là một hành trình tất yếu với tôi.
Ngày nay chúng ta có thể dễ dàng mua sách trên mạng hay ra các hiệu sách, hội sách. Nhưng khi tôi còn nhỏ, trong thời bao cấp nghèo khó đó, sách chỉ có trong các hiệu sách của Nhà nước, rất ít ỏi. Chưa có nhà sách tự chọn như bây giờ mà muốn xem cuốn nào lại phải nhờ cô bán sách đứng sau quầy lấy cho xem, rồi hết giờ hành chính cửa hàng đó lại đóng cửa.
Sau ngày có chính sách mở cửa, cùng với làn gió mới mẻ ùa vào, cùng với sự phát triển và cởi trói của nền kinh tế, cũng như những ngành nghề khác, sách vở trở nên cởi mở hơn, đa dạng và phong phú hơn rất nhiều. Những cá nhân ngoài quốc doanh bắt đầu tham gia vào lĩnh vực xuất bản, dù vẫn bị kỳ thị và bị gọi là "đầu nậu".
Dấu mốc quan trọng cho ngành xuất bản đến vào năm 2004 khi Quốc hội ban hành Luật Xuất bản, chính thức ghi nhận liên kết trong hoạt động xuất bản, nghĩa là "đầu nậu" tư nhân được công nhận hợp pháp. Các tổ chức, cá nhân được liên kết với nhà xuất bản để phát hành xuất bản phẩm. Hành lang pháp lý này mở đường cho sự ra đời của hàng loạt công ty làm sách liên kết trẻ trung, ngoài quốc doanh như chúng tôi.
Cũng vào năm 2004, Việt Nam tham gia Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật. Đây là dấu mốc vô cùng quan trọng về bảo vệ tác quyền, một yếu tố "sống còn" trong nghề xuất bản.
Dường như cứ mười năm lại có một bước tiến lớn lao với ngành. Mười năm sau khi có Luật Xuất bản, vào tháng 2/2014, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định lấy ngày 21/4 là Ngày Sách Việt Nam (đến năm 2021 đổi thành Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam). Đây là kết quả sau nỗ lực vận động của nhiều người trong ngành xuất bản, trong đó có những người như anh Giản Tư Trung (nhà hoạt động giáo dục, Hiệu trưởng Trường Doanh Nhân PACE), anh Lê Hoàng (nguyên Tổng giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, nguyên Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ)... Nhờ vậy, tháng 10/2014, nhân kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô, thành phố Hà Nội lần đầu tiên tổ chức hội sách tại Hoàng Thành Thăng Long. Dịp đó, tôi vinh dự được lựa chọn làm đại diện cho các đơn vị xuất bản phát biểu tại Lễ khai mạc.
Giờ đây mọi người khó có thể hình dung rằng, một thủ đô văn hiến ngàn năm, một trung tâm tri thức của cả nước mà mãi tới 2014 mới có hội sách đầu tiên do thành phố tổ chức. Chúng tôi, những độc giả và nghành xuất bản đều thấy là quá muộn màng. Chúng ta lẽ ra phải làm sớm hơn, từ 1-2 thập niên trước.
10 năm trước ông đã phát biểu gì tại Hội sách đầu tiên của Hà Nội và đến nay nhìn lại ông thấy như thế nào?
- Được chọn làm đại diện cho giới xuất bản, và cũng đã tới thăm nhiều nhà sách trên thế giới, dự vài hội chợ sách như Frankfurt, New York, Toyko… nhìn thấy sự phát triển, thấy sự đa dạng phong phú của sách và tri thức trên thế giới, chúng tôi ước ao ở Việt Nam, ở Hà Nội cũng có hội sách như vậy. Vì thế, thay mặt cho những người làm sách, tôi chỉ nói hộ mong muốn của độc giả khi trích dẫn câu nói của triết gia Cicero: "Một ngôi nhà không có sách vở cũng như một cơ thể không có tâm hồn". Và cũng như vậy, một thành phố nếu thiếu những nhà sách, nếu thiếu những hội sách cũng giống như một cơ thể không có tâm hồn. Cùng với những nhà sách, cùng với những nhà xuất bản, hội sách Hà Nội hôm nay sẽ góp phần tô điểm và làm giàu đẹp thêm cho tâm hồn của thành phố vô cùng đáng yêu này.
Tôi hoàn toàn tin rằng, một nền kinh tế tri thức, một xã hội hiện đại và văn minh không thể phát triển và trở thành hiện thực nếu thiếu tri thức. Và sách hẳn là sự khởi đầu đẹp đẽ cho quá trình phát triển đó, cho Hà Nội và cho cả đất nước.
Bản thân tôi và các cộng sự, những người làm sách, chúng tôi không giàu có như một số ngành nghề khác, nhưng chúng tôi hạnh phúc vì được làm cầu nối tri thức, góp phần tô điểm và làm giàu đẹp thêm cho tâm hồn mọi người. Kể thêm rằng tôi từng làm việc trong ngành dầu khí, rồi ngành bất động sản/cho thuê văn phòng, rồi kinh doanh ô tô trước khi theo nghề xuất bản. Từng làm trong những ngành tương đối giàu có đó, tôi có điều kiện so sánh với ngành xuất bản, nên phần nào đó thấy nghèo, thấy vất vả, thấy gian khó thế nào. Có thể nếu tôi theo nghề bất động sản và dầu khí thì sẽ có thu nhập tốt hơn, nhưng chắc chắn là không đúng với những gì tôi mong muốn và mơ ước.
"Người Việt đọc sách tinh hoa nhiều hơn chúng ta tưởng"
Ông nhìn nhận như thế nào về thị trường sách hiện nay?
- Thị trường sách Việt Nam đang phát triển, dù có thể quy mô và tốc độ chưa bằng các nước phát triển và một số nước trong khu vực, nhưng xu hướng chung khá tích cực.
Dù còn nhiều vấn đề nhưng nhìn chung môi trường xuất bản ngày càng cởi mở, xã hội và các nhà lãnh đạo ngày càng quan tâm hơn tới văn hóa đọc. Ngay hôm qua, tôi nhìn thấy Nguyên chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Văn Truyền… đến gian hàng chúng tôi mua sách; nhiều vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo đã và đang tới thăm hội sách nhiều hơn, chú ý hơn, quan tâm hơn. Hy vọng mọi người ngày càng hiểu hơn về vai trò, ý nghĩa của sách, của tri thức, của xuất bản với sự phát triển của quốc gia và dân tộc.
Thách thức vẫn rất lớn khi người Việt nhìn chung ít đọc sách, giá sách còn khá cao so với thu nhập trung bình của người dân… Tình trạng vi phạm bản quyền, bán sách lậu tràn lan, việc đọc sách đã được chính thức hóa nhưng vẫn ở phong trào mà chưa trở thành thực chất. Tuy nhiên với tư cách là một người làm trong ngành sách thì tôi xin chia sẻ ba điều sau.
Thứ nhất, một điều mà chính tôi cũng ngạc nhiên là người Việt đọc sách tinh hoa khá nhiều. Ví dụ cuốn "Sapiens: Lược sử về loài người" của Yuval Noah Harari; hay cuốn "Tư duy nhanh và chậm" của Daniel Kahneman, cuốn sách tóm lược hàng thập niên nghiên cứu giúp ông đoạt giải Nobel kinh tế năm 2002… Đó đều là những cuốn sách rất "nặng" về nội dung, khá hàn lâm, vậy mà đều phát hành tới hơn 50.000-100.000 bản. Con số này khiến khá nhiều người không tin vì hiện nay trung bình một cuốn sách chỉ phát hành được vài ngàn bản là nhiều. Tôi tin còn nhiều cuốn sách tinh hoa của các đơn vị khác ở Việt Nam đã có thể đạt hàng trăm ngàn bản.
Những cuốn sách tương đối hàn lâm, nhiều hàm lượng chất xám nhiều khi nằm trong số những đầu sách bán chạy nhất, cho dù giá bán những đầu sách này không hề rẻ. Điều này chứng minh rằng, hóa ra có rất nhiều bạn đọc sẵn sàng mua và đọc những cuốn sách "dày và nặng". Đây là điều đáng mừng.
Cách đây 20 năm, tôi và dịch giả Cao Việt Dũng từng nói chuyện vui với nhau, rằng có lẽ Hà Nội chỉ có khoảng 10.000 độc giả cho sách tinh hoa. Nhưng sau này chúng tôi mới phát hiện là mình đã sai, con số đó phải là trên 50.000, trên 100.000 và trên cả nước thì nhiều hơn rất nhiều. Tôi cũng vui mừng phát khóc khi cuốn "Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào?" mà tôi biên soạn năm 2004 đến nay đã bán được trên 10.000 bản! Hơn 10.000 người quan tâm đến cuốn sách nghiên cứu về hiến pháp và thể chế! Thực sự rất đáng kể.
Thứ hai, là một người làm sách thì điều tôi thực sự trăn trở là số lượng tác giả Việt, sách Việt hiện nay còn chiếm tỷ lệ nhỏ so với sách dịch, sách của tác giả nước ngoài. Từ năm 2007, khi trao đổi với các nhà xuất bản Thái Lan, được biết tỷ lệ sách "nội địa" của họ so với sách dịch là 50-50. Nghĩa là họ đã cân bằng được giữa sách của tác giả nước ngoài và tác giả trong nước. Còn ở ta nhiều năm nay tỷ lệ sách "nội địa" chỉ chiếm khoảng 20-30%.
Để cân bằng được tỷ lệ này thì nỗ lực của các nhà xuất bản, các đơn vị làm sách là chưa đủ, mà cần sự chung ta của cả xã hội và của các tác giả người Việt. Về phía chúng tôi luôn trân trọng và ưu tiên bản thảo của các tác giả trong nước.
Trong ngành xuất bản, hàng năm, tôi nghĩ rằng rất cần có nhiều tài trợ, hỗ trợ và giải thưởng cho các tác giả người Việt về sách về các đề tài lịch sử, chính trị của đất nước, gồm các thể loại chân dung, tự truyện, hồi ký, ghi chép, công trình khoa học, nghiên cứu… Tôi mong muốn và sẵn lòng hợp tác với những cá nhân, tổ chức quan tâm đến phát triển giải thưởng này, cùng với việc huy động thêm sự ủng hộ của xã hội và các doanh nhân khác.
Thứ ba, dịp này chúng ta đang kỷ niệm 3 năm ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, nhưng thực ra là kỷ niệm 10 năm lần đầu tiên có Ngày sách ở Việt Nam (2014-2024). Chúng ta đã đi được một chặng đường rất dài trong việc tôn vinh và lan tỏa văn hóa đọc. Nhưng như tôi vừa nói, cứ sau chặng đường 10 năm những vấn đề mới, thách thức mới lại đặt ra đòi hỏi ngành xuất bản phải có những giải pháp, sáng kiến, chương trình hành động lớn lao hơn.
Chẳng hạn, theo một số liệu thống kê thì số thư viện ở Việt Nam là nhiều nhất trong số các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên nhìn sâu vào thì chúng ta sẽ thấy rất nhiều thư viện ở Việt Nam hoạt động hình thức, những thư viện ở cấp xã rất ít sách, những thư viện ở tỉnh rất ít người đọc, rất ít hoạt động. Vậy thì đi vào chiều sâu là gì? Là chúng ta phải biến thư viện trở thành một không gian văn hóa chứ không chỉ là nơi có nhiều sách, một nơi mà mọi người muốn đến để tìm kiếm tri thức, để gặp gỡ, kết nối với những người khác, chia sẻ và làm giàu thêm tri thức văn hóa cho mình và cộng đồng.
Hàng năm các địa phương chi hàng hàng trăm tỷ đồng để sửa chữa vỉa hè…. Nhưng đầu tư cho văn hóa đọc lại quá ít ỏi, chúng tôi chỉ cần con số nhỏ hơn như vậy cũng có thể mang lại sự thay đổi lớn. Sự phát triển của quốc gia, của dân tộc đòi hỏi cả đầu tư vào phần "cứng" và phần "mềm", và xu hướng là chuyển dịch ngày càng mạnh theo hướng đầu tư tư vào chất xám và con người.
Công nghệ đang phát triển rất nhanh, tác động đến thói quen tiêu thụ văn hóa của công chúng. Vậy theo ông, đâu là những vấn đề đặt ra với những người làm xuất bản trong bối cảnh hiện nay?
- Trước hết, sách là văn hóa, những người làm sách phải luôn giữ gìn và làm giàu văn hóa của mình. Tôi vẫn thường nói với các đồng nghiệp rằng muốn tri thức được coi trọng thì bản thân những người làm sách như chúng ta phải coi trọng tri thức. Đừng mong chờ xã hội coi trọng chúng ta, nếu chúng ta không tự coi trọng chính bản thân mình với tư cách là những người làm sách.
Tôi muốn rằng ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam không chỉ là ngày của Văn hóa đọc mà còn là ngày hội nghề nghiệp của những người làm sách. Ngày mà những người làm sách ngồi lại với nhau, nói những câu chuyện nghề nghiệp và sứ mệnh của mình. Hội sách không còn mới nữa, hội sách là câu chuyện của các đơn vị xuất bản, các đơn vị phát hành. Chúng ta đã đi một chặng đường dài từ mở cửa đến chính thức hóa địa vị của người làm sách, và xã hội hóa chuyện bán sách, đưa sách đến người đọc.
Giờ đây, chúng ta lại cần đi tiếp: đưa xuất bản và tri thức thành một chính sách quốc gia hướng đến trí tuệ, tri thức và chất lượng tư duy của người Việt. Chúng ta đang trong hành trình hiện đại hóa đất nước, thì tất yếu phải hiện đại hóa tư duy của dân tộc, thậm chí việc hiện đại hóa tư duy còn phải đi trước.
Ông Nguyễn Cảnh Bình là Chủ tịch HĐQT Alpha Books và Omega. Ông cũng là Giám đốc Trung tâm hợp tác Trí tuệ Việt Nam, đồng thời là người sáng lập Chương trình Đào tạo Lãnh đạo Trẻ ABG.
Theo Dân Trí